Chặn đứng biến tướng “hiến đất làm đường” để phân lô
Khi nhắc đến chuyện hiến đất làm đường, nhiều người sẽ nghĩ đến nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đã có tình trạng biến tướng, nhằm “xẻ thịt” đất nông nghiệp thực hiện việc phân lô, bán nền, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc, khiến dư luận ngỡ ngàng.
Núp bóng “hiến đất mở đường” để phân lô bán nền
Thực tế, tại nhiều địa phương ý nghĩa cao đẹp ấy đã trở thành bình phong cho việc cá nhân, doanh nghiệp thu gom đất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sang đất ở, xây dựng đường giao thông, sau đó chia tách thửa đất nhằm phân lô bán nền (PLNB). Đơn cử như tại Lâm Đồng, Kon Tum, Bình Định nhiều hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin hiến đất nhưng thực chất là tùy tiện đầu tư hạ tầng trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa để bán.
Không thể phủ nhận, bất động sản là thị trường đầy tiềm năng và đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Trong đó, PLBN đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương. Nhưng khi thị trường đang bị “méo mó” bởi những chiêu trò, gây những cơn sốt ảo chớp nhoáng, bất thường thì hệ lụy của nó để lại không hề nhỏ.
Có thể thấy tình trạng PLBN trái quy định tại một số địa phương trong thời gian qua đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ, không đảm bảo quy định về xây dựng và kiến trúc. Đặc biệt dùng thủ đoạn “hiến đất mở đường” dễ dàng làm thủ tục PLBN, xây dựng nhà ở, biệt thự trái phép gây không ít rủi ro cho người mua, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, tác động xấu đến thị trường bất động sản. Và, một bộ phận người dân sau khi bán đất thì sử dụng tiền không hiệu quả, trong khi tư liệu sản xuất, việc làm đã mất, gây tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong xã hội.
Nỗ lực của Chính phủ trong chặn núp bóng “hiến đất mở đường” phân lô bán nền trục lợi
Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng đã có quyết định tạm dừng các trường hợp tách thửa có bố trí lối đi chung. Để ngăn chặn tình trạng người dân có đơn đề nghị hiến tặng đất cho nhà nước nhưng không với mục đích cho các công trình công cộng. Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các địa phương và các ngành chức năng, cơn sốt đất tại thời điểm này ở những địa phương như Khánh Hòa, Lâm Đồng đã lắng xuống.
Đó là do Chỉ thị số 13 ngày 29/8/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; Thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn. Chỉ thị số 13 ra đời có thể nói là giải pháp tình huống vô cùng hợp lý, đúng lúc và cần thiết, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong hạn chế những tác động rủi ro của bất động sản tới nền kinh tế.
Chiêu trò hiến đất làm đường chỉ là một trong những điển hình về sai phạm liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất và những sai phạm trong quy hoạch đất đai đã xảy ra ở nhiều địa phương. Do vậy, về lâu dài, để ngăn chặn PLBN trái phép một cách hiệu quả nhất, các cơ quan Nhà nước cần phải sớm có giải pháp siết chặt các quy định, bịt các kẽ hở pháp luật. Đặc biệt, cấp bách sửa chữa các luật, văn bản dưới luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản… Cần thiết phải khởi tố, xử lý hình sự một số vụ để răn đe.
Diệu Hương