+
Aa
-
like
comment

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng ngành tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

12/01/2021 10:24

Sáng nay 12-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình

“Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”

“Mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các tòa án không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao” – ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo ông, “việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật”.

“Các phiên tòa thực hiện nghiêm chỉ thị của chánh án TAND tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết”.

Về phần hạn chế, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận “việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có năm vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội do số lượng đơn phải giải quyết rất lớn. Việc giải quyết các vụ án hành chính còn một số hạn chế”.

Vẫn theo ông Bình, khó khăn mà ngành đang gặp phải là “số lượng công việc ngày càng tăng trong khi đó số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã tạo ra áp lực rất lớn cho các tòa án”.

Trình bày báo cáo, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

“Viện trưởng VKSND tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ trong ngành” – ông nói.

Ngành kiểm sát cũng “quán triệt quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, quan tâm đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các chủ thể vi phạm khắc phục hậu quả; tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt”.

“Đối với các trường hợp oan thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát thì yêu cầu khẩn trương bồi thường, khắc phục hậu quả. Đồng thời, tăng cường năng lực, bảo đảm cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực sự là công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật dẫn đến oan, sai trong hoạt động tư pháp và góp phần làm trong sạch các cơ quan tư pháp”.

Tuy vậy, ông Trí cũng thừa nhận vẫn “còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan; trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính còn thấp; tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng ngành tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - Ảnh 2.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí – Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ vì sao tỉ lệ giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt yêu cầu

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, chủ nhiệm Lê Thị Nga chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng. Đáng quan tâm với ngành tòa án là “một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (năm 2020 hủy là 2,62%; sửa là 2,54%); một số vụ án, thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”.

Ủy ban Tư pháp “đề nghị TAND tối cao đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, nhất là những nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp khắc phục triệt để hạn chế này trong thời gian tới”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với những thẩm phán có án bị sửa, hủy do lỗi chủ quan.

Vẫn theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, “tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (là 60%). Do đó, TAND tối cao cần đánh giá cụ thể hơn các nguyên nhân và tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ tới”.

Đây cũng là vấn đề được đặt ra với VKSND tối cao: “Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội (là từ 60% trở lên). Riêng tại VKSND tối cao, mặc dù tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác này”.

LÊ KIÊN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều