+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn – Người sẽ tạo ra thế “kiềng ba chân” trong đối ngoại

Hạ Trắng - 08/04/2021 11:04

Trong danh sách 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm sáng ngày 8/4 có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Ông Bùi Thanh Sơn sinh năm 1962, quê quán quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội: Khóa XIV.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quan hệ quốc tế, từng công tác trong ngành ngoại giao từ năm 1987, từng kinh qua các chức vụ như: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao; Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao…

Từ tháng 11 năm 2009 đến nay, ông Bùi Thanh Sơn làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

Sau 15 năm, kể từ năm 2006 đến nay, Bộ Ngoại giao mới có một ứng viên Bộ trưởng không phải là Phó thủ tướng kiêm nhiệm.

Là một đại biểu Quốc hội, ông Bùi Thanh Sơn từng cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị Quốc hội và Chính phủ phối hợp nhịp nhàng để tận dụng cơ hội cũng như đương đầu với những thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Bùi Thanh Sơn đã có bài tham luận, trong đó nhấn mạnh, đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiến tạo mọi điều kiện, huy động mọi nguồn lực, và tranh thủ mọi cơ hội để phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.

Được bổ nhiệm, tiếp bước người tiền nhiệm là nguyên Bộ trưởng Phạm Bình Minh sau 1 nhiệm kỳ đối ngoại hết sức thành công, ông Sơn và ngành ngoại giao sẽ phải đối mặt với thách thức của một thế giới đầy biến động, đang chuyển mình để sắp xếp một trật tự mới.

Trong bài viết mới đây về đường lối đối ngoại, ông Bùi Thanh Sơn cũng đã nhấn mạnh, chỉ có độc lập tự chủ, Việt Nam mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay.

Cũng theo ông Sơn, tư duy về đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam có những bước phát triển mới. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu. Đồng thời, tăng cường tạo “thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy chính trị” với 30 Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện.

Đối ngoại đa phương cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế”, và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”. Tư duy về không gian và các trọng điểm chiến lược của đất nước cũng được thể hiện rất rõ, đó là các nước láng giềng, khu vực tiểu vùng Mê Kông, ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Không chỉ vậy, Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, tích cực nắm bắt các cơ hội to lớn về khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh…

Đặc biệt, đối ngoại kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữa Đối ngoại Đảng, Ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, để tạo thế chân kiềng vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Hạ Trắng (TH)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều