Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, xin nhắc lại sự cống hiến của những người anh hùng liệt sĩ tiêu biểu qua các thời kỳ đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.
Phạm Hồng Thái (1896 – 1924) là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du. Ông vượt biên qua Xiêm rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng cuối năm 1918. Tháng 4/1924, ông gia nhập Tâm Tâm Xã, một nhóm chủ trương bạo động. Năm 1924, ông là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ở Quảng Châu năm 1924. Kế hoạch không thành, Phạm Hồng Thái bị truy nã nên phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi. Sự kiện này được gọi là “Tiếng bom Sa Diện”, đã làm chấn động thời sự khu vực. Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (1914 – 1931) là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam. Ngày 9/2/1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Sau đó anh đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20/11/1931 khi mới 17 tuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn khiến từ đó cai ngục tại đây luôn gọi Lý Tự Trọng là “Ông Nhỏ”. Kim Đồng (Nông Văn Dền, 1929 – 1943) là một thiếu niên người dân tộc Nùng, là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở chiến khu Pác Bó. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin khi vừa tròn 14 tuổi. Vừ A Dính (1934 – 1949) là một thiếu niên H’mông hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh từ năm 13 tuổi. Đến năm 1949, anh đủ điều kiện gia nhập bộ đội Việt Minh. Trong một lần liên lạc, quân Lê dương Pháp vây bắt được Vừ A Dính và yêu cầu anh chỉ điểm nơi ở của cán bộ Việt Minh. Vừ A Dính chống lại và bị tra tấn, nhưng địch không khai thác được tin tức gì. Vào chiều tối ngày 15/6/1949, quân Pháp đã bắn và treo anh lên cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn. Anh hy sinh khi chưa tròn 15 tuổi. Trần Văn Ơn (1931 – 1950) là một học sinh trường Pétrus Ký đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh sinh viên Sài Gòn đầu năm 1950. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó. Liệt sĩ Võ Thị Sáu tên thật Nguyễn Thị Sáu (1933 – 1952) là một chiến sĩ cách mạng hoạt động tại địa bàn tỉnh Bà Rịa. Trong quá trình hoạt động, chị dùng lựu đạn tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với đồng bào trước khi bị địch bắt năm 1950. Không khuất phục được Võ Thị Sáu, thực dân Pháp vẫn đưa chị ra tòa xét xử và kết án tử hình dù chị chưa đến tuổi thành niên. Để che giấu tội ác, giặc Pháp đày chị ra Côn Đảo chờ ngày đủ tuổi để thi hành bản án. Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã sản sinh ra những hình tượng anh hùng bất diệt thể hiện ý chí chiến đấu của người Việt trong công cuộc chống ngoại xâm. Đó là anh hùng Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, anh hùng Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lam… Nguyễn Viết Xuân (1933 – 1964) là một sĩ quan phòng không của QĐNDVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong trận chiến với Không quân Mỹ tại phía Tây tỉnh Quảng Bình, anh bị máy bay bắn nát đùi phải. Song anh yêu cầu phẫu thuật bỏ chân, tiếp tục được vào bờ công sự và chỉ huy chiến đấu, động viên đồng đội bằng khẩu lệnh “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”. Sau trận chiến đấu ác liệt, anh hi sinh vì vết thương quá nặng. Nguyễn Văn Trỗi (1940 – 1964) là người chiến sĩ biệt động đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara ngày 2/5/1964. Anh bị bắt, bị kết án tử hình, và đã trở nên nổi tiếng với những lời tuyên bố yêu nước nảy lửa trước tòa án và khi ra pháp trường. Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với sự hi sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Vào năm 1968, nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá gồm 10 cô gái tuổi từ 17 đến 24. Trưa 24/7/1968, như mọi ngày, 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình… Nguyễn Thái Bình (1948 – 1972) là một sinh viên phản chiến người Việt du học tại Mỹ. Trong chuyên bay về nước, anh bị một viên cảnh sát Mỹ bắn chết tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau cái chết, Nguyễn Thái Bình trở thành một biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam vào thập niên 1970. Thanh Bình