+
Aa
-
like
comment

Chân dung ông trùm “thu gom rác” trúng thầu hơn một nghìn tỷ nợ lương nhân viên ở Hà Nội

17/06/2021 14:05

Dù năng lực tài chính yếu, nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động nhưng trong giai đoạn từ năm 2017-2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội với tổng giá trị lên đến 1.150 tỷ đồng.

Trúng hàng loạt gói thầu, tổng giá trị cả nghìn tỷ đồng

Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) nổi lên như một trong những “ông lớn” thu gom rác của Hà Nội nhờ trúng hàng loạt các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố với giá trị lớn.

Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty Nam Hà Nội) đã trúng 6 trong tổng số 25 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội với cả tư cách độc lập lẫn liên danh. Thị phần của Công ty Nam Hà Nội phân bổ qua 6 quận, huyện bao gồm quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, huyện Thạch Thất, huyện Mỹ Đức, huyện Mê Linh và huyện Thanh Trì.

Được biết, tổng giá trị trúng thầu lên đến hơn 1.150 tỷ đồng, và theo cam kết của Công ty Nam Hà Nội, thời hạn cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường là đến ngày 31/12/2020.

Để thâu tóm những “địa bàn” này, Công ty Nam Hà Nội đã phải vượt qua hàng loạt các đối thủ lớn, có bề dày kinh nghiệm như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long…

Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, Công ty Nam Hà Nội còn trúng thêm nhiều gói thầu khác, như gói thầu chiếu sáng công cộng, xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa, chỉnh trang đô thị… tại Hà Nội với tổng số lượng gần 30 gói.

Thế lực nào đã giúp ông trùm "thu gom rác" trúng hàng loạt gói thầu tại Hà Nội? - Ảnh 1.
Công ty Nam Hà Nội trúng 6 gói thầu dịch vụ vệ sinh môi trường tại Hà Nội, với tổng trị giá hơn 1.150 tỷ đồng.

Bộc lộ năng lực yếu kém

Thực tế cho thấy, Công ty Nam Hà Nội dường như quá thiếu kinh nghiệm, cũng như năng lực trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường Thủ đô. Trong đó, có thể kể đến việc Công ty thiếu trang thiết bị để thu gom, vận chuyển rác thải ngay từ khi trúng thầu.

Đỉnh điểm, hồi đầu tháng 3/2017, chỉ sau khi tiếp quản địa bàn có vài ngày, Công ty Nam Hà Nội đã đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nhiều công nhân môi trường rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi bị nợ lương

Mặt khác, sau đó không hiếm thời điểm rác thải thường xuyên được tập kết tràn lan tại nhiều khu vực đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Tại một số khu vực, rác còn lưu cữu qua đêm, không hề có biện pháp che chắn. Nước rỉ rác từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối…

Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, có thời điểm (từ ngày 1/10/2019 – 6/10/2019), khối lượng rác thải mà Công ty Nam Hà Nội thu gom về xử lý bằng 0, trong khi khối lượng mỗi ngày cần thực hiện là hơn 40 tấn. Điều này đã khiến rác thải ùn ứ, ngổn ngang trên các tuyến phố, đồng thời phát sinh ra việc người dân đốt rác, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới môi trường.

Được biết, nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng lao động của công ty lúc bấy giờ đình công vì bị nợ lương nhiều ngày.

Mới đây, thực trạng này tiếp tục xảy ra trên địa bàn trung tâm thành phố Hà Nội. Cụ thể là ở con phố nhỏ chật hẹp Yên Phụ, quận Tây Hồ đã xảy ra tình trạng rác ùn ứ khiến cuộc sống người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo một người lao động của Công ty Nam Hà Nội, nguyên nhân vẫn là bởi Công ty chậm chi trả lương cho công nhân, trong khi họ luôn phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn và độc hại nên đã dẫn tới việc nhiều người tổ chức đình công hoặc làm cầm chừng.

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ nhận định, việc thu gom rác của Công ty Nam Hà Nội rất hạn chế khi thường xuyên thu gom không đúng giờ và để tồn đọng rác thải trong ngày. Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải đều cũ kỹ và hay gặp sự cố. Điều này cho thấy năng lực của Công ty rất yếu.

