+
Aa
-
like
comment

Chào những đồng bào “nhập cư”

16/07/2019 13:49

Cụm từ “dân nhập cư” hiện được dùng để chỉ những người đang sống ở thành phố nhưng không có hộ khẩu tại thành phố, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội. Khi nói đến “dân nhập cư”, các cơ quan công quyền sở tại thường có thái độ phân biệt đối xử. Không chỉ do tâm lý, sự phân biệt đối xử còn hàm chứa trong các quy định hành chính, mặc dù “dân nhập cư” đang chiếm một số lượng không nhỏ tại các thành phố.

Lượng người dân ở các tỉnh đổ về các thành phố lớn ngày một tăng.
Lượng người dân ở các tỉnh đổ về các thành phố lớn ngày một tăng.

Họ – những “dân nhập cư” ấy – là những người lao động đủ mọi trình độ, làm đủ mọi nghề, từ công nhân xây dựng đến những người buôn bán, từ kỹ sư đến xe ôm, từ thợ thủ công đến những người làm make up, tiếp viên nhà hàng, thợ massage… Tất cả những người đồng bào đó đều làm ăn lương thiện (trừ một số ít làm những việc bất chính, nhưng tất cả mọi thành phần xã hội vẫn có những số ít bất chính đó, không riêng gì “dân nhập cư”), có thu nhập chính đáng.

Các cơ quan công quyền của chúng ta khi đề cập đến “dân nhập cư” thường chỉ quan tâm đến khía cạnh “áp lực quá tải”, đến “những vấn đề xã hội bức xúc”, chứ ít khi ghi nhận sự đóng góp của những đồng bào này vào sự phát triển của thành phố. Trong khi với tư cách là những người lao động và những người tiêu dùng rất đông đảo, sự đóng góp của đồng bào “nhập cư” vào sự phát triển của thành phố là rất đáng kể.

Nhưng không chỉ có vậy. Đồng bào “nhập cư” đã có những đóng góp, những đóng góp rất đặc biệt vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Ở nhiều vùng quê Bắc bộ, Trung bộ và cả Nam bộ, rất nhiều gia đình sắm được xe đạp, sắm được TV, sắm được xe máy, thậm chí xây được nhà, không phải từ lao động nông nghiệp mà chính là từ những khoản tiền của những người thân “nhập cư” vào thành phố gửi về. Chưa ai làm được thống kê trong số những phần trăm gia đình ở nông thôn có nhà xây kiên cố và vật dụng đắt tiền, những phần trăm làm thay đổi bộ mặt nông thôn đó, có bao nhiêu phần trăm được tạo ra từ những đồng tiền lương thiện của những người lao động “nhập cư” đang bị phân biệt đối xử ở thành phố.

Hoạt động trao đổi thương mại từ người dân góp phần phát triển kinh tế các thành phố lớn.
Hoạt động trao đổi thương mại từ người dân góp phần phát triển kinh tế các thành phố lớn.

Chưa ai thống kê được hàng vạn, hàng chục vạn những cô gái rời khỏi ruộng đồng vào thành phố làm tiếp viên, làm “ca-ve” trong những nhà hàng, những quán bar, những quán karaoke hoặc làm thợ massage… mỗi năm đã gửi về gia đình mấy trăm tỉ hay mấy ngàn tỉ để giúp người thân vượt qua khốn khó, nhưng số tiền đó chắc chắn là không nhỏ. Không nên có định kiến, không nên có cái nhìn “cao đạo” về những nghề mà các cô làm, vì đó là những nghề hợp pháp, bởi vậy đó là những nghề lương thiện. Tệ nạn xã hội là một chuyện khác. Lợi dụng nghề tiếp viên, nghề massage để làm chuyện “tệ nạn”, cũng như lợi dụng việc làm cán bộ để tham nhũng, đều là hành vi cần bị phê phán, nếu vi phạm pháp luật thì cần được xử lý nghiêm minh, nhưng không được quy kết. Không có nghề nào sang, nghề nào hèn. Sang hay hèn là do phẩm chất, do tư cách của từng cá nhân thôi.

Dưới cái nhìn quản lý, vấn đề “dân nhập cư” quả là bức xúc. Nhưng sự bức xúc về quản lý không được kéo theo những định kiến đối với công dân, đối với con người, đối với nghề nghiệp. Sự bức xúc về quản lý của TP Hồ Chí Minh hay của thủ đô Hà Nội, bản thân TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội không thể giải quyết được. Những bức xúc đó cần được giải quyết tận gốc trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và các kế hoạch đầu tư tầm quốc gia. Trong đó nông thôn phải được đầu tư thích đáng bằng các nguồn lực của Nhà nước cũng như bằng những chính sách thu hút đầu tư của toàn xã hội.

Đại đa số sinh viên tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, nghề,... là người từ các tỉnh khác đến các các thành phố lớn học tập. Đây cũng là nguồn lực trí thức cho đất nước.
Đại đa số sinh viên tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, nghề,… là người từ các tỉnh khác đến các các thành phố lớn học tập. Đây cũng là nguồn lực trí thức cho đất nước.

Chừng nào ở nông thôn có cơ hội làm ăn, có điều kiện thi thố tài năng thì chừng đó mới có thể ngăn chặn dòng người đổ ra thành thị. Thế giới có nhiều kinh nghiệm xử lý vấn đề này bằng các chính sách kinh tế. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, từ những năm 60 của thế kỷ trước, nước này đã làm cho thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên ngang bằng thu nhập bình quân của dân thành thị nhờ chính sách phát triển nông thôn.

Việc dùng cuốn sổ hộ khẩu hoặc KT3, KT4 để ngăn chặn “dân nhập cư” không những trái với quyền tự do cư trú của công dân được ghi trong Hiến pháp mà ngày càng tỏ ra không hữu hiệu, bởi vì dòng người từ nông thôn đổ vào thành thị vẫn đang ào ạt…

Hoàng Hải Vân

Bài mới
Đọc nhiều