+
Aa
-
like
comment

Chân dung, gia thế của Tướng Man

Dương Phong - 16/10/2020 15:58

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 – một trong 13 cán bộ, chiến sĩ vừa hy sinh trong chuyến công tác vào cứu hộ nhóm công nhân thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã để lại nhiều xót thương, nhất là hàng nghìn người dân từng được ông cứu giúp. Đón ông trở về từ Rào Trăng 3, nhắc đến ơn nghĩa, hàng xóm và người dân gửi nghìn lời chia buồn sâu sắc.

Đây là bức hình ông chỉ đạo giải cứu 1000 khách mắc kẹt ở ga Lệ Sơn trong lũ lịch sử 2016 ở sông Gianh, Quảng Bình. Nhìn bức hình để biết ông là tướng trận chứ không phải lèm bèm.

Sinh ra trong gia đình có 6 anh em, Tướng Man là con út được cho ăn học và đi lính, trưởng thành từ lính tham mưu tác chiến. Vợ tướng Man không việc làm, ở nhà nuôi mẹ già, một người vợ tần tảo, không biết đi xe máy, suốt đời đi xe đạp.

Các anh em của Tướng Man làm việc ở quê nhà, không ai làm ăn liên quan đến bất cứ chuyện gì với thủy điện. Họ bán cháo ban sáng, buôn bán nhỏ ở chợ. Tướng Man làm quân đội, hàng thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng, rồi Phó tư lệnh Quân khu 4, lên tướng thừa sức soạn việc cho vợ, thừa sức xin việc cho con cháu, nhưng cả đằng nội và đằng ngoại thì chỉ 1 đứa cháu vào quân ngũ do tự lực cánh sinh.

Nhà của tướng Man nằm trong con hẻm sâu hoắm, nhỏ và cụt, chỉ 1 làn ô tô đi được, 2 chiếc đấu đầu là chịu. Vách nhà là đường tàu Bắc Nam. Vì là con út nên Tướng Man ở nhà hương hỏa ông bà, hồi ông chưa lên tướng thì làm ăn nhà 2 tầng, đất không lớn, có sân đỗ ô tô sâu trong hẻm cụt. Không hay là mấy ông anh cứ biểu góp làm cái cổng cho bệ vệ, để giờ “trên mạng” nói là Tướng Man giàu nứt đố.

Câu nói ông nói với quân khu 4 khi vào thủy điện Rào Trăng 3 là: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ từng phút, dù khó khăn thế nào thì cũng đi, dù có hy sinh”. Trong trận lũ vừa rồi, Tướng Man có mặt từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và mất ở đường vào nắm thông tin 17 công nhân bị sạt lở và ông qua đời, đoàn đi có máy truyền tin nhưng bị vùi lấp. Điều quan trọng, dân dọc sông Gianh hàng nghìn người được cứu sống trong các trận lũ càn, không ai không biết Tướng Man.

Vì thế nên, khi trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt lời bịa đặt của đám KOLs bẩn tung ra, đơm đặt cho tướng Man vào Rào Trăng 3 vì “có người nhà làm thủy điện”, hay ông Nguyễn Đại Lợi, chủ sở hữu thủy điện Rào Trăng 3 có mối quan hệ họ hàng với Tướng Man. Không ai bảo, người dân đã tự bày tỏ, nói lên sự thật, bảo vệ tướng Man như bảo vệ chính người thân của mình.

 

Thông tin người dân Huế quan tâm đều biết, chủ sở hữu của thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là công ty cổ phần tư vấn xây dựng Trường Sơn, đóng trên đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Cổ phần sở hữu thủy điện Rào Trăng 3 là: Nguyễn Đại Lợi: 13%, Dương Văn Khởi: 2%, Võ Như Hiển: 10%, Đỗ Thanh Lâm: 5%. Còn lại cổ đông chính là Lê Văn Hoa người Hà Tĩnh có công ty đóng ở Huế. Thật ra trước năm 2011 ông Nguyễn Đại Lợi là cổ đông chính ở Rào Trăng 3, sau đó bán cổ phần, còn 13%. Từ 2012 đã đổi tên thành Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 có trụ sở tại TP Huế.

Thông tin phóng viên Dương Phong, cùng đồng nghiệp báo Tiền Phong đi xác minh, tìm hiểu ghi nhận được, Nguyễn Đại Lợi không có bà con, họ hàng chi với Tướng Man. Nguyễn Đại Lợi quê huyện Quảng Ninh, còn Tướng Man quê gốc Thuận Lý, nay là Nam Lý, Đồng Hới. Tìm hiểu thêm thì giữa Tướng Man và ông Nguyễn Đại Lợi chưa bao giờ giao thiệp với nhau. Vậy nên, những kẻ đơm đặt, xuyên tạc nói Tướng Man sốt sắn vào thủy điện Rào Trăng 3 là do có người nhà mình trong đó, là bất nhân, bất nghĩa.

Dương Phong

Bài mới
Đọc nhiều