+
Aa
-
like
comment

Chặn đứng “tham nhũng chính sách”

Hạnh Phúc - 30/11/2022 15:10

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện kết luận số 19 -KL/TW của Bộ Chính trị cuối năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách , không lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý trong văn bản pháp luật”. Ngày 19/11/2022 trong tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng, ông Võ Văn Thưởng tiếp tục chỉ đạo: “yêu cầu của xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới là các văn bản pháp luật phải khoa học, khả thi khắc phục sự chồng chéo, xung đột với nhau, đặc biệt không để xảy ra cài cắm “lợi ích nhóm”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị

“Lợi ích nhóm” với bản chất là một hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Việc cài cắm “lợi ích nhóm” trong văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi còn có thể gọi là “tham nhũng chính sách”. Trong công cuộc chống tham nhũng quyết liệt của nước ta hiện nay, việc giải quyết thực trạng mang tên “tham nhũng chính sách” cũng nhiều khó khăn thử thách.

Theo thống kê của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) trong giai đoạn 2017-2021 kiểm tra 2670 văn bản các cấp, phát hiện hơn 500 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung thẩm quyền, trong đó có 80 văn bản cấp Bộ ban hành. Cố ý “cài cắm lợi ích nhóm” vào văn bản pháp luật cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn thất nghiêm trọng đến ngân sách cũng như gây mất uy tín nhà nước trước nhân dân.

Để ngăn chặn các vụ việc liên quan đến cài cắm “lợi ích nhóm” trong văn bản pháp luật chúng ta cần khắc phục hạn chế bất cập ở cả 3 khâu: xây dựng – Thẩm định và thẩm tra pháp luật. Kết luận số 19 KL/TW của Bộ Chính trị yêu cầu “chống tiêu cực tập trung trong công tác xây dựng pháp luật không bị chi phối tác động bởi các hành vi không lành mạnh của của bất cứ tổ chức cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”. Đây là nội dung trọng tâm hướng đến xây dựng chính sách pháp luật, từ đó có giải pháp phòng ngừa loại bỏ những biểu hiện tiêu cực trong quá trình xây dựng pháp luật nhằm hướng đến một hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, thống nhất, minh bạch và khả thi.

Như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo đó chính là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng pháp luật thời kỳ mới. Quá trình xây dựng ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân doanh nghiệp, và lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm. Một khi tất cả mọi hoạch định của nhà nước đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm, công cuộc đổi mới sẽ hứa hẹn nhiều thành tựu xứng đáng với kỳ vọng của tất cả chúng ta.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều