Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về chứng cứ phạm tội của Hồ Duy Hải
Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu Quộc hội liên quan vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cung cấp một số thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ việc này tại phiên thảo luận sáng 15-6.
Vụ án Hồ Duy Hải gây xôn xao dư luận thời gian vừa rồi đã tiếp tục làm nóng nghị trường với nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày 13-6 và hôm nay 15-6. Cùng với đó là nhiều phản biện đối với hoạt động của ngành tư pháp.
Nói sâu về vụ án này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết vụ án xảy ra từ năm 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp và đã được nhiều bộ, liên ngành thẩm định. Qua sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, đến Chủ tịch nước quyết định, thì câu chuyện đặt ra hiện nay vẫn là có oan sai hay không.
Tóm tắt vụ án, ông Bình cho biết Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi và đến chơi. Khi đó cô Vân đang làm việc, cô Hồng đang nghỉ và Hải nói chuyện với cô Hồng, quá trình đó có tán tỉnh, sờ soạng và có ý định quan hệ tình dục.
Vì vậy, Hải đã đưa tiền cho cô Vân mua trái cây và dẫn cô Hồng vào buồng ngủ, có ý định xâm hại. Cô này phản ứng lại, xô Hải ngã và bỏ chạy, cô Hồng ngã vào thớt và sau đó Hải lấy thớt đập vào đầu rồi cứa cổ và khi cô Vân về thì giết cô Vân với phương thức tương tự.
“Quá trình điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường, chính xác với những đồ vật trong hiện trường. Bởi nếu không có ở hiện trường thì không thể biết được. Cụ thể như các đồ vật trong buồng ngủ, vị trí đồ vật rời như con gấy, tờ báo, trái cây… đều được mô tả đúng vị trí ở thời điểm xảy ra vụ án”, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao khẳng định.
Thông tin khá chi tiết về diễn biến hành vi của Hồ Duy Hải, ông Bình dẫn ra nhiều lời khai của chính bị cáo Hải, kết luận giám định pháp y cũng như nhận định của các cơ quan tố tụng. Theo đó, có những yếu tố liên quan đến tài sản cướp được mà thực tế tại thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết, chỉ khi Hải khai nhận thì đúng với mô tả về đồ vật mà hai nạn nhân có.
Hải cũng thông tin chính xác về nơi tiêu thụ tài sản lấy được, trong đó có những chi tiết cơ quan tố tụng xét thấy phù hợp.
Về các chứng cứ liên quan đến hung khí, điều gây nhiều tranh cãi trong quá trình tố tụng, ông Bình thông tin: Khi khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Đến khi bị bắt, Hải khai lấy thớt đập đầu nạn nhân, nhưng quá trình khám nghiệm đồ vật này đã bị dọn đi.
Với con dao, Hải khai là dắt ở tường và chỉ có Hải mới biết con dao này. Khi khám nghiệm hiện tượng, ông Bình cho biết, có 3 dân phòng tham gia khám nghiệm đã vứt con dao đi, cơ quan điều tra tìm không được nên cho 3 dân phòng mô tả dao này.
“Việc mua dao, thớt, vật tương tự là để nhận diện xem có đúng có dao ở hiện trường và sử dụng làm hung khí hay không, để hàng loạt dao thì Hải chỉ nhận diện một con dao làm hung khí. Quá trình Hải khai lúc ngắn lúc dài, nhưng khi nhận diện thì đúng cái dao mà 3 anh dân phòng đã vứt đi và dọn ở phòng đó”, ông Bình thông tin.
“Còn nhiều chứng cứ khác trong thời gian ngắn không thể thông tin được”, ông Bình nói thêm là “Hải có 25 lời khai nhận tội trong đó lời khai đầu tiên do Hải tự viết ra và trong quá trình ở những thời điểm quan trọng Hải đều thừa nhận kết luận điều tra là đúng, cáo trạng Viện Kiểm sát cũng nhận là đúng và kết thúc phiên toà gửi đơn cho Chủ tịch nước thì cũng không kêu oan và người kêu oan là mẹ của Hải”.
Đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) bấm nút tranh luận và cho biết một số thông tin về vụ án Hồ Duy Hải. Ông Nọ cho biết sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có bản án giám đốc thẩm, đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chưa nhận được phản ánh, ý kiến nào thắc mắc về bản án.
Trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An tổ chức tiếp xúc cử tri tại 15 huyện, thị trên địa bàn, cũng không nhận được ý kiến nào của cử tri liên quan đến vụ án này.
NGỌC AN – TIẾN LONG/TTO