+
Aa
-
like
comment

Chất xúc tác đặc biệt nâng tầm quan hệ Việt – Nhật

Thái Thanh - 02/06/2020 11:59

Vừa mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đã có buổi đón tiếp Tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, trao đổi về đẩy mạnh hợp tác phát triển, đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực; hướng đến lợi ích cơ bản, lâu dài, thịnh vượng của nhân dân hai nước, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. Đây chính là tín hiệu tốt lành, hứa hẹn cho mối quan hệ hai nước ngày càng thăng hoa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tô Lâm và Đại sứ Yamada Takio.

Nhật Bản là Đối tác chiến lược của Việt Nam, đã và đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong bốn nước trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng – “bộ tứ kim cương”, mà Hoa Kỳ vừa mời Việt Nam tham gia cùng. Việc Tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hội kiến Bộ trưởng Tô Lâm, trao đổi đẩy mạnh hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về an ninh, phần nào thấy rõ về mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản, và vị thế, niềm tin của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, an ninh quốc gia, thể chế chính trị, môi trường đầu tư chính là một trong những yếu tố đầu tiên để thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam là quốc gia đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đó. Tại Việt Nam, Chính phủ và các ban ngành luôn nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường trong sạch để doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, và ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

Như vừa mới đây, khi có thông tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam hối lộ hơn 5 tỷ đồng cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, để trốn thuế, liền sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an khẩn trương kiểm tra. Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm: “Nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế”. Hành động quyết liệt của Chính phủ không chỉ tạo ra môi trường đầu tư an toàn cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, mà còn thiết lập trật tự, tạo nên uy tín, thu hút sự đầu tư ngày càng nhiều của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Kết quả hiện nay là hàng loạt nhà đầu tư Nhật Bản, với dự án nhà máy quy mô lớn của các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Panasonic, Canon, FujiXerox, Sumitomo… đã “bám rễ” làm ăn tại Việt Nam đã phần nào nói lên môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Không chỉ trong công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật ngày càng “thâm nhập” vào các lĩnh vực khác như bán lẻ, tài chính – ngân hàng, thực phẩm… với các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như AEON, Uniqlo, hay việc Mizuho mua cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking nắm giữ cổ phần của Eximbank… Điều này càng chứng tỏ, vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng và ngày càng hiện diện sâu, rộng ở nền kinh tế Việt Nam.

Với những tiềm năng và những điều kiện cần, và đủ mà Việt Nam hiện có, nhiều cơ sở nhận định thời gian tới, có thể số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam hợp tác sẽ tăng trưởng cao hơn nữa. Theo kết quả từ cuộc thăm dò của Công ty NNA Nhật Bản, Việt Nam đã được các doanh nghiệp Nhật bình chọn là địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất trong năm 2020 ở châu Á, vượt qua cả Ấn Độ và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm gửi tặng Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản 10.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn.

Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ ngày càng đầu tư vào Việt Nam dễ dàng hơn thông qua các cầu nối lãnh đạo, các Ban ngành liên quan và cơ quan thực thi pháp luật của hai nước. Mối quan hệ của các nhà lãnh đạo càng hữu hảo, các đoàn công tác đẩy mạnh xúc tiến gặp nhau càng nhiều thì hai quốc gia ngày càng đạt nhiều lợi ích.

Bất cứ mối quan hệ đối tác chiến lược nào muốn đi vào chiều sâu cũng cần phải được xây dựng. Sự khẳng định của Bộ trưởng Tô Lâm: “Luôn sẵn sàng hỗ trợ tích cực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ Nhật Bản trong công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân Nhật Bản đang hoạt động, sinh sống tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyên gia Nhật Bản trở lại Việt Nam làm việc”; cùng hành động trao 10.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn tặng Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản trong hoàn cảnh Nhật Bản đang chống dịch Covid-19 – đã cho thấy phần nào về sự chân thành, sát cánh của Việt Nam với Nhật Bản. Chân thành chính là điều kiện cần có, để đưa các quốc gia đến gần nhau hơn.

Và chân thành thúc đẩy, xúc tiến các hợp tác, đó là điều mà cả hai quốc gia Việt – Nhật đã và đang thực hiện, hứa hẹn sự hợp tác sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2020.

Thái Thanh

Bài mới
Đọc nhiều