Chặn đường đi của quà biếu
Từ Tết Nguyên đán đầu tiên của nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị “tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”.
Nay bước sang năm cuối nhiệm kỳ, Thủ tướng lại một lần nữa nhấn mạnh: “Tết không mang quà biếu ra Hà Nội, xe cộ ùn ùn tới nhà các lãnh đạo”.
Để Thủ tướng còn phải yêu cầu, nhắc nhở, có nghĩa là tình trạng mang quà đi biếu và nhận quà biếu vẫn còn. Hình ảnh “xe cộ ùn ùn” là có thật, một thời dư luận đã đề cập, người dân ở những khu phố, con đường có nhà của các vị lãnh đạo, đặc biệt là những lãnh đạo có quyền lực trực tiếp về nhân sự, tài chính, dự án… với các cấp, các ngành, các địa phương thì mỗi dịp cận tết “xe cộ” xếp hàng ngoài cửa càng dài.
Lại nhớ phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngoài Tết Nguyên đán đầu nhiệm kỳ, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định rằng “tình trạng biếu xén quà tết đã giảm khoảng 70% so với các năm trước”. Khi được hỏi căn cứ vào đâu để đưa ra nhận định này, ông Dũng đáp là theo thăm dò dư luận nhân dân, rồi theo dõi diễn biến tình hình giao thông, báo cáo của các cấp, các ngành.
Đúng là tình trạng biếu xén lãnh đạo trong dịp tết có giảm thật. Hỏi riêng lãnh đạo một số địa phương thì các anh, chị tâm sự thật rằng nếu như trước đây cứ gần tết là phân công nhau đi “rải” quà diện rộng bởi biếu người này mà không biếu người kia, biếu nơi này mà không biếu nơi khác thì thấy “khó coi”, nhưng kể từ khi có yêu cầu của Thủ tướng, địa phương cũng “cắt” đi đáng kể.
Nói về “tình cảm”, về văn hóa Việt Nam, quà tết là chuyện bình thường nếu đó là những món quà mang nặng giá trị tình cảm, tri ân, là sự quan tâm lẫn nhau giữa những người họ hàng, bạn hữu, đồng chí, đồng nghiệp.
Điều mà Thủ tướng yêu cầu, dư luận “chống”, đó là tình trạng lạm dụng văn hóa, biến nó thành tệ nạn, phục vụ cho những mục đích không trong sáng. Văn hóa khi bị biến thái thì không còn là văn hóa nữa.
Phiên tòa xử vụ án “MobiFone – AVG” vừa qua là một ví dụ, khi những hộp cactông hàng trăm ngàn, hàng triệu USD đi kèm túi trái cây thì đó không phải là quà tết, mà là đưa – nhận hối lộ.
Ví dụ nêu trên cũng cho thấy việc ngăn chặn tệ nạn quà biếu không phải là dễ. Và vấn đề đặt ra là làm sao ngăn chặn được đường đi của những món quà bất chính như vậy? Khi người ta không nhận quà tại nhà thì có thể nhận tại cơ quan, không nhận ở Hà Nội thì nhận tại quê, nhận tại các khu nghỉ dưỡng, sân golf…
Trong một nền kinh tế tiền mặt, không kiểm soát được dòng chảy của các khối tài sản, người ta vẫn dễ dàng vác cả bao tải tiền USD đi “biếu”, nguồn gốc tài sản của cán bộ công chức cũng chưa được kiểm soát và giải trình minh bạch, hiệu quả… thì có thể con đường đi của quà biếu sẽ tinh vi hơn.
Vậy nên, bên cạnh các chỉ thị, yêu cầu của Đảng, Chính phủ, sự giám sát, phê phán của dư luận, nhân dân…, việc sớm thực hiện các giải pháp kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, kiểm soát các dòng chảy tài sản trong xã hội một cách hiệu quả mới chấn chỉnh triệt để được tệ nạn này. Khi đó, các nhà lãnh đạo không cần phải kêu gọi, yêu cầu, đồng thời chúng ta cũng trả lại được sự trong sáng, lành mạnh cho văn hóa quà tết.
LÊ KIÊN/TTO