+
Aa
-
like
comment

Châu Âu liệu có vượt qua được “bài kiểm tra đoàn kết”?

Lan Hoa - 31/08/2022 13:25

Tại các nước phương Tây, việc lạm phát gia tăng trong khi nguồn cung năng lượng đang giảm được nhận định sẽ là “bài kiểm tra” thực tế nhất cho tinh thần đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine.

Hình ảnh trong lễ ký văn bản tuyên bố sự đoàn kết của Lãnh đạo EU

Sau 6 tháng, chiến tranh Nga – Ukraine hiện vẫn đang ở thế giằng co bế tắc. Trong khi Ukraine phản công khó khăn với hy vọng giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam, Nga vẫn duy trì tấn công hằng ngày nhưng khả năng tạo ra đột phá dường như không lớn.

Những tuần qua, sự hỗ trợ của phương Tây có dấu hiệu hụt hơi. Viện Kiel về kinh tế thế giới có trụ sở tại Đức mới đây cho biết 6 quốc gia hàng đầu châu Âu không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7/2022. Gần đây nhất, Ukraine chỉ nhận tổng cộng 1,5 tỉ USD cam kết hỗ trợ.

Các quan chức châu Âu và NATO cũng thừa nhận việc tiếp tục sát cánh cùng Ukraine không dễ dàng và họ hiện đang phải trả giá cho sự ủng hộ đối với Ukraine. Hôm 23/8, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell thừa nhận sự ủng hộ của châu Âu có thể bị rạn nứt trong những tháng tới và cho biết, việc duy trì sự đoàn kết của khối là một cuộc đấu tranh “hằng ngày”. Đặc biệt, EU lo ngại những thách thức trong mùa thu hoặc đầu mùa đông năm nay sẽ gây cản trở việc viện trợ thêm cho Ukraine.

Khí đốt mùa đông – phép thử sự đoàn kết của châu Âu

Trước hết, Ý sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 9 năm nay, trong đó có khả năng liên minh cánh hữu, bao gồm các đảng có thiện cảm với Nga, lên nắm quyền. Ngoài ra, cũng có nhiều lời kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế khu vực đồng Euro trước cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng châu Âu ở Praha, CH Czech vào tuần tới.

“Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ không còn quan tâm về vấn đề Ukraine vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và Anh sắp diễn ra. Đức cũng đang lo lắng về khí đốt và sông Rhine khi nó đã cạn mất 6 inch. Vấn đề ủng hộ Ukraine thực sự là một thách thức, một bài kiểm tra khá thú vị”, tướng Mỹ đã về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu nhận định trên Reuters.

Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng năng lượng trầm trọng

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới vốn là một vấn đề khiến các quan chức và nhà ngoại giao phương Tây “đau đầu” mỗi ngày. Một số nước châu Âu, nổi bật nhất là Pháp và Đức, đã công khai nói rằng nên có một kênh liên lạc chung giữa phương Tây và Nga.

Riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải nhiều lần lập lại quan điểm rằng Ukraine và Nga nên tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối mặt với chỉ trích vì đưa ra những thông điệp hỗn loạn về vấn đề khí đốt Nga và việc EU có nên cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga hay không.

Tại hội nghị bất thường diễn ra ngày 26/7 ở Brussels (Bỉ), bộ trưởng năng lượng 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Tuy nhiên, “kế hoạch nóng” của EU nhằm chuẩn bị cho một mùa đông giá lạnh sắp tới vấp phải sự hoài nghi từ nhiều phía. Đây được xem như một phép thử khó khăn đối với sự đoàn kết vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được trong EU. Thậm chí, trước thềm cuộc họp ngày 26/7, giới chức EU thừa nhận ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã nêu quan ngại về đề xuất cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ.

Cờ của EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba đã từng thẳng thừng tuyên bố Lisbon “hoàn toàn phản đối” kế hoạch của EU do đề xuất này “không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia”. Không dừng lại, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas cũng tuyên bố họ phản đối việc bắt buộc thực hiện mục tiêu cắt giảm cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố.

Tại Ba Lan, Bộ trưởng Khí hậu Anna Moskwa nêu rõ: “Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ quyết định nào được áp đặt đối với các quốc gia. An ninh năng lượng là đặc quyền của quốc gia.” Mặc dù bỏ phiếu tán thành thỏa thuận, Ba Lan vẫn khẳng định ngành công nghiệp nước này sẽ không thể bị buộc phải cắt giảm sử dụng khí đốt để giúp đỡ các nước khác.

Bộ trưởng Khí hậu Anna Moskwa

Còn Hungary, nước duy nhất bỏ phiếu phản đối thỏa thuận, tuyên bố văn kiện này “không chính đáng, vô ích, không thể thi hành và có hại”. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto còn đặt câu hỏi về “cơ sở pháp lý” của thỏa thuận và chất vấn EU: “Liệu có ai đó ở Brussels có thể giải thích cho người Hungary rằng tại sao người dân và các công ty Hungary không được sử dụng khí đốt dù Hungary vẫn có khí đốt?”.

Cuộc chiến nội bộ của EU liên quan tới vấn đề khí đốt có thể sẽ cam go hơn nhiều bởi sức nặng của “tình đoàn kết” khó có thể so sánh với lợi ích quốc gia của từng nước khi đặt lên bàn cân. Khí đốt còn được sử dụng để sản xuất điện và nhu cầu sưởi ấm, sinh hoạt của người dân. Giá năng lượng, trong đó có khí đốt, liên tục tăng cao khiến châu Âu đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế với mức lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia. Vì vậy, châu Âu khó có thể sát cánh cùng nhau vượt qua được “bài kiểm tra đoàn kết”.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều