Sáng nay với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc là một trong 10 trường hợp đặc biệt ở Đại hội XIII và cũng từ chính những thành tích mà ông đã gầy dựng, đặc biệt là trên cương vị Thủ tướng vừa qua.
Với các bước đi rất cụ thể, sâu sát, không đao to búa lớn, 5 năm qua dưới sự điều hành của ông Nguyễn Xuân Phúc, bộ máy chính phủ thực hiện công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế theo cách “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão”, tạo chuyển biến từ việc nhỏ để làm nên sức bật đổi mới mạnh mẽ. Bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy thoái, kiệt quệ nhiều nền kinh tế, năm 2020 tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 2,91% – thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Chính vì thế mà tờ EurAsian Times đã chỉ đích danh ông Nguyễn Xuân Phúc để dành những lời khen ngợi đặc biệt rằng, “Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo vì Covid – 19, kinh tế Việt Nam vẫn ở trong 1 vị thế tốt vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện chính sách giảm thuế, hoãn thu thuế và miễn giảm thuế đất cho doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và ký kết hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu”.
Với kết quả ấy thì cũng không bất ngờ khi ông là lãnh đạo Việt Nam giữ kỷ lục về số lần đến công tác tại các địa phương (nếu tính trung bình trên đơn vị thời gian), đặc biệt là dự các hội nghị kêu gọi đầu tư cấp tỉnh. Cho dù có những nụ cười ở dư luận mỗi khi ông đến thăm tỉnh, thành nào đó và hối thúc họ phải trở thành “đầu tàu”, cho dù có những lời ác ý vẫn tồn tại trên mạng xã hội nhưng rõ ràng không thể phủ nhận việc người đứng đầu hành pháp kinh lý thường xuyên có tác động tích cực đến các quan chức chính quyền địa phương. Có thể người đứng ngoài những cuộc họp ấy xôn xao, nhưng chưa bao giờ có bất cứ một lời phán xét nào từ chính những người trong cuộc. Bởi nếu chịu khó nghe toàn văn bài phát biểu sẽ thấy ông Nguyễn Xuân Phúc rất am hiểu tình hình kinh tế chính trị xã hội của địa phương. Đó cũng là lý do vì sao lãnh đạo địa phương rất nể phục ông Nguyễn Xuân Phúc.
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhiệm kỳ hoạt động đầy ấn tượng trên lĩnh vực đối ngoại. Chúng ta không chỉ thấy ông xuất hiện dày đặc ở các chuyến công du tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Bỉ… mà ngay tại chính Việt Nam, ông cũng đã có đến hàng trăm nghìn buổi tiếp đón lãnh đạo quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đến thăm và làm việc. Tuy vậy, một điều rất thán phục là, mặc dù chịu áp lực công việc rất lớn của một người nắm giữ, điều hành nền kinh tế xương sống của cả một đất nước, thậm chí là có cả hành trình trên máy bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ, song ông Nguyễn Xuân Phúc luôn giữ được thần thái tươi tỉnh trong các cuộc tiếp xúc, làm việc sau đó. Đáng quý nhất là tinh thần ấy được giữ nguyên dù là với nguyên thủ các nước, các chính trị gia hay với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Chính sự chủ động, nhiệt tình, cởi mở, vui vẻ của vị tân Chủ tịch nước đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải thốt lên rằng “Tôi xin nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bạn bè thân thiết của tôi đến thăm Nhật Bản”.
Nụ cười thân thiện, những cái bắt tay nồng nhiệt và cả cái ôm đượm tình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giúp hình ảnh Việt Nam lan rộng và ghi dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế. Có thể rất nhiều người không biết, vị tân Chủ tịch nước đã có những cuộc điện đàm con thoi các nguyên thủ quốc gia bàn về hợp tác kinh tế. Ông cũng chính là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á thăm chính thức Mỹ trong nhiệm kỳ Donald Trump, tạo ra ấn tượng tốt đẹp đối với vị Tổng thống thất thường này, mang lại không khí thuận lợi trong quan hệ Việt – Mỹ những năm gần đây. Trong chuyến thăm ngay sau đó đến Nhật Bản, ông đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam ngay tại Tokyo với số lượng kỷ lục đại diện các doanh nghiệp Nhật tới dự: 1.800 người. Lần đầu tiên và duy nhất, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến dự một hội nghị xúc tiến đầu tư của một quốc gia khác, phát biểu chào mừng và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật hãy đến Việt Nam. Hai chuyến thăm Mỹ, Nhật diễn ra liên tiếp chưa đầy 2 tuần, ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện khoảng 95 cuộc gặp gỡ chí, một con số quá khủng khiếp mà không phải lãnh đạo nào cũng làm được. Còn uy tín nào cao hơn là từ các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, và từ đó hàng nghìn hợp tác, thỏa thuận, hiệp ước kinh tế được kí kết, những doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới đã chọn Việt Nam là nơi làm tổ, đem lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam.
Nói về ông Nguyễn Xuân Phúc, chuyên gia Hồng Long đã khẳng định “ tôi đánh giá đây là một chuyên gia về hành động cách mạng. Quyết liệt và kỹ lưỡng. Sâu sát và tỉnh táo. Nghĩ kỹ mới nói. Đã nói là làm. Đã làm là làm tới nơi tới chốn. Đã làm tới nơi tới chốn rồi nhưng vẫn phải luôn tổng kết rút kinh nghiệm để xem cái gì hay thì phát huy, cái gì dở thì phải rút kinh nghiệm để sau này không mắc lại khuyết điểm cũ. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người hoạt động thực tiễn xuất sắc, rất cụ thể, quyết liệt nhưng cũng rất linh hoạt, luôn xem xét và xử lý công việc một cách đa chiều, xem xét và thỏa mãn các khía cạnh lợi, hại khác nhau, luôn hướng tới sự cân bằng trong các vấn đề kinh tế-xã hội vĩ mô để nhằm ổn định tình hình chính trị-kinh tế-xã hội-quốc phòng-an ninh; không cực đoan, không giáo điều. Đó là phẩm chất cần thiết của một nhà hoạt động thực tiễn”.
Bấy nhiêu đó, chỉ là những điểm lại sơ lược về những nỗ lực, đóng góp, cống hiến của vị Tân Chủ tịch nước đối với đất nước. Tin tưởng rằng, ở cương vị mới ông sẽ có những đóng góp lớn hơn nữa để đưa Việt Nam trở nên hùng cường đúng như mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đặt ra theo di nguyên của Bác Hồ.