Chẳng có bị can nào là nạn nhân của chính quyền cả
Nếu pháp luật Việt Nam, chính quyền Việt Nam không nhân đạo thì làm sao có chuyện các bị cáo cúi đầu ăn năn nhận tội. Thế mà, Việt Tân cũng như các nhà dân chủ giả danh vẫn không để Đồng Tâm được yên.
Đồng Tâm vẫn không được yên
Sau khi nghe tòa tuyên mức án phạt, đa số các bị cáo tại phiên tòa đều có thái độ chấp nhận. Bởi lẽ, trong vụ án này, hành vi phạm tội đã quá rõ ràng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hiển hiện, không gì có thể biện minh được cho hành vi tàn ác, liên tiếp đổ xăng thiêu cháy 3 cán bộ, chiến sỹ công an đang thi hành công vụ.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi án 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm gồm 2 tử hình, 1 chung thân và 26 bản án, đại diện Khối Liên Âu (EU) tại Hà Nội đã lên tiếng chính thức phản đối nhà cầm quyền đã quá nặng tay và bất công.
Trên trang mạng tổ chức phản động Việt Tân đưa tin về ‘tuyên bố của EU’ trong ngày 18/9/2020 có đoạn: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết”.
Từ đó, tổ chức khủng bố này cho rằng phiên tòa Đồng Tâm từ ngày 7 đến 14/9/2020 đã hạ thấp vị thế Hà Nội trong con mắt thế giới rất nhiều khi chẳng tôn trọng chính luật pháp của chính mình. Vấn đề ở chỗ, đây không phải lần đầu tiên tổ chức này “dựa hơi” các tổ chức ngoài nước để lên tiếng phản đối những chính sách, chủ trương, đường lối của Việt Nam. Nên những lý lẽ trên chẳng có gì mới, vẫn là những luận điệu so sánh khập khiễng như bấy lâu nay vẫn nhắm vào vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam mà thôi.
Có lẽ, Việt Tân cùng những nhà dân chủ giả danh cố tình quên đi việc tất cả các bị cáo đều thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi. Nếu như cố tình lờ đi việc đó thì xin nhắc lại cho các nhà dân chủ nhớ khi nói lời sau cùng trước tòa, các bị cáo trong vụ án ở Đồng Tâm đều bày tỏ ăn năn, hối hận vì đã gây ra cái chết của 3 chiến sỹ công an và cúi đầu gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình bị hại.
Ví dụ: Bị cáo Lê Đình Chức nói: “Lời đầu tiên, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ công an hi sinh. Cho dù bị cáo sau này phải chết hay được trở về thì vẫn mong các gia đình tha thứ, để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào”.
Bị cáo Lê Đình Công, một trong bốn người cầm đầu vụ án, cho hay: “Về sự hi sinh của ba chiến sĩ công an, bị cáo không hay biết gì. Sau khi biết tin, bị cáo vô cùng hối hận, đã thành khẩn, ăn năn hối lỗi về những sai lầm của mình. Bị cáo kính mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng, mong được xem xét chuyển tội danh sang ‘chống người thi hành công vụ'”.
Hoặc, bị cáo Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) nhiều lần nói bản án của Viện kiểm sát đưa ra là rất đúng và xin tòa cho hưởng sự khoan hồng, chiếu cố đến yếu tố nhân thân. “Gia đình bị cáo có ba con trai đều đi chiến trường miền Nam, trong đó anh trai đã hi sinh, em trai út là thương binh chất độc da cam mới mất vài năm trước, bản thân bị cáo cũng là thương binh, được tặng nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ. Bị cáo vì những sai lầm cuối đời mà vấp ngã, rất mong được cơ hội sửa chữa. Hơn thế, vợ bị cáo hiện bị bệnh tim rất nặng, không thể tự chăm sóc, bị cáo cũng có nhiều bệnh tật…” – bị cáo Bùi Viết Hiểu cúi đầu xin hưởng sự khoan hồng trước khi kết thúc lời nói sau cùng.
Đấy, nếu pháp luật Việt Nam, chính quyền Việt Nam không nhân đạo thì làm sao có chuyện các bị cáo cúi đầu ăn năn nhận tội. Thế mà, Việt Tân cũng như các nhà dân chủ giả danh vẫn không để Đồng Tâm được yên.
Chẳng có bị can nào là nạn nhân của chính quyền cả
Như đã nói ở trên, mặc dù thông tin đã rõ ràng, khách quan, minh bạch nhưng vụ án vẫn là tiêu điểm để tổ chức khủng bố Việt Tân tuyên truyền, xuyên tạc nhằm mục đích chống phá Việt Nam. Chúng đưa ra những thông tin vu cáo, quy kết nhằm tạo dư luận xấu đối với Việt Nam trên trường quốc tế.
Rõ ràng, đó là hành vi “mượn gió bẻ măng” mà Việt Tân đã tổ chức, tiến hành rất công phu, dàn dựng với một kịch bản có tính toán. Từ một vụ án hình sự mà hướng lái, xuyên tạc, quy kết trở thành vấn đề chính trị. Núp danh “dân chủ”, “nhân quyền”, các đối tượng cố tình đánh lận bản chất vụ án, đưa ra luận điệu cho rằng các bị can trong vụ án là “nạn nhân” của chính quyền.
Xin thưa! Đừng đổ lỗi cho nguyên nhân dẫn đến vụ án là từ những sai lầm của việc thực hiện đường lối. Bởi vì những chứng cứ pháp lý liên quan đến đất đồng Sênh nói riêng và vụ án đã quá rõ ràng, thuyết phục. Và công lý đã được thực thi.
Thực thi không chỉ trong việc những người vi phạm pháp luật phải trả giá, không chỉ là việc mức án phạt tương xứng với hành vi phạm tội… mà còn được thực thi trong lương tri của nhiều bị cáo trong vụ án.
Theo đó, bản thân các bị cáo không chỉ nhận thức được sai phạm, không chỉ thành khẩn khai nhận tội, mà lương tâm của không ít người trong số họ đã được thức tỉnh, biết nhận định đúng sai, mong được khắc phục, sửa chữa lỗi lầm.
Mặt khác, công lý, công tâm cũng thể hiện trong quá trình đưa ra kết luận cuối cùng của Hội đồng xét xử (HĐXX). Từ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của hành vi đã gây ra, HĐXX khẳng định, bị cáo Công và bị cáo Chức đã mất nhân tính, không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên quyết định loại bỏ vĩnh viễn hai bị cáo này khỏi đời sống xã hội, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với bị cáo Lê Đình Doanh, HĐXX nêu quan điểm, với hành vi đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra, lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Doanh ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng xét thấy bị cáo Doanh có bố (bị cáo Công) và chú ruột (bị cáo Chức) đã bị tuyên án tử hình, nên để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Doanh tù chung thân.
Trong quá trình xét xử và nghị án, HĐXX đã cân nhắc kỹ lưỡng về đề nghị chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà. HĐXX nhận thấy, với mục đích chống đối chính quyền nên hầu hết các bị cáo đều tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng hành vi của các bị cáo này là do bị các bị cáo chủ mưu, cầm đầu lôi kéo, xúi giục và kích động nên mới hành động như vậy.
Ngoài ra, hành vi của các bị cáo này cũng không trực tiếp khiến ba đồng chí Công an hy sinh. Do vậy, HĐXX đã chấp thuận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc chuyển tội danh, giảm hình phạt cho các bị cáo.
Có thể nói, tội ác tày trời của cha con Lê Đình Kình và đồng bọn của chúng cần bị và đã được pháp luật nghiêm trị. Vậy mà vẫn có những cá nhân, tổ chức lưu vong ở nước ngoài vì động cơ mục đích riêng nên đã cố tình tuyên truyền, kích động bóp méo sự thật bản chất sự việc tại Đồng Tâm để làm phức tạp tình hình.
Dẫu vậy, điều quan trọng và thanh thản hơn là các đối tượng đã hiểu rõ bản chất sự việc này chính là mưu đồ của những kẻ chủ mưu, cầm đầu mượn danh nghĩa “Tổ đồng thuận” để làm bậy, để chống phá chính quyền và nhân dân. Và chẳng có bị can nào là nạn nhân của chính quyền cả. Ngược lại họ chính là những người bị xúi dục, kích động, lôi kéo vào những “mưu hèn kế bẩn” của các tổ chức phản động mà thôi.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả