Chân dung vị giáo sư đề xuất Thủ tướng sản xuất máy trợ thở
Giáo sư Trần Văn Thọ – Người vừa gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số giải pháp đối phó với tình huống dịch Covid-19 có thể lây lan, trong đó có việc tổ chức sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, trước mắt là 2000 cái và sẽ tăng lên 10.000 cái trong vòng 3 tháng tới.
Vừa qua, trên FB mang tên Hoàng Hải Vân có đăng tải nội dung về Giáo sư Trần Văn Thọ, để hiểu thêm về con người Giáo sư, sau dây Cánh Cò xin trích dẫn nguyên văn như sau:
“Giáo sư Trần Văn Thọ sống ở Nhật gần 40 năm, giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo) danh tiếng, từng là thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và ông tự hào về điều đó.
Cái giọng Quảng Nam gần như “nguyên chất” của ông nghe quá đã. Ông nói chuyện chính trị, chuyện kinh tế thế giới, chuyện lịch sử và chuyện ở vùng quê nghèo của ông, chuyện gì cũng bình dị, mạch lạc và sâu sắc. Ở đời nhiều khi có những ngẫu nhiên rồi trở thành một bước ngoặt khiến cho ta trở thành một ai đó. Ông Trần Văn Thọ cũng vậy. Ông bảo nếu hồi đó Trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) không ra đời, không mở lớp trung học cơ sở thì có thể bây giờ ông chỉ là một anh nông dân hoặc anh thợ may thôi, mặc dù nông dân hay thợ may cũng là nghề không có gì là không tốt. Trong một lần gặp ở TP.HCM mới đây, ông kể tôi nghe chuyện “hồi xưa” của ông như một lời tâm tình của người đồng hương. Ông hoàn toàn không muốn ai viết về ông trên báo. Tôi ghi lại câu chuyện này và mong rằng nó sẽ thú vị đối với các bạn trẻ.
40 năm trước ở quê ông, phần lớn học sinh chỉ học hết tiểu học, muốn học tiếp phải xuống Hội An hoặc ra Đà Nẵng, chỉ một ít gia đình khá giả mới làm được như vậy. “Lúc đó tôi rất ốm yếu, ông nội tôi bảo làm nông dân cũng khó. May mà Trường Nguyễn Duy Hiệu mở lớp trung học đúng lúc tôi học xong tiểu học, nhưng là trường bán công nên phải nộp học phí, mà có tiền nộp học phí cũng khó khăn lắm. Cả nhà họp bàn có nên cho tôi đi học chữ nữa không hay là đi học thợ may, vì làm thợ may thì nhẹ nhàng hơn làm đồng áng. Nhưng ông nội thấy tôi không khéo tay, không thích hợp với nghề dùng chân tay, còn học hành thì được nên chủ trương bằng mọi cách phải cho tôi đi học tiếp. Ông nội tuần nào cũng mua vé số, tiền mấy cô chú cho ông uống rượu, ông nhịn rượu dành hết mua vé số, phải đi bộ 5 km xuống quận lỵ Vĩnh Điện mua, rồi tuần sau lại đi bộ xuống dò, rồi mua tiếp, mong được trúng để có tiền cho cháu đi học, nhưng không bao giờ trúng cả. Tôi vào trường đó học, mỗi ngày phải đi bộ 10 km, vừa đi vừa về mất 2 tiếng, mang theo cơm nắm trong lá chuối để ăn trưa, hai năm sau mới mua được chiếc xe đạp. Trường này có quy định hay, là mỗi tháng cộng điểm, ai đứng từ 1 đến 5 thì miễn học phí. Nhà nghèo nên tôi phải ráng học, để được xếp vào hạng đó, tuy thỉnh thoảng cũng có rớt xuống dưới một chút, vì vậy mới học đến đệ tứ (lớp 9), thi trung học đệ nhất cấp (phổ thông cơ sở) đỗ cao, được Trường Trần Quý Cáp (Hội An) tuyển thẳng vào đệ tam. Từ nhà xuống Hội An rất xa, đi xe đạp hằng ngày không được, phải ở trọ. Tiền không có, phải đi dạy kèm, nhưng nhờ vậy mà tôi học xong trung học. Đỗ tú tài 1, rồi tú tài 2, thấy tự hào lắm. Ở miền Trung hồi đó, ai đỗ tú tài 2 cũng thấy mình thượng lưu trí thức lắm!
Xong tú tài, mấy người bạn vào Sài Gòn trước viết thư về bảo vào đó vừa đi dạy vừa đi học đại học được. Hồi đó đỗ tú tài 2 có thể dạy được cấp 2. Đó là cuối năm 1967, chiến tranh đang ác liệt. Từ Quảng Nam mà vào Sài Gòn còn hơn là bây giờ đi du học nước ngoài. Tôi vào, và kiếm được một chân dạy trường tư. Vừa dạy học vừa đi học lớp dự bị ở Trường đại học Văn khoa, định năm sau thi vào Đại học Sư phạm để ra dạy văn chương cấp 3, đó là ước mơ tột đỉnh của tôi”.
Ông kể chuyện thiệt thà và xúc động, đến mức tôi có cảm giác ngồi trước mặt tôi mà ông như mơ màng về kỷ niệm cũ, về giấc mơ cũ. Con người này đến giờ vẫn thích văn chương. Nhưng cuộc đời lại tình cờ thay đổi. Ông kể tiếp: “Một ngày kia, tôi đạp xe ngang qua cơ quan Bộ Giáo dục Sài Gòn, nếu lúc đó không tình cờ qua đây thì tôi đã không phải là tôi bây giờ nữa. Nhìn thấy một tờ thông báo, tôi dừng lại xem. Đó là thông báo tuyển học sinh sang Nhật du học với học bổng của Chính phủ Nhật. Tôi thấy mình đủ tiêu chuẩn: dưới 20 tuổi, đỗ tú tài hạng bình trở lên. Đã sao sẵn giấy tờ, tôi liền nộp đơn. Đơn dự tuyển nộp nhiều lắm. Qua phỏng vấn và xét thành tích học ở trung học, sơ tuyển được 20 người đưa lên Đại sứ quán Nhật thi, đề thi thống nhất toàn thế giới. Tôi đỗ và sang Nhật du học. Giờ nghĩ lại, mình nghèo, một thân một mình, không thân thế, không quen biết ai mà được đi du học là do họ tổ chức thi cử đàng hoàng”.
Sang Nhật, vẫn ôm giấc mộng văn chương, nhưng ông nghĩ đã sang đây thì phải học cái gì là ưu việt của họ. “Năm 1968, Nhật Bản lần đầu tiên trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, bởi vậy tôi chuyển sang học kinh tế, mong hòa bình trở về góp phần xây dựng đất nước Việt Nam”.
Ông học cho đến khi lấy được bằng tiến sĩ (Đại học Hitotsubashi, Tokyo). Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo). Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin: Lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật, ông là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.
Khi ông học xong tiến sĩ, lúc đó Việt Nam đang có chiến tranh bảo vệ biên giới phía tây nam và phía bắc. Nhưng ông bảo ông không về nước được một phần vì ông học “kinh tế thị trường”, lĩnh vực mà trong nước lúc đó chưa chấp nhận.
Ông không về hẳn Việt Nam nhưng luôn luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Năm 1992, cuốn sách Phát triển công nghiệp trong tương quan với các công ty đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động tại vùng châu Á – Thái Bình Dương (tiếng Nhật) của ông được giải thưởng châu Á – Thái Bình Dương của Báo Mainichi… Ông kể hồi ông học cấp 3 trường Trần Quý Cáp, nhiều thầy thương ông nhà nghèo học giỏi nên thỉnh thoảng có giúp ông tiền mua sách vở. Nhớ ơn trường cũ, ông dành số tiền 3.000 USD của giải thưởng trên tặng cho quỹ học bổng trường này. Lại nghĩ đến trường Nguyễn Duy Hiệu, nơi ông học cấp 2. Nhưng 3.000 USD chia đôi thì không hay, ông định bụng trong tương lai gần sẽ kiếm món tiền khác. Sang Nhật, ông kể lại chuyện với một người bạn, ông này là cháu bốn đời của nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất Nhật Bản Shibusawa Eiichi. Bạn ông nghe chuyện thấy cảm động nên gửi luôn 3.000 USD để ông mang về làm quỹ học bổng cho trường Nguyễn Duy Hiệu…
Sau khi Việt Nam đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, giáo sư Trần Văn Thọ mới có điều kiện đem kiến thức của mình giúp ích nước nhà. Ông đã có những công trình nghiên cứu rất có giá trị về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập. Năm 1997, ông xuất bản cuốn Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại châu Á – Thái Bình Dương (NXB TP.HCM) và mới đây, cuối năm 2005, ông lại xuất bản cuốn Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia). Cuốn sách này được NXB Trẻ tái bản năm 2006. Năm 1993, ông được mời làm thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp đó ông cộng tác trong Ban Nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Một cách trực tiếp với các nhà lãnh đạo hoặc gián tiếp qua các cuộc hội thảo và các bài báo, ông đã tham gia nhiều ý kiến góp phần hoạch định chiến lược kinh tế, cải cách hành chính và giáo dục với những kiến giải khoa học sâu sắc. Ông phân tích đầy đủ, có hệ thống thực trạng quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực và thế giới, chỉ ra những bất cập, khiếm khuyết trong chính sách, dự báo xu hướng phát triển và kiến nghị những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế. Ông là người đầu tiên nói một cách có hệ thống tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ (linh kiện, bộ phận…) và đưa ra các đề nghị thúc đẩy phát triển lãnh vực này. Đối với những vấn đề bức xúc, ông thẳng thắn nhưng không “đao to búa lớn”, ông hiểu rõ những vấn đề thực tế của nước nhà nên ông biết cách đóng góp sao cho có hiệu quả và ông tin tưởng vào quá trình phát triển của đất nước. 14 năm trước, để xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, ông đề nghị Chính phủ nên lập danh mục những điều cấm làm và thực hiện nguyên tắc: Người dân được phép làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm. Điều này gần đây đã thực hiện nhưng vào thời điểm 14 năm trước, đây là những điều rất mới mẻ đối với nhiều người. Về quan chức, cũng từ 13, 14 năm trước ông đã kiến nghị phải tổ chức thi tuyển nghiêm minh để cho người tài giỏi, đức độ ra làm việc nước và tạo cơ hội bình đẳng để mọi người có năng lực có thể thi thố tài năng. Ông kiến nghị chọn một ngày trong năm làm ngày tuyển chọn người tài giỏi ra làm việc nước và như vậy sẽ giúp cho giới trẻ hăng hái học tập hơn.
Ông cũng đã đề nghị không những phải đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nước mà còn không nên phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông nói từ mấy mươi năm trước, Thái Lan làm rất tốt điều này, họ lập những danh mục ưu tiên, ai muốn đầu tư vào ngành nào cũng được, ai đầu tư vào danh mục ưu tiên thì được ưu đãi, bất kể trong nước hay ngoài nước. Những đề nghị đó sau này đã được áp dụng, lần đầu tiên thể hiện trong Luật Doanh nghiệp. Ông cũng là một trong những người đầu tiên kiến nghị nêu cao tinh thần doanh nghiệp và vai trò của doanh nhân trong phát triển đất nước.
Từ hơn 10 năm trước, ông đã chỉ trích sự “lạm phát” của bằng tiến sĩ và những bất cập trong cơ chế đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Ông nhận xét: “Ít nhất là trong bộ máy Nhà nước và trong giới doanh nghiệp, số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều hơn hẳn ở Nhật Bản là nước đông dân hơn nhiều và có thu nhập đầu người gấp 75 lần Việt Nam. Đó là hiện tượng dị thường”; “Việt Nam phải đứng trước một sự chọn lựa giữa hai con đường: (1) Duy trì cơ chế hiện tại, tiếp tục sản xuất bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình, và văn bằng này xem như hàng nội địa chỉ tiêu thụ tại nước mình. (2) Xem học vị tiến sĩ sản xuất trong nước phải tương đương hoặc gần như tương đương với văn bằng ở nước ngoài”. Dĩ nhiên Việt Nam phải chọn con đường thứ hai, vì “không thể cho rằng trình độ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam còn thấp thì phải chấp nhận văn bằng giá trị thấp”. Ông đã đưa ra nhiều kiến nghị rà soát, thẩm định, cải cách việc đào tạo bậc tiến sĩ. Ông cho rằng cần tạm ngưng việc đào tạo tiến sĩ tại các viện, trường để đánh giá, thẩm định chặt chẽ, sau đó công bố danh sách các trường, viện và giáo sư đủ tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, lúc đó các cơ sở này mới được phép đào tạo. Ông cũng đề nghị “không xem văn bằng tiến sĩ là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt ở các cơ quan quản lý của Nhà nước hoặc các cơ quan khác” và “không cấp kinh phí và không tạo các điều kiện khác cho cán bộ đi học tại chức bậc tiến sĩ”. Ông bảo ở Nhật Bản và nhiều nước khác, học vị tiến sĩ chỉ dành cho những người làm giảng dạy và nghiên cứu, còn quan chức nhà nước chỉ cần có bằng đại học thôi, không cần phải là tiến sĩ. 10 năm trước, những kiến nghị về vấn đề này của ông cũng đã được đăng trên Báo Nhân Dân.
Với tư cách là một trí thức, ông đã làm tất cả những gì ông có thể làm được để góp phần xây dựng đất nước và bao giờ ông cũng tự đặt mình là người trong cuộc. Tuy sống và làm việc ở nước ngoài, ông vẫn không ngần ngại tham gia vào những vấn đề “nhạy cảm” trong nước. Trước Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã gửi đến Thanh Niên bài viết Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, tại sao không?. Ông cho rằng chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân không giới hạn quy mô là chủ trương đúng của Đảng, mặc dù trong Đảng còn không ít người phản đối chủ trương này. Ông lập luận: “Nếu cho rằng kinh tế tư bản tư nhân là thành phần không đáng để đảng viên tham gia, thậm chí cho đó là thành phần thuộc giai cấp khác mà lý tưởng của người Cộng sản là trước sau cũng phải xóa bỏ giai cấp đó, thì chẳng những mâu thuẫn với đường lối đổi mới, xóa bỏ thành quả của đổi mới mà nguy hiểm hơn, còn làm mất lòng tin của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài”.
Ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam cho đến bây giờ. Ngay cả thời kỳ đất nước khó khăn khốn đốn nhất ông vẫn không có ý định nhập quốc tịch nước ngoài. Thời đó, mang hộ chiếu Việt Nam đi lại không dễ dàng. Có lần, một nước châu Âu mời ba giáo sư từ Nhật sang dự hội nghị, trong đó có ông. Tại Nhật, trong khi hai ông giáo sư kia không phải mất công gì thì ông phải đến sứ quán nước nọ đợi lên đợi xuống mất mấy tuần mới lấy được visa. Đến sân bay, hai ông giáo sư người Nhật được nhập cảnh ngay, còn ông mang hộ chiếu Việt Nam nên bị bắt buộc phải vào phòng đợi rất lâu cho người ta kiểm tra và thẩm vấn. Nhưng ông không hề xấu hổ khi mang quốc tịch Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào. Kể tôi nghe chuyện đó, ông chỉ nói: “Nước mình phải phát triển thì người ta mới nể”.”
Cũng xoay quanh chuyện 2000 máy trợ thở, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin không chính xác rằng: Giáo sư Trần Văn Thọ và cộng sự tặng 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam. Sự thật thì vị Giáo sư này đã đề xuất ý kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chuẩn bị đối phó ngay tình huống dịch bệnh lây lan nhanh kéo theo hiện tượng gọi là sự sụp đổ của hệ thống y tế. Một trong những giải pháp chuẩn bị cần thiết là cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại và sản xuất một số lượng dự phòng. Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở từ công ty Metran của nhà sáng lậpTrần Ngọc Phúc (người cộng sự của giáo sư Trần Văn Thọ).
Hoàng Hải Vân