Châu Phi, “nạn nhân” tiếp theo của chiến sự Nga – Ukraine
Khi cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì ở những nơi cách xa vùng chiến sự vạn dặm đã và đang chịu những hệ quả nặng nề. Và nạn nhân tiếp theo chính là người dân châu Phi, họ đang dần thấm được sự “khốn khổ” bởi nạn đói khi 40% lượng lúa mì, ngô, dầu hướng dương nhập khẩu từ Nga và Ukraine nay đã không còn.
Theo đài RT (Nga), về mặt ngoại giao, châu Phi đã giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, điều đáng buồn là một khu vực đứng ngoài các cuộc tranh chấp như Châu Phi lại là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do chính cuộc chiến tranh này gây ra.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến năm 2020, Nga và Ukraine đã cung cấp tới 25% tổng sản lượng lúa mì nhập khẩu vào châu Phi. Và cuộc xung đột hiện nay đã gây ra một loạt hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực này. Đặc biệt trong đó có lệnh cấm xuất khẩu lúa mì tạm thời, đã làm gián đoạn mùa gieo hạt ở Ukraine, gây chậm trễ cho việc vận chuyển các chuyến hàng qua Biển Đen.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng phân bón đang rình rập cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp lúa mì chính khác cho châu Phi như Pháp và Brazil. Những vấn đề này đang gây ra mối đe dọa an ninh lương thực nghiêm trọng đối với một số quốc gia ở châu lục này như Ai Cập, Liban, Somalia…
Đầu tiên phải kể đến Ai Cập. Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và 80% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này đến từ Nga và Ukraine trước khi xung đột xảy ra. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng là nước tiêu thụ bánh mì nhiều nhất thế giới, trung bình gần 150 kg mỗi năm, gần gấp ba lần toàn cầu.
Nguy cơ thiếu bánh mì đang là một trong những thách thức an ninh cấp bách nhất chính phủ Ai Cập phải đối mặt, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2013, đưa Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi lên nắm quyền. Giá bánh mỳ tăng sẽ tác động mạnh tại quốc gia có khoảng 30% dân số sống với mức chi chưa đến 2 USD/ngày. Mỗi ổ bánh mì baladi hiện có giá khoảng 7 cent, so với khi được trợ giá chưa đến 1 cent. Với chính phủ Ai Cập, chi phí để giữ giá bánh mì cùng nhiều thực phẩm khác ở mức rẻ gần đây tăng đáng kể, ước tính mất 90 tỉ EGP (4,9 tỉ USD) cho năm tài khóa 2023, tăng so với mức 87 tỉ EGP năm trước đó.
Thời gian gần đây, nền kinh tế Ai Cập đang rơi vào cảnh rối loạn do giá cả tăng cao, gây căng thẳng cho ngân sách và làm trì hoãn việc hợp lý hóa chương trình trợ cấp bánh mỳ trị giá 3 tỷ USD của chính phủ nước này. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Ai Cập là 5% trước khi chiến tranh xảy ra, nhưng nay đã tăng đến 14,5%. Tuần trước, ngân hàng trung ương Ai Cập đã tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng thế giới mới đây cũng đã liệt Ai Cập vào danh sách những quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trong năm 2022.
Ở Liban, theo đánh giá của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thì có đến 22% phần trăm hộ gia đình bị mất an ninh lương thực sẽ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã tuyệt vọng. Quốc gia này nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine nhưng chỉ có thể dự trữ khoảng một tháng do vụ nổ ở cảng Beirut năm 2020 đã phá hủy các kho chứa ngũ cốc chính.
Đã vậy, lượng tiền gửi về của người lao động ở Nga, chiếm hơn 11% GDP bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất giá của đồng rúp. Trong tuần lễ đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giá bột mì tăng lên 30% mặc dù trước đó, ngày 26-2 Bộ Kinh tế và Thương mại Liban cho biết quốc gia này đã chuẩn bị lượng lúa mì dự trữ chiến lựợc trong 6 tháng nhưng không thể ngăn chặn được việc tăng giá. Đến ngày 7/3, Bộ đã quyết định áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện, bao gồm đình chỉ hoạt động của các công ty, nhà máy sản xuất, chế biến bột mì không tuân thủ quy chế phân phối đã được phê duyệt cũng như không duy trì mức giá do Bộ ấn định.
Nói về Somalia, quốc gia hiện đang hứng chịu những đợt hạn hán ngày càng nghiêm trọng thì cuộc xung đột Nga-Ukraine lại càng khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Ông Iman Abdullahi, giám đốc chi nhánh Somali thuộc Tổ chức nhân đạo toàn cầu CARE cho biết: “Hơn 90% nguồn cung lúa mì, dầu hướng dương ở Somalia đến từ Nga và Ukraine nhưng hiện nay giá đã tăng 30%. Hàng chục ngàn người dân đã phải di tản đến các trại tạm trú do Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc bảo trợ (IDP) để kiếm thức ăn. Với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chúng tôi lo ngại thảm kịch sẽ xảy ra khi thực phẩm cạn kiệt mà cụ thể là ở Sahel, 30 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Và không chỉ ở Đông Phi, Trung Phi, Nam Phi, cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tác động mạnh đến giá lương thực ở Bắc Phi và Cận Đông – nơi những người nghèo dễ bị tổn thương nhất”.
Ngoài ra, nếu khu vực sử dụng đồng Euro chìm trong khủng hoảng, cuộc đối đầu kinh tế dai dẳng với Nga có thể khiến EU và các nước thành viên cắt giảm hỗ trợ kinh tế và công nghệ cho châu Phi. Về trung hạn, tình hình kinh tế và xã hội ở Tây Phi vẫn là mối lo ngại lớn nhất. Vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng mới ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và lương thực có thể gây mất ổn định hơn nữa cho các hệ thống chính trị trong khu vực. Dù không liên quan trực tiếp đến xung đột ở Ukraine, song thực tế đang chứng minh rằng châu Phi sẽ chịu tác động rất lớn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Lan Hoa