+
Aa
-
like
comment

Châu Âu hứng chịu “dư chấn” từ cuộc chiến kinh tế Mỹ – Nga

Huy Hoàng - 10/03/2022 07:02

Ngày 8/3, Mỹ đã chính thức tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu khí và tất cả các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức trên toàn nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/3.

Trong bài phát biểu lúc 23h30 đêm (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ không chỉ bao gồm dầu mỏ mà còn có cả khí đốt: “Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận ở các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga.”

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thừa nhận động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân Mỹ, vốn đã phải hứng chịu giá nhiên liệu tăng vọt suốt những tháng qua. Cấm vận Nga sẽ tiếp tục đẩy lạm phát leo thang, khiến giá nhiều mặt hàng khác, kể cả nhu yếu phẩm tăng lên theo. Song, ông Biden nói rằng đó là cái giá mà chúng ta phải đánh đổi “vì người dân Ukraine”, rằng chính cuộc chiến của Nga đã đẩy giá nhiên liệu lên cao: “Nếu chúng ta không đáp trả cuộc tấn công của Nga vào nền hòa bình và ổn định toàn cầu ngày hôm nay, thì cái giá phải trả cho tự do và cho người dân Mỹ sẽ còn lớn hơn vào mai sau.”

Đơn phương cấm vận, châu Âu phản đối

Trước đó, Tổng thống Biden trong ngày 7/3 đã điện đàm với lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Anh nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Song ý tưởng này đã không nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt…

Tổng thống Biden trong ngày 7/3 đã điện đàm với lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Anh nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Lý do các nước châu Âu không đồng thuận với Mỹ trong vấn đề này, chính là vì với Mỹ, chỉ có khoảng 3,5% nguồn dầu nhập khẩu của nước này trong năm 2021 là đến từ các doanh nghiệp Nga. Còn lại, khoảng 57% dầu nhập khẩu vào Mỹ đến từ Canada, chưa kể tới khoản dầu mỏ mà Mỹ tự khai thác được để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Mỹ là quốc gia thặng dư về dầu khí: Do chi phí logistics nên chỉ một số vùng ven mới cần nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, chứ Mỹ không hề thiếu dầu. Do đó, dù có ảnh hưởng nhưng không đủ để khiến Mỹ phải lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng. Dù lạm phát vẫn cao, ảnh hưởng mọi mặt tới đời sống lẫn chính trị trong nước, nhưng nguồn cung năng lượng so với các quốc gia trên thế giới thì vẫn đảm bảo.

Mỹ là quốc gia thặng dư về dầu khí.

Năm 2021, mỗi tháng trung bình Mỹ nhập khẩu trung bình 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga, cho nên lệnh cấm cũng phần nào khiến lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, khi “cân đo đong đếm” với việc ban hành các lệnh cấm vận Nga, tất nhiên Mỹ vẫn đang nhận được nhiều lợi ích kinh tế – chính trị hơn. Nó giúp Washington triệt tiêu đối thủ địa chính trị lịch sử của mình, đổi lại chỉ là hứng chịu một chút thiệt hại trong ngắn hạn. Nhưng thực chất, còn có một lý do khác.

Trái ngược với Mỹ, châu Âu phụ thuộc phần lớn vào Nga, nhập khẩu tới hơn 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô đều đến từ Nga. Việc cấm vận quá gấp rút khi chưa có giải pháp thay thế sẽ giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế EU. Với EU, cấm vận dòng chảy dầu khí từ Nga sang lúc này sẽ là cái giá phải trả không thể đắt hơn. EU không thể sống thiếu Nga, vì nếu mất đi nguồn cung nhiên liệu giá rẻ từ Nga, châu Âu cũng sẽ cạn túi vì phải đi mua từ Mỹ với cái giá cắt cổ. Không chỉ Ukraine, nạn nhân trong cuộc xung đột lại chính là EU. Cấm vận Nga sẽ chỉ khiến cho nền kinh tế các nước thành viên châu Âu càng thêm suy sụp.

Châu Âu nhập khẩu tới hơn 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô đều đến từ Nga.