Cũng theo lãnh đạo phường Yên Phụ, tình trạng rác thải ùn ứ trên địa bàn không phải xảy ra lần đầu, mà thường xuyên lặp lại từ khi Công ty Nam Hà Nội tiếp quản.

Thế lực nào đã giúp ông trùm "thu gom rác" trúng hàng loạt gói thầu tại Hà Nội? - Ảnh 3.
Rác chất đống trên phố Yên Phụ, ngày 19/11.

Nợ “ngập đầu” có 1 đồng đi vay 4 đồng

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (tên gọi trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân) được thành lập vào trung tuần tháng 5/2007, có địa chỉ trụ sở chính ở số 28A, TT10, khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Công ty liên tục thay thế người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc… Năm 2016 là ông Phùng Minh Đạt, năm 2019 là ông Phạm Toàn Phước và bước sang năm 2020 là ông Nguyễn Thanh Tùng.

Chị Uyên khóc nghẹn khi chia sẻ về tiền lương nhiều tháng không được nhận

Và đến tháng 11/2020, sau khi đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc mới nhất là ông Nguyễn Khắc Công.

Cơ cấu tài sản cho thấy, Công ty phụ thuộc rất nhiều vào các khoản vay nợ. Theo thông tin của Dân Việt, Công ty Nam Hà Nội duy trì nợ phải trả ở mức có 1 đồng đi vay 4 đồng, đây là tỷ lệ đòn bẩy tài chính đáng báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả với nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, năm 2016 trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ đạt 61,8 tỷ đồng thì nợ phải trả đã lên xấp xỉ 214 tỷ đồng, tương đương hệ số 3,5 lần.

Kéo dài sang các năm kế tiếp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty Nam Hà Nội năm 2017 và 2018 duy trì lần lượt ở mức 3,7 và 3,1 lần. Đặc biệt đến năm 2019, hệ số này tăng vọt lên 4,3 lần.

Thế lực nào đã giúp ông trùm "thu gom rác" trúng hàng loạt gói thầu tại Hà Nội? - Ảnh 4.
Công ty Nam Hà Nội liên tục bị “bêu tên” do nợ đóng bảo hiểm xã hội

Trái ngược với sự phình to của các khoản nợ, doanh thu của Công ty Nam Hà Nội khá èo uột và trồi sụt, xu hướng giảm rõ rệt trong giai đoạn 2017 – 2019.

Theo đó, năm 2017 doanh thu của Công ty ghi nhận ở mức gần 293 tỷ đồng, đến năm 2019 con số này giảm hơn một nửa, xuống còn 130 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế vốn đã khiêm tốn so với quy mô tài sản hàng trăm tỷ đồng, cũng vì thế mà giảm theo. Số liệu cho thấy, sau khi đạt “đỉnh” lợi nhuận vào năm 2017 là 7,3 tỷ đồng, chốt năm 2019 Công ty Nam Hà Nội chỉ thu về vỏn vẹn gần 44 triệu đồng lãi sau thuế.

Rõ ràng, nếu Công ty Nam Hà Nội vẫn chưa thể bứt phá ra khỏi xu hướng kinh doanh thụt lùi thì khả năng cao Công ty sẽ gánh một khoản lỗ vào cuối năm 2020. Viễn cảnh này càng được củng cố, khi Công ty thường xuyên lâm vào tình cảnh nợ lương và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo công bố của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Nam Hà Nội liên tục bị “bêu tên” do nợ đóng bảo hiểm xã hội 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng.

Trước đó, tính đến hết tháng 2/2019, Công ty Nam Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội của 656 lao động trong 12 tháng là gần 10 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý vụ hàng trăm công nhân môi trường bị nợ lương

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin về việc hơn 200 công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương.

Sau khi có thông tin phản ánh việc hơn 200 công nhân vệ sinh môi trường tại quận Nam Từ Liêm bị Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) nợ lương, không đảm bảo quyền lợi của công nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Thanh tra TP và Sở Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại văn bản số 5913/UBND-TKBT ngày 29-12-2020.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm và đơn vị liên quan kiểm tra thông tin, có biện pháp xử lý theo quy định để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân. Kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo UBND TP trước ngày 30-6-2021.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều