+
Aa
-
like
comment

Châu Á đang bị nhấn chìm trong cơn ‘nghiện’ than đá

20/10/2021 10:11

Chính phủ các nước, đặc biệt tại châu Á, vẫn tiếp tục đổ tiền vào than đá, tác nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu.

Biển ngày càng vẩn đục còn con người đang chết dần vì sống chung với khói độc từ nhà máy than, nhưng các quốc gia vẫn không ‘cai’ được nguyên liệu hóa thạch này.

Những chiếc cột ngày đêm nhả khói độc vào không khí tại nhà máy than khổng lồ Suralaya nằm bên bờ biển Indonesia là minh chứng rõ ràng cho chứng “nghiện” nhiên liệu hóa thạch của châu Á, đồng thời cũng là chướng ngại chắn ngang con đường hướng đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chiếm khoảng 3/4 lượng than tiêu thụ toàn cầu. Hậu quả của “chứng nghiện” này là cả khu vực phải vật lộn với các tác động tiêu cực với môi trường và sức khỏe cộng đồng, điển hình là mức độ ô nhiễm không khí chết người ở Ấn Độ và những đợt nắng nóng khắc nghiệt dẫn đến cháy rừng liên miên ở Australia.

Châu Á chìm sâu trong cơn 'nghiện' than đá: Khói độc che mờ bầu trời - 1
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chiếm khoảng 3/4 lượng than tiêu thụ toàn cầu. (Ảnh: CBN News)

Trung Quốc cùng các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu khác đưa ra đủ lời hứa hẹn, cam kết hướng đến mục tiêu trung hòa carbon để cải thiện tình trạng này. Nhưng trái ngược với tính cấp thiết của vấn đề, quá trình chuyển đổi diễn ra vô cùng chậm chạp.

“Chúng ta quá chậm so với các tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian của chúng ta sắp cạn”, ông Tata Mustasya, một nhà vận động năng lượng thuộc tổ chức Hòa bình xanh ở Indonesia, cảnh báo.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi những tường thành nhiên liệu hóa thạch bẩn vô cùng khó khăn – chỉ 5 quốc gia châu Á chiếm tới 80% các nhà máy điện than mới được lên kế hoạch trên toàn thế giới, theo báo cáo của Carbon Tracker.

Với tình trạng đó, các phân tích cho rằng các cam kết hiện nay quá yếu. Những lời hứa tạm dừng xây dựng nhà máy và thắt chặt nguồn tài trợ ở nước ngoài từ các quốc gia tài trợ chính lại thường không bao gồm các dự án đã được lên kế hoạch.

Ô nhiễm chết người

Nhà máy than Suralaya khổng lồ trên đảo Java của Indonesia nhà một trong những nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, có thể cung cấp điện cho khoảng 14 triệu hộ dân mỗi năm.

Đốt than là nguyên nhân gây ra một lượng lớn khí thải carbon dioxide, đây là trở ngại lớn đối với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Không chỉ vậy, một hậu quả dễ thấy hơn là sự tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân địa phương.

Ở khu vực xung quanh Suralaya, bụi than thường tích tụ trên các mái nhà và người dân phàn phải sống chung với đủ loại vấn đề sức khỏe. Các triệu chứng sức khỏe thường thấy nhất là ho và khó thở.

Anh Edi Suriana, người dân đảo Java, cho biết chị dâu của anh qua đời vào năm 2010 vì mắc bệnh về phổi, hậu quả sau một thời gian dài kinh doanh trên bãi biển gần nơi đổ tro của nhà máy than.

“Chị ấy đã tiếp xúc với bụi than khi làm việc. Cửa hàng của chị chỉ cách nơi họ đổ tro khoảng 20 đến 50m”, anh Suriana kể lại.

Các bác sĩ không thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguyên nhân cái chết của chị anh Suriana, nhưng gia đình anh tin chắc là do ô nhiễm.

Nước nhiễm độc, hệ sinh thái tổn hại nặng nề

Ông Suwiro, một ngư dân 60 tuổi ở Java, thì nói rằng nhà máy là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về kích thước và chất lượng sản lượng khai thác của ông trong những năm qua.

“Tôi từng có thể thu được 100kg cá mỗi lần ra khơi. Nhưng vì giờ biển đã quá ô nhiễm, chúng tôi phải may mắn lắm mới kiếm được từ 5 đến 10kg”, ông Suwiro nói.

Indonesia đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 và ngừng xây dựng các nhà máy than mới từ năm 2023. Nhưng bất chấp cam kết, Suralaya vẫn đang được đầu tư 3,5 tỷ USD để nâng cao công suất. Không chỉ vậy, việc mở rộng nhà máy Suralaya còn nhận được 1,9 tỷ USD tài trợ công của Hàn Quốc và được hỗ trợ bởi tập đoàn điện lực nhà nước khổng lồ KEPCO, theo tổ chức phi chính phủ Solutions for Our Climate (SFOC).

Việc mở rộng nhà máy này vẫn đang tiếp tục bất chấp cam kết của Seoul hồi đầu năm nay rằng sẽ không tài trợ thêm cho bất kỳ nhà máy than nào ở nước ngoài.

Theo đại diện của KEPCO, dự án về Suralaya nằm ngoài cam kết vì đã bắt đầu từ trước đó.

Vẫn còn nhiều trường hợp tương tự Suralaya, cho thấy các chính phủ chưa thực sự hành động mạnh mẽ vì mục tiêu trung carbon.

Châu Á chìm sâu trong cơn 'nghiện' than đá: Khói độc che mờ bầu trời - 2
5 quốc gia châu Á chiếm tới 80% các nhà máy điện than mới được lên kế hoạch trên toàn thế giới.

Tốc độ biến đổi khí hậu rất nhanh, còn các giải pháp thì chậm chạp

Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, đã tuyên bố sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Tháng trước, họ thông báo sẽ cắt tài trợ cho các nhà máy điện than ở nước ngoài.

Tuy nhiên , vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn như việc liệu các dự án đang chuẩn bị tiến hành có bị ảnh hưởng hay không. Đặc biệt, gần đây nhà chức trách quốc gia này còn lệnh cho các mỏ mở rộng sản xuất để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc do gần 60% nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Một cường quốc châu Á khác là Nhật Bản cũng cam kết thắt chặt quy định đối với việc đầu tư vào các nhà máy điện nước ngoài, nhưng lại không chấm dứt nguồn tài trợ của chính phủ.

Đối với Ấn Độ, nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, mục tiêu trước mắt là kêu gọi nguồn tài trợ quốc tế cho năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng tới.

Bên cạnh các cường quốc, các quốc gia đang phát triển cũng nói rằng họ chưa thể đẩy mạnh công cuộc hạn chế ô nhiễm carbon với lý do thiếu viện trợ do các quốc gia giàu có không cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm.

Ông Carlos Fernandez Alvarez, nhà phân tích năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho rằng để đạt được tiến bộ, thế giới cần có cách tiếp cận mang tính xây dựng trong giao dịch với các nước nghèo.

“Đừng chỉ nói ‘hãy loại bỏ các nhà máy than’. Chúng ta cần đưa ra các giải pháp – về chính sách, tài chính, công nghệ – về tất cả mọi mặt”, ông Alvarez nói.

Nhưng các nhà hoạt động vì môi trường nói rằng cần phải làm gấp nhiều lần để cải thiện tình hình hiện nay.

“Những thảm họa khí hậu đang xảy ra khắp nơi ở châu Á. Biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh. nhưng các cam kết thì lại rất chậm”, ông Mustasya, chuyên gia tại Greenpeace, cho biết.

Mạnh An

Bài mới
Đọc nhiều