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, giá khí đốt tại các nước châu Âu đã có đà tăng phi mã liên tục trong suốt năm 2021. Khí đốt tăng giá làm giá xăng dầu và giá điện cũng tăng theo, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu liên tục lập những đỉnh mới. Giờ đây, nếu lại trực tiếp cấm vận nguồn cung dầu từ Nga sang, EU sẽ hứng chịu hết tất cả “dư chấn” từ cuộc khủng hoảng Ukraine và để Mỹ, một quốc gia dư dả về dầu khí không chỉ thu được lợi ích mà còn được tôn lên làm “sứ giả của hòa bình”.

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, giá khí đốt tại các nước châu Âu đã có đà tăng phi mã liên tục.

Cho nên, bất chấp việc Mỹ kêu gọi các đồng minh cùng mình ra tay “giải cứu hòa bình thế giới”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7/3 cho biết, châu Âu cần phải tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Ông cho rằng châu Âu sẽ rơi vào thảm họa vì mất đi sự đảm bảo an ninh năng lượng. Cho tới nay, mọi giải pháp thay thế nguồn cung năng lượng Nga vẫn là bất khả thi. Đức, quốc gia trụ cột của liên minh châu Âu, hiện cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu giá rẻ của Nga. Ước tính khoảng 55% khí đốt của Đức là được nhập khẩu từ Nga. Còn Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng tới 60% khí đốt tự nhiên từ Nga. Một khi Nga “khóa van”, một phần lớn châu Âu sẽ chìm trong lạnh giá.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Hôm 3/3, bà Kadri Simson, Ủy viên năng lượng EU, cũng nói với Nghị viện châu Âu rằng: “Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình.”

Bà Kadri Simson, Ủy viên năng lượng EU: “Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình.”

Đồng quan điểm, Đại diện cấp cao về Đối ngoại và An ninh của EU, ông Josep Borrell cũng nói rằng: “Đừng nghĩ rằng châu Âu có thể làm bất cứ điều gì cần làm, mà lại không đối mặt với hậu quả.”

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Đối ngoại và An ninh của EU: “Đừng nghĩ rằng châu Âu có thể làm bất cứ điều gì cần làm, mà lại không đối mặt với hậu quả.”

Cố né tránh, nhưng EU vẫn “lãnh đủ”

Mặc dù Mỹ chỉ là đơn phương ban bố lệnh cấm vận, song EU cũng phải “lãnh đủ”. Các lệnh cấm vận sẽ khiến thêm rất nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp ở châu Âu và cả ở châu Á, từ chối nhập khẩu nguồn cung của Nga để đảm bảo không vướng phải rắc rối do các gói trừng phạt của Mỹ. Điều đó tác động đến EU ngay cả khi liên minh châu Âu không “động chạm” vào ngành năng lượng Nga.

Lệnh cấm vận sẽ khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, từ đó tiếp tục đẩy giá nhiên liệu lên mức cao. Vào những tháng cuối năm 2021, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên gấp 4 lần do Nga chậm giao hàng vì khủng hoảng và tình trạng thiếu hàng. Và nay, nhờ các lệnh cấm vận từ Mỹ mà tình trạng tồi tệ đấy lại tiếp tục trầm trọng hơn.

Một khi Nga “khóa van”, một phần lớn châu Âu sẽ chìm trong lạnh giá.

Nga tất nhiên sẽ không khóa van dầu khí của mình đến châu Âu. Song, không có gì đảm bảo nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi các đòn tấn công từ Mỹ. Trong cuộc chiến kinh tế này, các doanh nghiệp châu Âu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nguồn cung không được đảm bảo sẽ khiến nền kinh tế các nước thành viên EU lao đao trong một thời gian dài do không kịp tìm nguồn cung mới thay thế.

EU đang trở thành “nạn nhân” của cuộc xung đột Nga – Ukraine: Mắc kẹt giữa Mỹ và Nga. Họ muốn bỏ Nga, để tự do hơn trong việc đáp trả, nhưng điều đó là bất khả thi vào lúc này. Nhưng Mỹ thì không chờ EU, EU không thể thoát khỏi sự áp đặt của Mỹ, những hành động đơn phương của Mỹ nhằm vào Nga, sẽ gián tiếp khiến châu Âu bị tổn thương.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều