+
Aa
-
like
comment

Chân dung nhà khoa học Việt Nam sản xuất vaccine COVID-19 thử nghiệm trên người

Nguyễn Anh - 09/12/2020 14:05

Lớn lên ở New York, ông Hồ Nhân lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona. Năm 2008, về Việt Nam định cư, mở công ty sinh học tư nhân Nanogen từng bước từ nghiên cứu cơ bản, rồi tiến hành đầu tư sản xuất lớn, lợi nhuận được ông tiếp tục đổ vào nghiên cứu vaccine.

Đến thời điểm này, Việt Nam có 4 đơn vị được cấp phép nghiên cứu vaccine COVID-19, là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Trong đó, Nanogen là đơn vị tư nhân tham gia vào quá trình sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam, và cũng là đơn vị thử nghiệm vaccine trên người sớm nhất.

Công nghệ chính được các công ty tư nhân này áp dụng là sử dụng kháng nguyên và tái tổ hợp protein. Đây là công nghệ tương đồng với các quốc gia đang phát triển vaccine khác trên thế giới. Vaccine thành phẩm của Nanogen có tên Nanocovax.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 10/12 tới, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Đây được đánh giá là bước đi nhanh, dù Việt Nam mới chỉ nghiên cứu vaccine COVID-19 từ cuối tháng 3/2020.

Và Nanogen là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế quyết định cho phép bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Trước đó, Nanogen đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.

Theo kế hoạch ở giai đoạn 1, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm vaccine trên khoảng từ 40 đến 60 tình nguyện viên. Giai đoạn hai sẽ thử nghiệm trên 600 người và sang giai đoạn ba hơn 10.000 người.

Ông Hồ Nhân, tổng giám đốc công ty công nghệ sinh học dược Nanogen. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Quận 9, TP.HCM. Đây cũng là nơi đặt nhà xưởng sản xuất. Văn phòng đại diện phía Bắc của công ty đặt tại 777 Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nanogen đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Người đại diện pháp luật và cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nanogen, là ông Hồ Nhân, sinh năm 1966, quốc tịch Việt Nam

Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (trụ sở tại Khu công nghệ cao, quận 9, TPHCM) là 1 trong 4 đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng chống COVID-19. Công ty đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi.

Khởi động nghiên cứu vaccine COVID-19 từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán

Riêng việc sản xuất vaccine COVID-19, ông Hồ Nhân cho biết từ tháng 1/2020, khi xuất hiện virus Corona ở Vũ Hán (Trung Quốc), Nanogen đã lưu ý theo sát và lên kế hoạch nghiên cứu. Tháng 3/2020, khi Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tìm, phân công doanh nghiệp đủ tiềm lực về con người, nhà máy, hạ tầng để nghiên cứu bào chế ra vắc xin ngừa COVID-19, thì công ty chính thức khởi động.

Thế nhưng, phải đến 2 tháng sau, ngày 8.5, Bộ KH-CN mới có Quyết định 1204 phê duyệt “Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch Covid-19”, giao Nanogen nghiên cứu tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 ứng dụng trong điều trị Covid-19.

Vaccine thành phẩm của Nanogen có tên Nanocovax, chia thành ba hàm lượng gồm 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Ảnh: Quỳnh Trần.

Định hướng mục tiêu phải xây dựng được quy trình, chế tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 và phải đánh giá tính an toàn cũng như hiệu quả ức chế SARS-CoV-2 của chế phẩm kháng thể đơn dòng người… Kết quả phải có 100 liều chế phẩm kháng thể đơn dòng đạt chuẩn cơ sở…

Một tuần sau, ngày 15.5, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành quyết định, trong đó giao Công ty Nanogen nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể giống virus và tiểu thể nano. Đến ngày 21.5, nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 của Công ty Nanogen được Bộ KH-CN phê duyệt, giao chính doanh nghiệp tổ chức chủ trì.

Đến tháng 5 và tháng 6/2020, Nanogen thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột, khỉ và đã thành công. Ông Hồ Nhân thông tin, dự án đến nay đã tiêu tốn của công ty hơn 200 tỷ đồng, với 100 nhân sự làm việc trong các phòng thí nghiệm. Nanogen sẽ tiếp tục dự án đầu tư mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất.

Cận cảnh vắc-xin ngừa COVID-19 “make in Việt Nam” sắp thử nghiệm trên người

Ông Hồ Nhân cho rằng Việt Nam bắt đầu nghiên cứu sớm không thua hãng dược nước ngoài nào và “tiến độ làm vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam có thể được đẩy nhanh hơn nữa, nhưng ta làm chậm hơn vì nhiều lý do: Việt Nam không có nhiều ca nhiễm Covid-19 để lấy mẫu, tất nhiên chẳng ai muốn điều này xảy ra. Thứ hai là các quy trình thủ tục hướng dẫn sản xuất, đăng ký sử dụng vắc xin Covid-19 chưa có quy trình cụ thể nên đến tháng 7.2020 mới có cuộc họp hoàn thiện hướng dẫn, làm chậm mất 2 tháng. Thứ ba, Việt Nam không có một phòng thí nghiệm đủ lớn để thử nghiệm vắc xin trên khỉ, chuột.

“Công ty Nanogen phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các báo cáo đánh giá khả năng vaccine mà Nanogen nghiên cứu tạo kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2, cho kết quả tốt. Trên cơ sở đó, chúng tôi hoàn tất hồ sơ gửi trình Bộ Y tế”, ông Hồ Nhân cho biết thêm.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, lãnh đạo Nanogen tự tin cho rằng vaccine do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất sẽ phù hợp nhất với thể trạng người Việt. Ước tính trong 2 năm tới, lượng vaccine COVID-19 vẫn chưa đủ cho toàn thế giới, nên dịch bệnh vẫn có khả năng biến đổi và bùng lên lần nữa. Nanogen cũng khẳng định đã làm chủ công nghệ và có thể sản xuất được 20-30 triệu liều vaccine mỗi năm.

Sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 tại Công ty Nanogen ẢNH: ĐỘC LẬP

Sau 20 năm ở nước ngoài, ông Hồ Nhân trở về Việt Nam điều chế các sản phẩm sinh học đặc trị các căn bệnh hiểm nghèo. Theo tính toán của ông Hồ Nhân, thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C do công ty Nanogen sản xuất, với giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại cùng loại, hiện chiếm 80% thị phần. Dãy sản phẩm thuốc sinh học đặc trị của công ty này hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy.

Ông Hồ Nhân (ở giữa) cho biết các loại thuốc sinh học đặc trị của công ty hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy. Ảnh: Forbes Việt Nam

Là “linh hồn của công ty,” ông Nhân cho biết có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về nước, lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Sự xuất hiện của các công ty như Nanogen, khiến cho BMI, trong báo cáo về ngành dược Việt Nam năm 2011, nhận định: “Ngày càng khó khăn hơn cho các công ty đa quốc gia chen chân vào thị trường mới nổi.”

“Đó là bước ngoặt,” ông Hồ Nhân nói về cột mốc năm 2010, lúc Nanogen vừa mới xây dựng nhà máy tại khu Công nghệ cao TP.HCM (quận 9) và được cấp phép lưu hành hai sản phẩm đầu tiên nhưng lại xảy ra vụ kiện với Roche. “Chi phí là một vấn đề. Lúc đó chúng tôi tự hỏi liệu mình có phát triển nổi ở trong nước nữa hay không?”

Thuốc tiêm Pegnano của Nanogen bán với giá 1,5 triệu đồng mỗi liều, chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập, khiến Nanogen có thời điểm “sản xuất không đủ bán,” theo lời ông Nhân.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người bị bệnh viêm gan siêu vi B và C cao trên thế giới, ở mức tương ứng là 15-20% và 4-5%. Nếu không ngăn ngừa và có giải pháp điều trị kịp thời, người mắc bệnh có nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan.

Sau khi đạt công suất tối đa 1 triệu sản phẩm/năm, Nanogen đang xây dựng nhà máy mới được biết là có công suất gấp 10 lần hiện tại và vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ, nằm cạnh nhà máy hiện tại trong khu Công nghệ cao TP.HCM, hoàn thành vào giữa năm 2015, nhà máy sản xuất các loại thuốc mới như thuốc điều trị viêm thấp khớp và các loại thuốc trị ung thư như ung thư bạch cầu ác tính, đường ruột, phổi.

Doanh thu khi các loại thuốc chữa trị ung thư này đi vào thị trường, theo ông Nhân tính, tăng trưởng gấp 10 lần. Trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả đang được xây dựng lại mà sở Y tế TP.HCM trình lên bộ Y tế, có thuốc trị ung thư của Nanogen.

Tiềm năng của chế phẩm sinh học đặc trị nằm ở khả năng biến các tế bào trở thành các lò sinh học sản xuất ra các sản phẩm theo mong muốn của con người. Chẳng hạn, việc sản xuất ở quy mô công nghiệp insulin dùng để chữa bệnh đái tháo đường; tạo ra kích tố sinh trưởng để chữa bệnh lùn bẩm sinh hay các loại interferon chống virus, ung thư và chữa trị các bệnh di truyền của con người.

Dây chuyền sản xuất vaccine của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Ảnh: Nanogen

CÁC CÔNG TY NHẬP KHẨU THUỐC VỀ BÁN, CÒN TÔI SẢN XUẤT ĐƯỢC THUỐC BÁN Ở ĐÂY, LỢI NHUẬN CỦA HỌ GIẢM.

Giáo sư Nguyễn Quang Thạch, khoa công nghệ sinh học, đại học Nguyễn Tất Thành nhận định rằng, chế phẩm sinh học đặc trị sẽ giúp giảm áp lực rất nhiều cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Chế phẩm sinh học đặc trị, theo ước tính của tổ chức EvaluatePharma, sẽ chiếm một nửa kinh phí dành cho thuốc vào năm 2020 trên toàn thế giới, khoảng 160 tỉ đô la Mỹ. Tại Việt Nam, năm 2013, thuốc công nghệ sinh học đang chiếm khoảng 5% thị phần, tương đương 175 triệu đô la Mỹ năm ngoái, theo ông Nhân, và có mức tăng trưởng 20 – 30%/năm.

Do trình độ công nghệ cao và chi phí đầu tư lớn, chế phẩm sinh học đặc trị thường là sân chơi của các tập đoàn đa quốc gia. Ông Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng ông Nhân đã khai phá thành công con đường sản xuất thuốc công nghệ sinh học tại Việt Nam, từ nguyên liệu đến thành phẩm.

Lớn lên ở New York, ông Hồ Nhân cho biết ông lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona và ấp ủ ước mơ lập công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Ông đi làm thuê để dành dụm tiền, sau đó cùng người bạn học mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược, hóa chất. Theo ông Nhân, một trong những khách hàng thời đó là hãng dao cạo râu Gillette. Công ty đầu tiên ấy giúp ông hiểu được một mô hình kinh doanh cơ bản. Có thời gian, ông thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, giúp tăng tính đề kháng và thể trọng của gia cầm.

Năm 2008, về Việt Nam định cư lâu dài, ông Hồ Nhân mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú, trước khi dời cơ sở về khu Công nghệ cao TP.HCM. Đi từng bước từ nghiên cứu cơ bản, đầu tư nhỏ, tạo ra sản phẩm thử nghiệm lâm sàng rồi tiến hành đầu tư sản xuất lớn, lợi nhuận được ông tiếp tục đổ vào nghiên cứu.

Ông Nhân cho biết, Nanogen đầu tư 40 triệu đô la Mỹ từ tiền cá nhân và vay của người thân, bạn bè. Công ty này hiện có thể kiểm soát trên 90% các bước cơ bản trong quy trình làm ra một sản phẩm thuốc công nghệ sinh học, tùy theo từng loại. Tỉ lệ còn lại tuy nhỏ, ví dụ một số bí quyết công nghệ, được công ty trả tiền mua bản quyền nghiên cứu nước ngoài, thường từ vài chục ngàn đến vài triệu đô la Mỹ. Ông Nhân nói: “Những nghiên cứu tiến bộ trên thế giới đã được đăng ký bản quyền. Cần sử dụng, mình liên hệ với tác giả. Như vậy vừa giảm giá thành sản phẩm, giảm rủi ro và tiết kiệm thời gian.”

Cách làm tích hợp chất xám nội địa và nghiên cứu quốc tế của ông Nhân được tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, đại học Tân Tạo và đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhận định là “khôn khéo” vì đã “thay đổi một phần cấu trúc” nhờ đó tạo ra sản phẩm khác.

ÔNG HỒ NHÂN TRÁNH NÓI VỀ CÁ NHÂN

Ông Nhân tỏ ra là người kiệm lời, đôi khi khó khăn trong việc tìm cách diễn đạt cho đúng ý, nhưng lại khá kỹ càng. Ông không quên quay lại đóng các cánh cửa như vừa bước ra từ phòng nghiên cứu, dừng lại nhặt một mảnh giấy vụn trên sàn nhà máy, ghé mắt vào kiểm tra từng cầu dao điện hay đọc chỉ số nhiệt độ tại khu biệt trữ nguyên liệu.

Tháng 4.2013, ông Hồ Nhân được mời vào hội đồng quản trị công ty Chứng khoán VinaSecurities. Nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông. Sau khi bán công ty phân tích tại Mỹ, theo lời tự kể, ông Nhân gia nhập thị trường tài chính, mua bán công ty trong ngành y tế. Từng làm cho quỹ đầu tư, ông giải thích: “Nếu cứ làm nghiên cứu trong phòng lab đeo mắt kiếng dày cộp thì bao giờ mới đủ tiền để làm nhà máy to đùng.”

Vợ ông Nhân, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là giám đốc công ty Nanogen. Ông Nhân cho biết, ông đang tham gia tài trợ cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài dịch sách giáo trình, tài liệu khoa học từ tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến công nghệ sinh học tại các trường đại học Việt Nam. Ông Nhân tự nhận mình có những mối quen biết các nhà khoa học “siêu việt” trong lĩnh vực này trên thế giới, những người có thể bay sang Việt Nam giúp ông.

Ban đầu thành lập, Nanogen có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân. Cổ đông sáng lập là ông Hồ Nhân, góp 140 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần công ty. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ của ông Nhân, góp 50 tỷ đồng, giữ 25% cổ phần và ông Hồ Vũ Thành góp 10 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần công ty. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là Giám đốc của Nanogen. Hiện tại vốn điều lệ của Nanogen đã tăng 2,6 lần so với thời điểm thành lập, lên 715 tỷ đồng.

Một số cổ đông nước ngoài đáng chú ý là quỹ Stic Private Equity Fund III (Iceland) nắm 7,7% cổ phần, Công ty sinh học Next Science Co (Hàn Quốc) sở hữu 10,5%…

Nhà xưởng sản xuất của Nanogen tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. Ảnh: VOH

Ngoài ra, một số sản phẩm nổi bật của Nanogen là interferon alfa 2a, để điều trị bệnh viêm gan siêu vi, cúm…; EPO dùng điều trị các bệnh thiếu máu do suy thận; GCSF, GMCSF dùng hỗ trợ các bệnh đang sử dụng hóa trị và xạ trị; TPA dùng điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ do tắt mạch máu; hormone tăng trưởng, kháng thể dùng trong liệu pháp miễn dịch chữa ung thư, tiểu đường…

Trong những năm gần đây, doanh thu của Nanogen không quá biến động. Riêng 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất là 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó.

Tổng tài sản của Nanogen tính đến 31/12/2019 là 1.369 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2018. Hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.

Nanogen

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về vaccine

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về điều trị bệnh nhiễm và cũng là chuyên gia về dịch tễ học, cho biết ông rất vui vì vaccine Việt Nam nghiên cứu đã bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Theo bác sĩ Khanh, việc thử nghiệm vaccine thì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm. Hiện nay Việt Nam đã sản xuất rất nhiều vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, như sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan, H5N1… Điều này cũng chứng minh Việt Nam không phải là “tay mơ” trong nghiên cứu sản xuất vaccine, “cho nên Việt Nam sản xuất vắc xin Covid-19 cũng không lạ”.

Nguyễn Anh

Bài mới
Đọc nhiều