+
Aa
-
like
comment

Chất lượng không khí: Nguy hiểm cận kề nhưng chưa hề cảnh báo?

25/09/2019 07:25

Nhiều người Việt dùng điện thoại thông minh, nhưng mấy ai biết cổng thông tin về chỉ số chất lượng không khí hay cảnh báo mưa lũ. Cơ quan chức năng nên lập mạng lưới chia sẻ tin tức cập nhật từng ngày để kịp thời cảnh báo “ngưỡng” nguy hiểm.

Tôi không còn quá hoảng hốt vì tình hình không khí ô nhiễm nữa, nhưng ngay lập tức tôi dời toàn bộ lịch làm việc về nhà, thay vì mạo hiểm ra khỏi nhà.

“Sát thủ” kề bên

Là người quan tâm đến môi trường, từ lần đầu tiên cả thành phố mờ ảo vì “sát thủ” bụi mịn, tôi đã tự cập nhật những kiến thức về chất lượng không khí để bảo vệ chính mình cùng gia đình. Mỗi lần bật thiết bị đo đạc chỉ số chất lượng không khí (AQI) với ứng dụng Air Visual hay truy cập bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực (http://aqicn.org), tôi không khỏi lo lắng cho mình và cho mọi người sinh sống tại các thành phố lớn.

Chất lượng không khí: Nguy hiểm cận kề nhưng chưa hề cảnh báo? - Ảnh 1.
Bảng thông tin về chỉ số ô nhiễm môi trường trên đường phố – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi tự hỏi: có bao nhiêu người vẫn vô tư nhầm tưởng và vui vẻ tận hưởng vẻ đẹp mờ ảo của màn sương trên bầu trời thành phố? Có bao nhiêu người cho rằng đây là một hiện tượng thời tiết đã dần trở nên bình thường và không mảy may nghi ngờ về mối nguy hại sức khỏe? Có bao nhiêu người nhận thức đủ về việc trang bị khẩu trang chuyên dụng để lọc bụi mịn, thay vì sử dụng khẩu trang như một thiết bị chống nắng hay khiến mình an tâm với chiếc khẩu trang y tế?

Sau khi trải qua ngày thứ 6 với chỉ số bụi PM2.5 trong không khí chạm đến ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe, thông qua báo chí, tôi cũng như người dân thành phố mới tạm nhận diện được nguyên nhân gây ra sương mù. Tại sao không có lời cảnh báo nào được đưa ra trước đó? Vì sao các bản tin thời tiết không có thông tin này?

Thiếu thông tin cảnh báo

Còn nhớ cuối tháng 1-2019, Tết Nguyên đán cận kề, AQI của TP.HCM lên đến 104-123 suốt 2 tuần lễ. Người dân hầu như chẳng nhận được bất cứ cảnh báo mang tính cập nhật nào từ Tổng cục Môi trường hay Trung tâm Quan trắc môi trường.

Kể cả đến thời điểm này, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí tại TP.HCM lên đến hơn 170, gấp 3 lần so với ngưỡng an toàn dưới 50, bản tin thời tiết cũng chỉ có thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, sức gió… chưa có thêm những thông tin rất quan trọng này.

Tương tự, ở Hà Nội, khi thủ đô chiếm vị trí số 1 trong bảng danh sách AQI thế giới, phần lớn người dân “mù mịt” thông tin về ô nhiễm.

Tôi được biết có nhiều trạm quan trắc không khí được lắp đặt nhiều nơi tại Việt Nam, ở các thành phố lớn hay tại các vùng, nhưng thử vịn vai một trăm người dân mà hỏi thì chắc chỉ nhận được cái lắc đầu và sự ngạc nhiên về sự hiện diện của chúng.

Bộ ngành liên quan chưa lần nào thực hiện đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức chi tiết cho người dân về việc họ có thể tìm thấy các thông số như hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí tại đâu.

Người Việt dùng điện thoại thông minh hiện nay rất cao, Internet phủ rộng nhưng mấy ai biết được cổng thông tin về chỉ số chất lượng không khí hay cảnh báo lũ, mưa bão. Phần lớn người dân vẫn ưa chuộng, tin cậy cổng thông tin qua báo đài. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên thiết lập mạng lưới chia sẻ tin tức cập nhật từng ngày để công tác cảnh báo nguy cơ được diễn ra thường xuyên, hiệu quả hơn chờ đến lúc giải thích trên báo đài.

Mỗi người có thể tự lo cho mình

Ở đây, quyền được cập nhật thông tin và bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân đã bị xem nhẹ. Nếu không có những bản tin dự báo thời tiết kịp thời, nếu thiếu những cảnh báo từ chính các cơ quan chính thống, những đơn vị liên quan sẽ không thể đưa ra quyết định hay điều phối hoạt động có tính chất ảnh hưởng đến đời sống, an nguy của người dân.

Nói đi cũng phải nói lại, phải chăng phần đông chúng ta vẫn thờ ơ với cả an toàn tính mạng của chính mình? Không hiếm lần người dân mặc kệ những cảnh báo về bão lũ mà bám trụ trong ngôi nhà của mình.

Cũng chẳng ngạc nhiên khi biết tin người Việt chưa quan tâm những khuyến cáo về chỉ số nguy hại của sức khỏe (như cách người dân vẫn thản nhiên sinh hoạt, buôn bán bên cạnh hiện trường vụ cháy Nhà máy Rạng Đông vừa qua). Hay những đề xuất về mang khẩu trang có thể lọc được bụi mịn PM2.5 thay vì sử dụng khẩu trang vải, y tế vẫn chẳng được người dân lưu tâm.

Những ngôi làng ung thư mọc lên ngày một nhiều, người dân vẫn kêu ca về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng sống, nhưng họ không bắt đầu thay đổi từ những điều đơn giản mỗi người có thể tự làm cho chính mình.

CẨM PHÔ/Tuổi Trẻ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều