+
Aa
-
like
comment

Chân dung người phụ nữ có khả năng khiến MXH lớn nhất hành tinh “sụp đổ”

Bảo Trâm - 06/10/2021 09:12

Trang CNN vừa có bài viết nói về Frances Haugen, cựu quản lý tại Facebook vừa tạo ra cơn địa chấn khi công khai mặt tối bên trong tập đoàn này trước báo giới và cơ quan lập pháp Mỹ. Và đây có thể là một phần nguyên do khiến hệ thống MXH lớn nhất hành tinh này rơi vào “hố đen” ngày 4/10.

Frances Haugen công khai mặt tối của Facebook với truyền thông. Ảnh: CBS.

Theo CNN, từ những ngày đầu tháng 8, một “người thổi còi” đã liên tục cung cấp thông tin cho báo chí về những nghiên cứu nội bộ của Facebook, trong đó chỉ ra công ty này đã nhiều lần tìm kiếm lợi nhuận và lờ đi sự an toàn của người dùng. Những chia sẻ cho thấy nền tảng này và Instagram gây trầm cảm, lo âu ở nhiều cô gái vị thành niên.

Đến ngày 3/10, “người thổi còi” đã lộ diện với cái tên Frances Haugen, cô là cựu quản lý sản phẩm của Facebook đã quyết định xuất hiện công khai trong chương trình truyền hình 60 Minutes trên kênh CBS.

Đây không phải lần đầu tiên một cựu nhân viên đứng lên tố cáo Facebook. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Frances Haugen là bà từng quản lý những sản phẩm dùng thuật toán của Facebook, và ngay trước khi nghỉ đã làm việc ở bộ phận chống tin giả cho nền tảng này.

Tối 5/10 theo giờ Việt Nam, bà đứng trước Thượng viện Mỹ, tố cáo sự hời hợt của Facebook trong việc kiểm duyệt nội dung độc hại cho trẻ em, vào thời điểm cơ quan lập pháp này chuẩn bị chỉnh sửa đạo luật bảo vệ trẻ em trên Internet sau hơn 20 năm.

Haugen điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 5/10.

Theo giới thiệu trên trang web cá nhân, từ nhỏ, Haugen thường xuyên dự các cuộc họp ở bang Iowa (Mỹ) cùng với bố mẹ. Trải nghiệm đó đã truyền cho bà “cảm giác tự hào về nền dân chủ và trách nhiệm tham gia vào vấn đề chung của người dân”.

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Olin và lấy bằng MBA của Harvard, Haugen bắt đầu làm việc cho một số công ty công nghệ từ năm 2006, bao gồm Google, Pinterest và Yelp. Bà chuyên về “quản lý sản phẩm theo thuật toán” và đã làm việc với một số thuật toán xếp hạng tương tự như công cụ tổ chức thông tin trên News Feed của Facebook.

Làm việc tại 4 công ty công nghệ lớn, vận hành các loại mạng xã hội khác nhau, tôi có thể so sánh, đối chiếu cách mỗi nơi tiếp cận và đối phó với những thách thức riêng biệt“, bà viết trong bảng ghi chú chuẩn bị cho phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.

Biên tập viên Will Oremus của trang Washington Post nhận định sự xuất hiện của Haugen chống lại Facebook là một bước ngoặt trong những nỗ lực kiểm soát big tech. Haugen từng trực tiếp làm việc và hiểu rõ những thuật toán của Facebook, nên bà có thể gợi ý những giải pháp hiệu quả hơn.

CEO của Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2018.

Bà Haugen đã chính thức gia nhập Facebook vào năm 2019 và phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan đến dân chủ và thông tin sai lệch. Đây là nội dung mà Facebook cùng các mạng xã hội khác bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt xung quanh dịch Covid-19 và bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Ban đầu, bà làm việc tại nhóm Civic Integrity, với nhiệm vụ chính là thực hiện các nghiên cứu và đưa ra giải pháp để cải thiện Facebook. Tuy nhiên, sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, bộ phận này bị giải tán. Theo chia sẻ của Haugen trên 60 Minutes, quyết định đó phần nào đã khiến cho Facebook bị sử dụng để tổ chức cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1.

Tôi tham gia Facebook bởi vì có ai đó xung quanh tôi bị cực đoan hóa trên mạng. Tôi cảm thấy cần đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra một Facebook tốt hơn, ít độc hại hơn“, Haugen viết trong lời khai chuẩn bị trước.

Nhưng trong khoảng thời gian hơn 2 năm, bà bắt đầu cảm thấy Facebook không thực hiện cam kết về việc các sản phẩm của họ về phục vụ lợi ích công cộng.

Điều tôi thấy ở Facebook nhiều lần là xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho nền tảng. Hết lần này đến lần khác, công ty chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình, chẳng hạn như kiếm nhiều tiền hơn“, bà chia sẻ trên 60 Minutes.

Trong tuyên bố trước Thượng viện Mỹ hôm 5/10, Haugen chỉ trích việc Facebook tạo ra một “hệ thống khuếch đại sự chia rẽ, chủ nghĩa cực đoan và phân cực” trên toàn thế giới.

“Facebook đã trở thành công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD bằng cách đánh đổi sự an toàn của chúng ta, bao gồm cả sự an toàn của con cái chúng ta. Điều đó không thể chấp nhận được”.

Ngoài nội dung liên quan đến Instagram, Haugen còn công bố tài liệu nói về quy tắc kiểm duyệt thiên vị giới tinh hoa trên Facebook, cách thuật toán thúc đẩy sự thù địch, bên cạnh việc các băng đảng ma túy, nhóm buôn người có thể sử dụng nền tảng công khai.

Ngay sau khi chương trình 60 Minutes của Haugen lên sóng, toàn bộ hệ thống của Mark Zuckerberg gần như tê liệt trên toàn cầu trong suốt 6 tiếng đồng hồ.

Theo CNN, trang MXH này đang đối mặt một loạt vấn đề lớn, và vụ sập toàn bộ dịch vụ kéo dài gần 6 giờ chỉ làm rõ hơn tình cảnh của họ. Hàng tỷ người dùng phải tạm bỏ các ứng dụng sang một bên. Vì bản chất của lỗi xảy ra, những nhân viên kỹ thuật cũng không thể sửa từ xa và phải đến tận trung tâm dữ liệu khắc phục vấn đề.

Đây không phải lần đầu Facebook gặp trục trặc kỹ thuật toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề mới nhất của họ đến như một phần của “cơn bão hoàn hảo”, khiến Facebook phải đối mặt với một loạt rắc rối.

Bảo Trâm (Theo CNN)

Bài mới
Đọc nhiều