Châu Âu “bừng tỉnh” về nguy cơ cạn kiệt vũ khí
Mức độ khốc liệt của chiến sự Ukraine khiến châu Âu nhận ra hậu quả của nhiều thập kỷ giảm ngân sách quốc phòng và thiếu đầu tư công nghiệp vũ khí.
Quân đội Anh, đồng minh quân sự hàng đầu của Mỹ và là nước chi nhiều tiền nhất châu Âu cho trang bị quốc phòng, hiện chỉ còn khoảng 150 xe tăng và hơn 10 hệ thống pháo tầm xa đủ điều kiện tác chiến ngay lập tức.
Kho vũ khí của quân đội hoàng gia Anh hạn hẹp đến mức hồi năm ngoái họ phải cân nhắc phương án trưng dụng và hoán cải hệ thống rocket phóng loạt từ viện bảo tàng để viện trợ cho Ukraine, nhưng ý tưởng này cuối cùng bị gác lại.
Pháp, nước chi đậm thứ hai châu Âu cho quốc phòng, đang sở hữu chưa đến 90 hệ thống pháo hạng nặng có thể sử dụng ngay. Con số này tương đương mức thiệt hại trong một tháng của pháo binh Nga trên chiến trường Ukraine, theo ước tính của giới quan sát phương Tây và các quan chức Ukraine.
Đức còn trong tình trạng báo động hơn nữa, khi giới chức nước này cảnh báo kho đạn chỉ đủ sử dụng trong hai ngày nếu chiến sự xảy ra. Một số căn cứ đang không đáp ứng đủ nhu cầu từ trang bị, cơ số đạn đến nhu cầu cơ bản như Internet và vật dụng vệ sinh.
“Quân đội đang trong cảnh món gì cũng thiếu”, Eva Hogl, ủy viên quốc phòng tại quốc hội Đức, cho biết trong phiên điều trần hồi tháng 3, sau khi hoàn tất đánh giá thực trạng năng lực quốc phòng.
Thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh, hai nước Đông Đức và Tây Đức có tổng cộng hơn 800.000 quân nhân. Sau hơn ba thập kỷ thống nhất, quân đội Đức còn khoảng 180.000 người trong biên chế. Tây Đức vào thập niên 1980 có hơn 7.000 xe tăng chiến đấu, nhưng nước Đức giờ đây có khoảng 200 chiếc, trong đó chỉ khoảng 50% đủ điều kiện lăn bánh ra chiến trường.
Chiến sự tại Ukraine khiến các nước châu Âu như chợt tỉnh giấc và nhận ra thách thức nghiêm trọng về năng lực vũ trang. Họ cam kết viện trợ quốc phòng hàng tỷ USD cho Ukraine, để rồi nhận ra năng lực sản xuất vũ khí đang ở mức rất thấp sau nhiều thập kỷ giảm đầu tư cho quân đội.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết viện trợ một triệu quả pháo cho Ukraine trong năm nay, nhưng mới đáp ứng khoảng 1/3 kế hoạch. Trong khi đó, quân đội Ukraine có những thời điểm khai hỏa đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày.
Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, lãnh đạo ủy ban quân sự NATO, thừa nhận châu Âu đang trong tình cảnh “kho súng trống rỗng” khi cân nhắc viện trợ cho Ukraine. Họ lo ngại nếu Mỹ giảm phần lớn viện trợ quân sự cho Ukraine, các đồng minh châu Âu không những không đủ năng lực bù đắp từ kho dự trữ, mà còn không thể tái trang bị đầy đủ cho quân đội nước mình.
Trong ba thập niên sau Chiến tranh Lạnh, các nước châu Âu đã tập trung phát triển kinh tế mà lơ là vũ trang cho quân đội. Họ thiếu động lực vì không còn khối quân sự đối thủ và tâm lý phó mặc cho Mỹ đảm bảo an ninh, thông qua chiếc ô hạt nhân và vai trò trung tâm của Mỹ trong liên minh quân sự NATO, theo Anthony King, chuyên gia quốc phòng thuộc Đại học Warwick của Anh.
“Có thể nói châu Âu đã tự mình phi quân sự hóa có hệ thống vì họ nghĩ không cần tiêu tiền cho quốc phòng”, ông bình luận, ví von rằng các lực lượng quân sự ở châu Âu “như người mơ ngủ” sau Chiến tranh Lạnh.
Những biến động bên kia bờ Đại Tây Dương đang buộc châu Âu phải tỉnh mộng. Từ chính quyền Donald Trump, Mỹ dần ngả sang chủ nghĩa biệt lập để ưu tiên phát triển trong nước và các chính trị gia Cộng hòa lẫn Dân chủ đều yêu cầu đồng minh trong NATO đóng góp tài chính công bằng hơn. Mỹ còn phải chia sẻ nguồn lực cho Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo lợi ích trên khắp thế giới.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hai năm qua tái khẳng định cam kết với NATO và nhiều lần tuyên bố liên minh này đang mạnh mẽ hơn trước, các nước châu Âu đã bắt đầu lo ngại viễn cảnh Mỹ thôi “một mình gồng gánh” cả NATO. Trong năm 2022, Mỹ đóng góp gần 70% chi tiêu quốc phòng toàn liên minh.
Cựu tổng thống Trump đang tái tranh cử và cũng đã công khai thể hiện lập trường hoài nghi về vai trò của NATO cũng như đặt câu hỏi Mỹ có đáng tiêu tốn nhiều nguồn lực đến vậy cho khối quân sự này hay không. Dù ủng hộ điều khoản phòng vệ tập thể, ông Trump trong nhiệm kỳ 2017-2021 đã nhiều lần mâu thuẫn với lãnh đạo các nước đồng minh về tỷ lệ đóng góp ngân sách quốc phòng lẫn chi phí duy trì hiện diện quân đội Mỹ ở châu Âu.
Nỗi lo về kho vũ khí ít ỏi tại châu Âu càng thêm sâu sắc khi Nga, đối thủ địa chính trị chủ yếu của phương Tây, đang chứng tỏ khả năng bổ sung nguồn lực quân sự vượt trội. Giới chức phương Tây đánh giá rằng trong trường hợp Nga kết thúc chiến dịch tại Ukraine ở thế thắng, họ đủ sức tái vũ trang toàn diện trong chưa đầy nửa thập kỷ.
Bekhan Ozdoev, giám đốc công nghiệp trong tập đoàn vũ khí Rostec của Nga, hồi tháng 9 tuyên bố họ đã đẩy nhanh tốc độ xuất xưởng từ hai đến 10 lần đối với mọi dòng xe tăng, thiết giáp, pháo, bệ phóng rocket, phòng không và tên lửa. Trong khi đó, giới chức Đức ước tính ngành công nghiệp nước này chỉ đủ khả năng sản xuất ba xe tăng mỗi tháng.
“Dù sở hữu sức mạnh tập thể vượt trội Nga về kinh tế và công nghiệp, NATO vẫn hụt hơi trong cuộc đua sản xuất quốc phòng. Nếu NATO không nghiêm túc sản xuất vũ khí, đạn dược, mối lo ngại an ninh sẽ ngày một tăng”, Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO, bình luận.
Năm 2014, các thành viên NATO đã nhất trí sẽ chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Đến nay, mới có 11 trong 31 thành viên NATO đạt tiêu chí này.
Chi tiêu quốc phòng của các nước NATO giảm từ 3% GDP thời Chiến tranh Lạnh xuống còn 1,3% vào năm 2014, theo dữ liệu chính thức của khối. Xu hướng này chỉ thay đổi sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng với tốc độ không đáng kể. Trong một thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng châu Âu tăng khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này ở Nga là gần 300%.
Theo Bộ Tài chính Nga, ngân sách quốc phòng nước này trong năm nay đạt khoảng 3,9% GDP và có thể tăng lên 6% trong năm sau. Đó sẽ là mức tăng cao nhất đối với nước Nga trong hàng chục năm qua.
“Trong vài năm tới, Nga có thể trở thành lực lượng quân sự đáng gờm và đủ sức đe dọa châu Âu, khi vừa có nguồn lực lại vừa rút được nhiều bài học quý giá từ thực chiến ở Ukraine”, Malcolm Chalmers, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia tại London, nhận định.
Hạ tầng công nghiệp quốc phòng của các nước châu Âu trong nhiều năm qua bị bào mòn bởi những đợt cắt giảm ngân sách, khi các chính trị gia liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng thay vì chi tiêu an sinh xã hội nhằm tránh phản ứng tiêu cực từ dư luận. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiều nước phương Tây phải thắt lưng buộc bụng, cộng với tăng trưởng kinh tế chậm và tình trạng dân số già.
Hà Lan năm 2011 đã giải thể đơn vị tăng thiết giáp cuối cùng của mình, gửi số xe tăng ít ỏi còn lại cho quân đội Đức. Phần lớn châu Âu sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự.
Hỏa lực của quân đội các nước châu Âu cũng giữ vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng quốc tế. Anh, nước có quân đội được đánh giá cao nhất về chất lượng tại châu Âu, đang được xếp sau Nga, Trung Quốc và Ấn Độ trong bảng xếp hạng sức mạnh của trang tổng hợp dữ liệu quân sự Global Firepower. Quân đội Pháp cũng xếp sau Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản trên bảng xếp hạng này.
Hàn Quốc hiện có lực lượng chính quy khoảng nửa triệu quân, tương đương tổng quân số ba nước hàng đầu châu Âu là Anh, Pháp và Đức. Mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc còn được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới, khiến Ba Lan chọn họ làm đối tác chính cho chương trình hiện đại hóa quân đội thay vì đồng minh NATO.
Mark Sedwill, cựu cố vấn an ninh quốc gia Anh, cho rằng lá bài răn đe hạt nhân giờ đây đã trở nên không hiệu quả. Chiến sự tại Ukraine cũng như những mâu thuẫn gay gắt trong quan hệ Nga – phương Tây cho thấy rủi ro an ninh vẫn leo thang dù các bên không ai muốn lao vào một cuộc chiến hạt nhân. Thực tế này đòi hỏi châu Âu phải xây dựng khả năng răn đe đáng kể bằng sức mạnh quân sự phi hạt nhân.
Ba Lan, Phần Lan và các nước Baltic đang hành động khẩn trương nhất. Ba Lan đã đặt mục tiêu chi hơn 4% GDP cho quốc phòng trong năm 2024, gần gấp đôi mức chi trong năm 2022.
Theo Bence Nemeth, giám đốc học thuật của chương trình Tham mưu Cấp cao thuộc Học viện Quốc phòng Anh, Ba Lan có tiềm năng nắm trong tay sức mạnh quân sự phi hạt nhân đáng gờm nhất châu Âu trong 2-3 năm nữa nếu duy trì mức độ đầu tư như hiện nay.
Anh vào năm 2020 tuyên bố mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, bài toán kinh tế vẫn buộc nước này giảm kế hoạch biên chế từ 82.000 quân nhân xuống còn 72.500 người.
Họ sẽ hiện đại hóa xe tăng nhưng vẫn giảm số lượng còn 148 chiếc so với 227 chiếc trong biên chế hiện nay, trong đó chỉ có 157 chiếc đủ điều kiện hoạt động nếu được báo trước 30 ngày và 40 chiếc có thể sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức, theo giới phân tích quân sự Anh.
“Chiến sự Ukraine đã thúc đẩy châu Âu chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, song năng lực quân sự của các nước này sẽ cần nhiều năm để cải thiện”, Nan Tian, chuyên gia viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổ chức thu thập và đánh giá chi tiêu quốc phòng toàn cầu, nhận định.