Châu Âu bất ngờ thay đổi chính sách nhập cư: “Giá trị tị nạn” đang được đặt lên bàn cân?
Dòng người tị nạn từ Ukraine tăng đột biến đã khiến Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/3 buộc phải thay đổi chính sách di cư bằng việc chấp thuận “bảo hộ tạm thời” cho bất kỳ ai chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Chỉ vài ngày sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine xảy ra, châu Âu đang dần phải thay đổi định nghĩa của mình về những người rời bỏ đất nước để chạy trốn khỏi chiến tranh, bạo loạn và đổ máu. Cuộc chiến trước cửa ngõ châu Âu đã làm thay đổi cách nhìn nhận và các chính sách trên nhiều lĩnh vực: Năng lượng, quốc phòng, chủ quyền, vả cả thay đổi về mô hình nhập cư.
Những con số về “người xin tị nạn” và “người nhập cư” rõ ràng là khác biệt so với thời Chiến tranh Lạnh. Việc thu hẹp dần các kênh nhập cư hợp pháp, gia tăng các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Phi đã biến nhiều người trong số những người từng được gọi là “người nhập cư” trở thành “những người xin tị nạn”. Việc áp dụng Công ước Geneva năm 1951 bảo lưu quy chế tị nạn cho bất kỳ người nào “sợ hãi có căn cứ về vấn đề ngược đãi vì chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch (…) hoặc ý kiến chính trị của mình” ngày càng phức tạp.
Những bức tường và hàng rào
EU đang bị kẹt giữa mong muốn phá bỏ biên giới nội bộ của mình và yêu cầu phải duy trì sự kiểm soát chủ quyền đối với vấn đề tị nạn. Họ bị giằng xé giữa hai bờ Đông và Tây, chưa bao giờ thành công trong việc chấp thuận một cơ chế chung để xét yêu cầu tị nạn. Do đó, các bức tường, hàng rào và chính sách được thiết kế để chặn đường người Syria, Afghanistan, châu Phi đồng thời cố gắng giữ họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bắc Phi.
Và giờ đây, những người Ukraine, nạn nhân của một cuộc chiến mà lục địa này chưa từng chứng kiến kể từ năm 1945, đã hồi sinh lại hình ảnh người của “người tị nạn” ở châu Âu thời hậu Thế chiến thứ II. Trớ trêu thay, hàng trăm nghìn người đang đổ về các quốc gia Đông Âu. Sự kiện lịch sử ngày 3/3, đã dẫn đến một quyết định chưa từng có của EU, với những hậu quả tiềm tàng đáng kể.
EU đã quyết định cấp “bảo hộ tạm thời” cho bất kỳ ai chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine. Quyền ở lại và làm việc sẽ được cấp tự động, không cần kiểm tra từng cá nhân theo như Công ước Geneva. Để làm được điều đó, một chỉ thị được đưa ra tại Brussels vào năm 2001 nhằm đối phó với “một lượng lớn người di cư từ các nước thứ ba”.
Văn bản trên chưa bao giờ được áp dụng vì thiếu đa số phiếu bầu của nhiều quốc gia, nay đã được kích hoạt với sự nhất trí cao. Nó không chỉ cung cấp các tiêu chí chung, mà còn phân phối người tị nạn đến các quốc gia theo khả năng tiếp nhận của họ. Đây chính xác là những gì châu Âu đã không thể đưa ra trong nhiều thời đại.
Một câu chuyện châu Âu
Dù được xem là một bước tiến bất ngờ của EU về việc quản lý chung dòng người tị nạn, một số quốc gia có thể sẽ không thay đổi quan điểm về tiếp nhận người tị nạn, điển hình như Ba Lan và Hungary. Để giải quyết một cách triệt để vấn đề dòng người tị nạn từ Ukraine, châu Âu sẽ cần một sự đoàn kết chặt chẽ giữa các thành viên. Tuy nhiên, liệu những quốc gia vốn không mấy thân thiện với vấn đề nhập cư như Ba Lan, Hungary có tiếp tục phản đối việc “chia sẻ” dòng người tị nạn hay không, đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) được thành lập vào năm 1950 để trao địa vị cho 30 triệu người châu Âu di cư sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Quốc xã và những thay đổi ở biên giới phía Đông. Ban đầu, công ước Geneva về người tị nạn chỉ áp dụng cho người châu Âu, không được mở rộng ra phần còn lại của thế giới cho đến tận năm 1967, trong bối cảnh các cuộc xung đột phát sinh từ quá trình phi thực dân hóa.
Trong một thời gian dài ở châu Âu, những người tị nạn đa phần đến từ các quốc gia Đông Âu. Những năm sau đó chứng kiến dòng người từ Syria, Venezuela, Afghanistan với hơn 300.000 người có quy chế tị nạn trong EU mỗi năm.
Nếu chiến tranh ở Ukraine thúc đẩy quá trình di cư của châu Âu nhiều hơn dự tính, một mặt nó sẽ khẳng định tính phổ biến của “quyền tị nạn”. Nhưng mặt khác, năng lực cung cấp nơi tị nạn cho tất cả những người tj nạn là một trong những vấn đề đã được phơi bày. Liệu châu Âu có thể đồng lòng để san sẻ dòng người di tản từ Ukraine có thể lên đến hơn 5 triệu hay không, đến nay vẫn chưa có một câu trả lời chính xác.
Hồng Ngọc (theo Le Monde)