+
Aa
-
like
comment

Chân dung nhân vật bí ẩn 79 tuổi xuất hiện trong ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi

16/07/2020 14:45

Có lẽ ít người biết rằng, trong tổ tham vấn kỹ thuật chủ chốt ekip mổ phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi vừa qua, có giáo sư, tiến sỹ Trần Đông A. Ông chính là “tác giả” ca mổ tách rời cặp song sinh Việt – Đức cách đây hơn 30 năm – một sự kiện chấn động quốc tế thời bấy giờ.

Bác sỹ Trần Đông A

Bác sỹ Trần Đông A (sinh năm 1941) là một giáo sư, tiến sĩ Y khoa, bác sĩ ngoại nhi. Ông có một quá trình sự nghiệp hơi đặc biệt, phục vụ cho cả 2 chế độ nhưng vẫn luôn được trọng dụng tạo mọi điều kiện để phát huy hết năng lực. Là bác sỹ quân y phục vụ dưới thời VNCH trước năm 1975, ông từng được khen thưởng nhiều huy chương (ít nhất 5 anh dũng bội tinh) kể cả một huân chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ, từng là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa với cấp bậc Thiếu tá.

Sau giải phóng ông được phân về bệnh viện Nhi Đồng 2. Năm 1991, ông được ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness sau một ca mổ hy hữu năm 1988 chưa từng được ghi trong y văn: mổ cho hai cháu bé song sinh dính nhau dạng ISOCHIO – PAGUS có 3 chân, trong đó một trong hai cháu đã bị bại não. Thời điểm đó, thế giới có sáu cặp dính liền như Việt – Đức. Trong đó, có hai cặp sống cả hai, hai cặp chết cả hai, hai cặp sống một. Đặc biệt, không ca nào có một trường hợp bại não như Việt – Đức. Việt Nam không chỉ vượt qua hoàn cảnh cấm vận khó khăn mà còn là nước đầu tiên tiến hành phẫu thuật một ca phẫu thuật phức tạp như vậy.

Ca mổ tách rời Việt-Đức đã trở thành một sự kiện quốc tế. Báo chí nước ngoài bình luận: Ca mổ Việt-Đức ngoài tài năng của ê kíp phẫu thuật (ca mổ có 62 y, bác sĩ), còn là bài học về những điều kỳ diệu của cuộc sống, bài học về sự can đảm của cháu Đức, bài học về lòng kiên định, sự quyết tâm của ngành y tế Việt Nam. Bởi ca mổ đã được thực hiện trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Việt Nam, về mọi mặt… Sau này khi Nguyễn Đức lấy vợ, ông cũng đến chung vui.

Cặp đôi song sinh Việt – Đức 30 năm trước.

Liên tiếp trong các năm sau đó, ông luôn có mặt trong những ca bệnh nhi hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam và trở thành hiện tượng của y học Việt Nam. Với uy tín của mình, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp XI và XII, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI

Sau khi rời khỏi chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, ông vẫn tiếp tục hành nghề y. Hiện ông đang phụ trách chương trình thành lập Trung tâm ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2, Chủ nhiệm bộ môn ngoại nhi Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vì những đóng góp của ông cho nền y học Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có những phần thưởng cao quý như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp thành phố và nhiều bằng khen khác…

Hôm qua, mặc dù tuổi đã cao nhưng với trách nhiệm và tâm đức của ngừơi thầy thuốc, ông đã tham gia đến tận cùng ca mổ tách Trúc Nhi – Diệu Nhi hơn 13 giờ đồng hồ. “32 năm sau cuộc mổ tách thành công cặp song sinh đầu tiên ở Việt Nam, ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế về tách dính trẻ song sinh dính liền“, Giáo sư Trần Đông A đánh giá.

Chúc mừng ngành y Việt Nam, cảm ơn BV Nhi Đồng 2 và BS GSTS y khoa Trần Đông A đã hồi sinh cho hai cháu. Chúc ông sức khoẻ và tiếp tục cống hiến cho y học nước nhà.

Thu An (TH)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều