+
Aa
-
like
comment

Chàng trai 23 tuổi kiếm tiền tỷ từ lá cây bỏ đi

06/10/2020 09:16

Thấy người nông dân vứt bỏ lá cây sả sau khi thu hoạch, Trường ‘nhặt’ về chiết xuất tinh dầu, bắt đầu hành trình thu tiền tỷ.

Một tuần nay, Dương Ngọc Trường tất bật chuẩn bị cho cửa hàng bán lẻ tinh dầu thứ hai của mình tại Hà Nội. Dọc con phố Văn Miếu, trong khi một số cửa hàng phải đóng cửa do dịch bệnh, showroom của Trường được sơn sửa khiến nhiều người ngoái nhìn.

“Năm ngoái doanh thu của 4 xưởng sản xuất tinh dầu được 2 tỷ đồng. Năm nay cố gắng tăng gấp đôi”, chàng trai 23 tuổi, quê Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa nói.

Dương Ngọc Trường khai thác mùi già để chiết xuất tinh dầu cùng người dân ở xã Thạch Thành, Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dương Ngọc Trường khai thác mùi già trên cánh đồng 4ha để chiết xuất tinh dầu cùng người dân xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Con đường khởi nghiệp bằng nghề sản xuất tinh dầu của Trường bắt đầu bằng một “câu hỏi ngớ ngẩn” trong một chiều hè 2017. Hôm đó, khi đi qua cánh đồng sả 500 ha xã bên đang thu hoạch, cậu sinh viên năm hai Đại học Kinh tế Quốc dân tên Trường thấy người dân chỉ lấy củ vứt lá, Trường chạy lại hỏi. Mấy bác nông dân lập tức mắng: “Chẳng hiểu cháu học đại học kiểu gì? Sả không lấy củ thì lấy lá à?”. Cậu ấm ức, ngay tối hôm đó lên mạng tra cứu, khi dòng chữ “chế xuất tinh dầu lá sả” đập vào mắt. Một kế hoạch kiếm tiền lập tức hình thành.

Ngay hôm sau, Trường thu mua lá sả bỏ đi trên cánh đồng rồi tìm đến nơi bán máy chiết xuất tinh dầu, yêu cầu thử nghiệm trước khi mua. Mẻ thử nghiệm 30 chai ra lò được chào hàng trên mạng xã hội và hết veo chỉ trong vài tiếng. Thấy sản phẩm có triển vọng, anh quyết vay 300 triệu từ bạn bè, mua máy móc sản xuất. Xưởng đầu tiên thành lập tại nhà với 4 nhân công, chính thức hoạt động tháng 8/2017.

Biết công việc phải tập trung ở quê, Trường bảo lưu đại học khi vừa kết thúc năm ba. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất, anh nhận ra “mọi việc không như là mơ” khi thất bại liên tiếp, những mẻ hàng không cho ra chất lượng như mong muốn. Có những ngày làm việc xuyên đêm, kết thúc lúc 2-3 giờ sáng nhưng hàng chục lít tinh dầu vẫn phải bỏ đi. Suốt 6 tháng đổ đi làm lại, rút kinh nghiệm, điều chỉnh từng chút một đến khi mẻ tinh dầu đạt yêu cầu đầu tiên xuất xưởng, Trường sụt mất 5 kg.

Tưởng khó khăn đã qua, nhưng khi sản xuất chính thức, giá bán mỗi lít sản phẩm bị đội lên cao gấp đôi do phải gánh thêm chi phí quảng cáo. Sáu tháng tiếp theo đó, hàng làm ra không bán được, chất đống trong xưởng, lương công nhân nợ đến 50%.

Lưu Quang Hải, bạn học đồng thời cũng là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp cùng Trường cho biết, anh học được tính quyết liệt từ người bạn của mình. “Trường là kiểu người khi ngã sẽ đứng dậy, sửa sai và làm lại chứ không từ bỏ. Trong giai đoạn hàng không bán được nhưng có lần khách hàng gợi ý Trường pha loãng tinh dầu bằng dầu hỏa để hạ giá, dễ bán mà cậu ấy kiên quyết từ chối”, anh Hải kể.

“Dù bị mắng là bảo thủ, nhưng ca ngộ độc thuốc trừ sâu của bố nhiều năm trước khiến tôi không thể lạc đường”, Trường lý giải cho hành động của mình.

Mười năm trước, người dân vùng núi Thạch Sơn quê Trường có phong trào trồng mía và dưa hấu vì thu nhập cao hơn loại cây khác. Để mẫu mã đẹp, không sâu bệnh, nhiều gia đình phun thuốc sâu tràn lan.

Dương Ngọc Trường, 23 tuổi hiện là Tổng giám đốc công ty cổ phần Befine, chuyên sản xuất các loại tinh dầu cùng tên. Ảnh: Hải Hiền.
Dương Ngọc Trường, 23 tuổi hiện là Tổng giám đốc công ty cổ phần chuyên sản xuất các loại tinh dầu. Ảnh: Hải Hiền.

