Chân Trời Mới Media không biết gì về kinh tế, thì đừng “bi bô” học đòi bình luận!
Người Việt Nam có câu “nghe hơi nồi chõ” để chỉ những người mới nghe thông tin loáng thoáng đâu đó, không thèm kiểm chứng, đã vội tin ngay, để rồi tự làm khổ mình, khổ người thân. Lại có những người thích làm “thầy bói xem voi”, biết được một chút nhưng lại cứ tưởng mình biết tuốt, vội phán ngay như đúng rồi. Hai tính cách này mà kết hợp với nhau trong 1 người thì đúng là thảm họa. Thảm họa như cái cách Chân Trời Mới Media mới đây ngô nghê bình luận về kinh tế.
Không hiểu họ suy nghĩ thế nào lại đem ghép 2 cái câu chẳng ăn nhập vào nhau để giật một cái tít rồi hả hê. Câu thứ nhất là của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói vào ngày 12/10 trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nguyên văn câu này nói đến việc tiền trong dân còn nhiều có ý nghĩa là làm sao tạo ra các chính sách tốt để huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực trong dân vào những lĩnh vực sản xuất mang lại hiệu quả cao để thúc đẩy nền kinh tế. Tiền trong dân là của dân chứ liên quan gì đến việc làm ăn lỗ hay lãi của các doanh nghiệp nhà nước? Ai có nhận thức tối thiểu cũng thừa hiểu, tiền người dân có chi ra thì cũng là để phục vụ cho lợi ích của chính họ, Nhà nước chỉ có thể tạo ra các chính sách tốt để làm sao lợi ích của người dân cũng đồng thời mang lại lợi ích chung cho tổng thể cả nền kinh tế.
Có lẽ sự ngây ngô nhất của Chân Trời Mới Media được bộc lộ khi xoáy sâu vào câu chuyện Nhà nước hỗ trợ 12.000 nghìn tỷ đồng cho Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airline (VNA) trong mùa dịch COVID-19. Khi dịch bệnh xảy ra, các nước đều áp đặt lệnh giãn cách, hạn chế di chuyển, các hãng hàng không buộc phải tạm dừng hoạt động vì không có khách, không có doanh thu. Trong khi đó, chi phí mà các hãng này phải chi ra để duy trì hoạt động là không hề nhỏ, từ tiền lương cho đội ngũ nhân viên khổng lồ, tiền lãi vay ngân hàng, tiền thuê máy bay, thuê chỗ đỗ… Với tình cảnh như vậy không chỉ VNA mà tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng. Năm 2020, chính phủ Thái Lan phải chi 770 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ VND) kèm theo các gói giảm thuê để cứu trợ các hãng hàng không giá rẻ nội địa với yêu cầu họ giữ lại 20 nghìn nhân viên trong suốt mùa dịch. Theo ước tính của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), ước tính đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 250 tỷ USD trong năm 2020. Tổ chức này đã gửi thư tới lãnh đạo 18 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Ngày 24/3, để hỗ trợ cho ngành hàng không của mình, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 58 tỷ USD, trong đó 1/2 số tiền trên sẽ được sử dụng dưới dạng hỗ trợ để trả lương cho khoảng 750.000 nhân viên hàng không nước này.
Có lẽ cái “hơi nồi chõ” duy nhất có vẻ đúng mà Chân Trời Mới Media nghe được là về con số lỗ của các Doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Nhưng nếu trang này chỉ cần tìm hiểu sâu hơn về kinh tế, sẽ biết các lĩnh vực mà các Doanh nghiệp này hoạt động đều thuộc loại liên quan đến an ninh quốc phòng, hoặc là những lĩnh vực “xương xẩu” không doanh nghiệp tư nhân nào muốn làm như đường sắt. Một công ty nữa vinh dự được “điểm danh” là Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam. Thật không may cho Chân Trời Mới Media, công ty này có tên gọi là K+, vốn là công ty liên doanh giữa hai đơn vị là Trung tâm kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) trực thuộc VTV và Công ty Canal+ International Development (thuộc Tập đoàn Canal+, Pháp). Theo hợp đồng giữa hai bên, VTV nắm giữ 51% và Canal+ nắm giữ 49% vốn sở hữu, tức là gần như 50/50. Chẳng lẽ một công ty lớn của Pháp lại “dốt nát” đến độ để thua lỗ vô lý như vậy, hay là nên thuê các “chuyên gia” của Chân Trời Mới Media về quản lý?
Từ câu chuyện kinh doanh riêng lẻ của công ty truyền hình số K+, ngớ ngẩn nhất là Chân Trời Mới Media lại liên hệ sang câu chuyện “chuyển đổi số” ở Việt Nam. Khi sự ngô nghê và thích chém gió đã lên đến mức độ ngớ ngẩn, thì thiết tưởng câu chuyện nên dừng ở đây, chúng ta không nên bàn luận cùng các “chuyên gia” này nữa. Muốn chống phá, muốn chê bai thì cũng phải có kiến thức. Còn những kẻ bi bô học đòi, “thầy bói xem voi” kiêm “nghe hơi nồi chõ” thì chỉ khiến mọi người ngán ngẩm.
An Diễm