+
Aa
-
like
comment

Chân tướng những kẻ lợi dụng khiếu kiện đất đai ở Đồng Tâm để chống phá chính quyền

20/01/2020 20:02

Dưới danh nghĩa khiếu kiện đất đai, những đối tượng trong “Tổ đồng thuận” ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã cố tình khuấy đảo nhằm phô trương thanh thế, nhận hỗ trợ tiền bạc từ các tổ chức, cá nhân phản động.

“Tổ đồng thuận” tập hợp những kẻ côn đồ, nghiện ngập do Lê Đình Kình chủ mưu, cùng việc rêu rao “đòi đất cho dân Đồng Tâm”, chúng chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, bom xăng nhằm tấn công, sát hại cán bộ thi hành nhiệm vụ.

Tạo điểm nóng để chống phá, nhận tiền dơ bẩn

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ, các đối tượng đã nhận tiền của các tổ chức khủng bố như Việt Tân, Triều đại Việt, chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời qua các đối tượng trong nước để gây rối. Đối tượng Nguyễn Văn Tuyển được giao nhiệm vụ thường xuyên phát trên Facebook các thông tin sai lệch về nguồn gốc đất đai sân bay Miếu Môn. Tuyển đã được các đối tượng ở nước ngoài liên lạc tài trợ tiền để gây rối.

Khai báo tại trại tạm giam, Nguyễn Văn Tuyển thừa nhận được Nguyễn Văn Đài và Ngọc Tuấn Trần tích cực hỗ trợ vật chất, tiền bạc về Đồng Tâm. Tuyển cho biết, đã được Nguyễn Văn Đài hỗ trợ 1 nghìn đô la, Ngọc Tuấn Trần cũng ủng hộ tiền nhưng không nhớ bao nhiêu(?). Ngọc Tuấn Trần còn xúi giục Tuyển và các đối tượng làm đơn gửi tổ chức nhân quyền thế giới để được cho nhiều tiền hơn.

Được Lê Đình Kình giao làm thủ quỹ kế toán, đối tượng Mai Thị Phấn đã ghi nhận các khoản thu, chi theo chỉ đạo của Kình. Mỗi năm Kình đưa cho mấy lần tiền và bảo ghi vào sổ. Số tiền nhận được từ các tổ chức khủng bố, các đối tượng đã sử dụng một phần mua lựu đạn, bom xăng để sẵn sàng chống trả cơ quan chức năng, phần lớn số tiền còn lại chúng dùng để tiêu xài cá nhân.

Trong một tờ thu chi được phát hiện tại nhà Lê Đình Kình đã ghi rõ nhóm “Tổ đồng thuận” thu nhận được rất nhiều khoản tài trợ từ bên ngoài, trong đó riêng Lê Đình Kình đã ẵm trọn 200 triệu đồng, con trai của Kình cũng nhận được số tiền tương tự. Các đối tượng khác tùy vai trò, vị trí để được nhận tiền.

Tài liệu CQĐT cho thấy, các đối tượng ở Đồng Tâm đã nhiều lần nhận tiền của đối tượng bên ngoài, sử dụng để cử người đi mua vũ khí (10 quả lựu đạn), mua hàng trăm lít xăng chế tạo bom xăng phân phát cho các đối tượng và một số người dân tiến hành các hoạt động theo chỉ đạo bên ngoài, đặc biệt là tụ tập đông người để cản trở các lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Đối tượng Lê Đình Công, con của Lê Đình Kình.

 

Đối tượng Bùi Viết Hiểu – kẻ trực tiếp tuyên bố trên Facebook là đã trữ 200 lít xăng, sẵn sàng cho nổ 500 – 600 người, cũng khai nhận bị Lê Đình Kình yêu cầu khiếu kiện.

Theo kết quả điều tra, trong số các đối tượng tham gia chống đối lực lượng chức năng, có một số trường hợp vì thiếu hiểu biết nên bị các đối tượng kích động, lôi kéo, cho tiền để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng này đều thực hiện vai trò con rối dưới tay Lê Đình Kình. Chúng khai nhận, nhóm Lê Đình Kình dùng loa kêu gọi, kích động người dân tham gia chống lại chính quyền mặc dù bản thân, gia đình Kình không có đất bị thu hồi, cũng không có quyền lợi gì.

Rõ ràng, đây là chiêu trò lợi dụng khuấy nước, Kình tụ tập đám tay chân cố tình dựng chuyện đòi đất để tạo điểm nóng, thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là các tổ chức nhân quyền, tổ chức phản động hải ngoại và những kẻ chống phá trong, ngoài nước, từ đó vừa đánh bóng bản thân, vừa nhận những đồng tiền dơ bẩn.

Hành động côn đồ, mất nhân tính

Ngày 31-12-2019, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng thuộc “Tổ đồng thuận” liên tục chặn xe chở vật liệu, gây rối trật tự công cộng. Qua thông tin mà công an nắm được, các đối tượng chuẩn bị khi xây dựng đến khu vực của xã Đồng Tâm thì sẽ chống đối quyết liệt với lựu đạn, bom xăng, chuẩn bị vũ khí tự chế, tuýp sắt gắn dao.

Theo lời khai của các đối tượng ở Đồng Tâm, chúng đã chuẩn bị kế hoạch từ trước. Cụ thể, theo lời khai của Lê Đình Công (con trai Lê Đình Kình), tháng 11-2019, Công đưa cho Nguyễn Quốc Tiến 33 triệu đồng để mua lựu đạn. Sau đó, Mai Thị Thuấn đã mua lựu đạn, Công và một số người khác đã trực tiếp làm bom xăng. Công đóng xăng vào vỏ chai bia, với số lượng hơn 4 két. Công là một trong những người chỉ đạo chuẩn bị vũ khí chống lại lực lượng chức năng.

“Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, sau đó ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng nhưng chúng tôi không đầu hàng mà vẫn tiếp tục ném đá và bom xăng. Chúng tôi thấy hành vi của mình là sai trái” – Công khai.

Lời khai của Lê Đình Quang (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) cũng cho thấy, Lê Đình Kình có chỉ đạo mỗi người một việc, người thì đi mua xăng, người thì đi mua lựu đạn, mua dao. Công là người đứng đầu và hung hăng tấn công lực lượng chức năng.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, ngày 9-1-2020, khi lực lượng chức năng đến khu vực cổng làng Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội), các đối tượng đã kéo ra tấn công bằng pháo, gạch, đá, bom xăng. Những đối tượng này còn dùng cả lựu đạn ném vào cảnh sát. Chính Lê Đình Kình chỉ đạo nhóm đàn em dùng các vũ khí sẵn có để sát hại công an.

Hiện, CQĐT đã khởi tố vụ án với 3 tội danh: “Giết người”, “Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “Chống người thi hành công vụ”. Đồng thời khởi tố 22 bị can, trong đó 19 bị can bị khởi tố về hành vi giết người.

Những con rối giở trò chống phá

Sau khi xảy ra vụ giết người, chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng tại Đồng Tâm, trên mạng internet thông tin nhiễu loạn, trong đó rất nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo được tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Đây chính là mảnh đất để kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ. Xuất hiện tràn lan những bài viết, bình luận rất lệch lạc, không phân biệt đúng sai, phải trái hoặc cố tình đánh lận, tạo ra luồng thông tin hỗn độn đẩy trạng thái người xem vào rối ren, hoang mang rồi bức xúc, phẫn nộ, mặc sức chửi bới, miệt thị…

Điển hình, ngày 12-1, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tạm giữ hình sự Chung Hoàng Chương (SN 1977, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) là chủ tài khoản Facebook “Chương May Mắn” để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trước đó, ngày 10-1, CQĐT phát hiện tài khoản Facebook “Chương May Mắn” do Chương quản lý, sử dụng đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính chất xuyên tạc làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ việc tại Đồng Tâm. Công an quận Ninh Kiều đã khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Chương, thu giữ nhiều phương tiện điện tử, thiết bị lưu trữ điện tử, điện thoại liên quan.

Cơ quan Công an thực hiện lệnh bắt Chung Hoàng Chương, đối tượng viết bài xuyên tạc vụ Đồng Tâm.

