+
Aa
-
like
comment

Chân dung những người “thổi lửa” bên tai Tổng thống Putin

06/02/2022 13:03

Ba quan chức an ninh mang tư tưởng cứng rắn chống phương Tây có thể đóng vai trò then chốt trong quyết sách của Điện Kremlin đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Khi bước vào Điện Kremlin đầu thập niên 2000, Tổng thống Putin là một gương mặt mới mẻ, thân thiện với phương Tây, trong đội ngũ của ông có nhiều cố vấn và phụ tá theo trường phái tự do.

Giờ đây, vòng quan chức thân cận xung quanh Tổng thống Putin đã hoàn toàn khác. Những người với tư tưởng tự do bị loại bỏ, trong khi quyền lực của giới chức an ninh ngày một lớn hơn.

Ba phụ tá được đánh giá là thân cận và có tiếng nói lớn nhất trong các quyết sách của ông Putin trong cuộc khủng hoàng ở Ukraine lúc này là Cố vấn An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev, Giám đốc Tình báo Đối ngoại Sergei Naryshkin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

than tin cua ong Putin anh 2
Tổng thống Putin và Giám đốc Tình báo Đối ngoại Sergei Naryshkin.

Bộ ba quyền lực

Nikolai Patrushev, Sergei Naryshkin và Sergei Shoigu được đánh giá là những tiếng nói bài phương Tây quyết liệt nhất trong chính quyền Tổng thống Putin.

Vị giám đốc tình báo miêu tả chính quyền thân phương Tây tại Kiev hiện nay “thực sự là một chế độ độc tài”. Mới đây nhất, ông Naryshkin tham gia lễ khai mạc một triển lãm ở thủ đô Moscow với chủ đề “Lạm dụng quyền con người tại Ukraine”.

Nhiều năm qua, Moscow liên tục cáo buộc chính phủ Ukraine hạn chế quyền của người nói tiếng Nga. Bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga là cái cớ để Điện Kremlin phát động chiến tranh với Georgia năm 2008 và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine từ 2014.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu gọi các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine “không phải con người”. Ông Shoigu cũng cáo buộc phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine đang kích động chiến tranh ở miền Đông, và xa hơn là tấn công người Nga.

than tin cua ong Putin anh 3
Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Patrushev tuyên bố tinh thần bài Nga ở Ukraine là kết quả chiến dịch tuyên truyền của phương Tây bắt nguồn từ sự sợ hãi của người châu Âu với nước Nga từ thời Sa hoàng Ivan Khủng khiếp.

Từ tháng 12/2021, Tổng thống Putin hầu như không phát biểu công khai về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều này khiến công chúng và các nhà quan sát khi đó chỉ có thể suy đoán ý định thực sự của Điện Kremlin thông qua phát biểu của các quan chức thân cận với ông Putin.

Câu hỏi đặt ra là nhà lãnh đạo nước Nga sẽ tiếp thu đến đâu quan điểm của các cố vấn, phụ tá theo trường phái cứng rắn.

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin vẫn duy trì mức độ thực dụng nhất định, ông cân nhắc quan điểm của phe diều hâu với những quan chức ôn hòa hơn như Thủ tướng Mikhail Mishutin – chính trị gia kỹ trị phụ trách nền kinh tế.

Nhưng những tiếng nói ôn hòa cũng đang dần biến mất hoặc bị lấn át.

Cảm giác cả thế giới chống lại Nga

Giới chức an ninh Nga đang xây dựng một hệ tư tưởng mới, đối lập với các giá trị của phương Tây, nhằm củng cố sức mạnh của chính quyền ông Putin.

Hệ tư tưởng mới này coi phương Tây là kẻ thủ số một đang tìm cách bao vây, cô lập nước Nga, nước láng giềng Ukraine là một mối đe dọa, còn Nga là bức tường thành bảo vệ “các giá trị truyền thống”.

“Định đề quan trọng nhất của tư tưởng này là tất cả kẻ thù đang chống lại nước Nga”, Konstantin Remchukov, Tổng biên tập báo Nezavisimaya Gazeta, đánh giá.

Các quan chức an ninh cũng là những người lớn tiếng nhất trên mặt trận bảo vệ các giá trị truyền thống và chỉ trích những tiêu chuẩn văn hóa, đạo đức đang dần thay đổi của phương Tây.

Mới đây, một kênh truyền hình Nga bị xử phạt vì chiếu hình ảnh một người đàn ông để tóc dài và sơn móng tay. Giới chức Nga nói hình ảnh này phản ánh sự lệch lạc trong xu hướng giới tính truyền thống của đàn ông.

than tin cua ong Putin anh 4
Tổng thống Putin và Cố vấn An ninh quốc gia Nikolai Patrushev. .

Tháng 11/2021, hai blogger Nga bị tuyên án 10 tháng tù giam vì chụp ảnh tình tứ bên ngoài Nhà thờ Chính tòa Thánh Basil tại Quảng trường Đỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Patrushev miêu tả các giá trị phương Tây là thứ ngoại lai lệch lạc, đồng thời lên án hôn nhân đồng giới.

“Họ cho phép con trẻ tự quyết định giới tính, một số nơi thậm chí hợp pháp hóa hôn nhân với động vật”, ông Patrushev nói, dù không đưa ra bằng chứng quốc gia nào cho phép loại hôn nhân như vậy.

Một khía cạnh khác trong hệ tư tưởng mới mà giới chức an ninh Nga đang thúc đẩy là vinh quang trong quá khứ của nhà nước Xô viết.

Ông Patrushev nói sự sụp đổ của Liên Xô cho phép phương Tây áp đặt các giá trị phi truyền thống khắp nơi trên thế giới.

Patrushev và một số quan chức khác tuyên bố Nga được giao sứ mệnh khôi phục bức tường thành chống lại các giá trị phương Tây. Ukraine và các quốc gia thuộc khối Xô viết cũ đương nhiên nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, theo những vị này.

Bản thân ông Putin trước đây miêu tả sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị, nhưng nhà lãnh đạo cũng lắng nghe quan điểm của những tiếng nói tự do ôn hòa.

Tuy nhiên, đa phần quan chức như vậy giờ đã bị gạt khỏi chính phủ, trong khi các nhà kỹ trị như Thủ tướng Mishutin hiếm khi can dự vào những công việc ngoài phạm vi trách nhiệm trực tiếp. Điều này cho phép các quan chức an ninh mở rộng ảnh hưởng.

Ngoài vai trò Cố vấn An ninh quốc gia, Patrushev còn là chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Nga, trong khi con trai ông này là bộ trưởng Nông nghiệp kiêm chủ tịch Hiệp hội Sử học Nga. Gia đình Patrushev chịu trách nhiệm khôi phục và tô son trát phấn cho vinh quang lịch sử của đế chế Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Nga. Ông Shoigu là người đồng hành quen thuộc với Tổng thống Putin trong các kỳ nghỉ tại vùng Siberia.

Các chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là diễn biến có lợi cho các quan chức an ninh bên cạnh ông Putin.

“Vòng xoáy xung đột và các lệnh trừng phạt nối tiếp không ảnh hưởng tới các quan chức an ninh, trái lại còn mở ra thêm cho họ những cơ hội”, Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu chính trị R. Politik, nhận định.

Nhận định của bà Stanovaya là có cơ sở. Quan chức Nga hiện bị cấm sở hữu tài sản ở nước ngoài, bởi vậy trừng phạt của phương Tây hầu như vô hại với những người này.

Chính phủ Nga cũng đền bù cho giới doanh nhân bị ảnh hưởng bởi trừng phạt của phương Tây bằng những hợp đồng xây dựng và khai thác tài nguyên béo bở, mà nhiều người trong số này có liên hệ với giới chức an ninh.

Duy Anh

Bài mới
Đọc nhiều