Chân dung hàng loạt tướng, tá quân đội, quan chức sai phạm ở vụ Việt Á
Đến nay đã có 2 Trung tướng, 1 Thiếu tướng, 1 Đại tá, 1 Thượng tá quân đội và 3 cán bộ cấp Vụ trưởng, Cục phó cùng nhiều Giám đốc CDC các tỉnh liên quan sai phạm trong vụ Việt Á.
Liên quan đến vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á sau khi bị Bộ Công an khởi tố, điều tra, đến nay đã có hàng chục người là tướng tá quân đội, quan chức các đơn vị, Công ty Việt Á, một số công ty khác được xác định có sai phạm liên quan.
Trong đó, ngoài Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng lãnh đạo, nhân viên công ty này thì 12 người là lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Y tế, Bộ Khoa học – Công nghệ, CDC các địa phương cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
2 Trung tướng, 1 Thiếu tướng liên quan sai phạm
Tại kỳ họp thứ 12 vừa diễn ra ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Trong đó, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kiểm tra TƯ, những vi phạm nêu trên có trách nhiệm của Ban cán sự đảng, một số lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Y tế, đang được UBKT Trung ương tiếp tục kiểm tra, làm rõ.
3 Vụ trưởng, cựu Vụ trưởng, Vụ phó bị bắt
Liên quan đến vụ Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Khoa học – Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/22020) sản phẩm kit xét nghiệm Covid- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học – Công nghệ.
Cả 3 bị bắt về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
4 Giám đốc CDC các tỉnh bị bắt
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều Giám đốc, cán bộ của CDC các địa phương và lãnh đạo Công ty Việt Á cũng như một số cá nhân có liên quan. Cụ thể:
Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An.
Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế Toán trưởng CDC Nghệ An.
Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương.
Trần Thanh Phong, Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương.
Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương.
Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng, Phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương.
Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo, Trợ lý tài chính công ty Việt Á; Trần Thị Hồng, nhân viên kinh doanh công ty Việt Á (khởi tố, tại ngoại) Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thuý, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc Vùng Công ty Việt Á; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh; Phan Thị Khánh Vân, kinh doanh tự do (chị ruột Phan Huy Văn)….
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã uỷ thác cho cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để điều tra, xử lý theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT của 62/63 tỉnh, thành đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tập hợp, củng cố, xác minh, làm rõ đầy đủ các hành vi vi phạm của các đối tượng trong vụ án.
Về thu hồi tài sản của các đối tượng, theo trung tướng Tô Ân Xô, hiện Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên, thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng.
Minh Phong