 

Mở rộng điều tra xác định, trong năm 2018, 2019 và thời gian gần đây, Chương đã đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân 16 bài viết được trích xuất thành 101 trang tài liệu in trên giấy A4, chứa nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo kết quả giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, kết luận 9/16 bài viết có nội dung thể hiện sự tiêu cực, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Đảng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của các cá nhân là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tại CQĐT, Chương thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn đăng tải, không kiểm chứng tính xác thực của các bài viết và chia sẻ trên trang cá nhân. Theo CQĐT, Chương không biết diễn biến, bản chất vụ việc tại Đồng Tâm như thế nào nhưng đã đăng tải những thông tin xuyên tạc lực lượng vũ trang, phỉ báng chính quyền.

Tránh những thông tin lệch lạc

Về luồng ý kiến của một số người cho rằng, thời điểm lựa chọn để cưỡng chế trước tết Nguyên đán là chưa hợp lý, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đây không phải là cưỡng chế đất đai bởi 14 gia đình có quyền lợi liên quan đã tự nguyện nhận bồi thường và trả lại đất quốc phòng.

“Đây là kế hoạch, hoạt động bảo vệ việc xây dựng tường rào sân bay chứ không phải cưỡng chế” – đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, lực lượng công an đảm bảo an ninh trong xây dựng tường rào nên phải chủ động triển khai lực lượng từ đêm hôm trước.

Trên cơ sở nắm tình hình, lực lượng công an lập các trạm, chốt cần thiết đảm bảo an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm để ngăn chặn hành vi chống đối, phá hoại. Đây là các hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, khi phát hiện các đối tượng chống đối, phạm pháp quả tang thì có quyền trấn áp hành vi vi phạm, bắt giữ các đối tượng…

Một đoạn tường rào sân bay Miếu Môn đang được các đơn vị quân đội xây dựng theo kế hoạch.

 

Xung quanh vụ việc, nhiều thông tin nói rằng, chính quyền đã không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó chỉ trích cách hành xử của chính quyền, của công an. Đây là kiểu suy diễn, bỏ qua thực tế. Chúng ta thấy rằng, vụ việc tại Đồng Tâm, đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra nhiều năm nay.

Chính quyền từ huyện, thành phố đến Trung ương đã vào cuộc giải quyết, trong đó có rất nhiều cuộc thanh tra của Hà Nội, rồi Thanh tra Chính phủ. Do đó, không thể nói chính quyền “phớt lờ đối thoại” hay không giải quyết khiếu kiện của người dân.

Trong giải quyết vấn đề khiếu kiện liên quan đất đai, chúng ta thấy rõ những phức tạp, khó khăn, nhất là việc đền bù thế nào cho đảm bảo đúng pháp luật. Với Đồng Tâm, các cấp từ địa phương đến Trung ương dành thời gian giải quyết suốt thời gian dài, bằng nhiều biện pháp khác nhau cho thấy sự quan tâm, lắng nghe, cầu thị, hoàn toàn không phải “thờ ơ, vô cảm” như một số thông tin rêu rao. Việc đưa ra những câu từ như “cướp đất của dân”, “chèn ép”… là luận điệu mang tính xảo trá, kích động.

Mặt khác, nhóm chống phá do Lê Đình Kình chủ mưu lại không hề có đất trong khu vực giải tỏa. Rõ ràng, những tài liệu và lời khai của các đối tượng cho thấy Lê Đình Kình đã lợi dụng việc khiếu kiện đất đai tại Đồng Tâm để tụ tập các “chân rết”, thành lập ổ nhóm chống phá chính quyền, tạo dựng thành điểm nóng để kiếm lợi từ những nguồn tiền nhơ bẩn do các tổ chức thù địch, phản động gửi về.

Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn, kiếm những đồng tiền nhơ bẩn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ tội phạm gây tội ác.

Mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, rồi thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Nhẫn tâm ra tay với cán bộ, với công an, cái đó phải thấy rõ để lên án và nghiêm trị trước luật pháp. Đây là bản chất xấu xa, cần phải được nhận diện rõ để đấu tranh, không nhầm lẫn với việc khiếu kiện đất đai thông thường của người dân.

Nguyễn Thành/ANTG

Bài mới
Đọc nhiều