Năm Trường học lớp 10, một hôm bố anh phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận bị ngộ độc do độc tố của thuốc trừ sâu tồn dư trong máu quá lớn. Lúc tỉnh lại, ông Dương Văn Thành (bố Trường) nắm tay con trai nhắn nhủ: “Sau này cố thoát ly, đừng làm nông mà khổ”. Im lặng, Trường nghĩ tới nhà máy đường nước ngoài đang hoạt động ở huyện mình. “Họ ở xa tít vẫn tìm đến mà mình lại bỏ quê. Chẳng nhẽ không làm giàu được ở đây”, anh suy nghĩ.

Ấp ủ kế hoạch lập nghiệp trên quê hương nên vừa vào đại học, Trường vay tiền, đầu tư trồng rau sạch. Anh thuê người làm mấy trăm m2 đất, mua lưới quây ruộng, làm hệ thống nước tưới tự động. Cũng vì kiên quyết không dùng thuốc trừ sâu nên rau bị sâu cắn thủng lỗ chỗ, vác ra chợ bán nhưng bị chê xấu, ế chỏng chơ. Lỗ vài chục triệu, bài học rút ra cho thanh niên 18 tuổi khi đó là nếu không có thương hiệu, không ai biết đến sản phẩm của mình.

Thất bại lần đầu, Trường xoay qua nghề làm miến dong với một người bác ở quê. Để tìm hiểu thị trường và bí quyết khác nhau, anh vượt hàng trăm km bằng xe máy đến các vùng làm miến nổi tiếng như Bắc Kạn, Hà Tây cũ, Hưng Yên. Sau 3 tháng rong ruổi, nhiều hôm phải nhịn đói xin ngủ nhờ vì hết tiền, Trường có trong tay công thức của người dân vùng cao không dùng hóa chất, miến ngon với chi phí sản xuất rẻ hơn. Tuy nhiên sau này do bất đồng ý kiến về việc làm thương hiệu nên họ dừng hợp tác. Vài tháng sau, Trường tiếp tục sản xuất rượu hạt cau với một người bạn nhưng cũng không đi được đường dài do không chung chí hướng.

Ba lần thất bại liên tiếp, nhiều lúc nản chí, anh từ bỏ ý định khởi nghiệp, nhưng rồi tự động viên “Hồi nhỏ cơm ăn đói vẫn không kêu, đi học ngày mưa ngã liên tục vẫn đứng dậy đi tiếp, giờ khó khăn một chút buông bỏ là không được”.

Tuổi thơ cơ cực khiến ý chí phấn đấu của chàng trai xứ Thanh trở nên mạnh mẽ. Sáu tháng mới cho “ra lò” sản phẩm chất lượng nhưng không ai mua, không nản chí, Trường đến từng công ty chào hàng, mời dùng thử sản phẩm. Có những ngày ra về tay trắng, nắng gắt mồ hôi ướt đầm. Sự kiên trì dần dần được đền đáp. Năm 2018, Trường bán được 500 lít. Để đảm bảo thương hiệu, anh đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, việc mà những lần khởi nghiệp trước đó đều thất bại.

Ngoài sả, những cây như quế, tràm, ngải cứu, vỏ bưởi, vỏ quýt… cũng được Trường vận động gia đình cùng nhiều hộ nông dân trong xã tham gia trồng theo hướng hữu cơ để sản xuất tinh dầu. “Đây đều là những sản phẩm liên quan tới sức khỏe con người nên phải cẩn trọng và đảm bảo từ nguồn nguyên liệu”, chàng trai 23 tuổi dặn dò bà con.

Khi việc tiêu thụ hàng bắt đầu trôi chảy, năm 2018, Trường vay ngân hàng để xây dựng thêm cơ sở thứ 2, một năm sau gây dựng hai cơ sở tiếp theo. Ngoài tinh dầu, hiện nay còn có thêm các loại như nước hoa nhài, nước cất tía tô, nước cất tỏi…Thương hiệu tinh dầu của Trường được một số khách hàng lớn đặt mua để sản xuất mỹ phẩm. Chuỗi bán lẻ thâm nhập vào các cửa hàng hiệu thuốc, thực phẩm sạch hữu cơ trên cả nước.

Ông Lê Chí Cường, người đã có 10 năm làm trưởng thôn Trường Sơn, xã Thạch Sơn cho hay, nhiều thanh niên trong thôn ở tuổi trẻ như Trường còn chưa định hướng được nghề nghiệp. Trong khi đó, mới 23 tuổi mà Trường đã định hướng làm nông nghiệp sạch bền vững từ khi mới lên đại học là rất hiếm, rất quý. Những năm qua, Trường tạo công ăn việc làm cho 20-30 người dân trong thôn, với thu nhập 160.000 đồng/ngày, cao hơn hẳn mặt bằng chung ở địa phương.

Những ngày đầu tháng 10, trong xưởng sản xuất tinh dầu tại nhà ở xã Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa thơm sực mùi hương liệu. Trường và bố bận rộn thu mua sả chanh do người dân mang tới. Thỉnh thoảng có người cất lời khen cậu con trai giỏi giang, ông Thành lại tủm tỉm và ngẩng lên nhìn bức ảnh của Trường đang ôm một bó sả lớn tươi cười treo trong nhà. Đó là bó sả của đợt lụt năm 2018, bị giảm tới 50% tinh dầu do ngấm nước nhưng vẫn được con trai thu mua. “Dù lỗ nhưng con vẫn vui vì thấy người lao động quê mình hạnh phúc”, ông nhớ lại lời con.

Hải Hiền/VNE

Bài mới
Đọc nhiều