+
Aa
-
like
comment

Chân dung 10 tỉ phú Việt Nam trên sàn chứng khoán ‘thăng hoa’ trong đại dịch

Bách Hợp - 03/01/2022 12:38

Năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, vẫn dẫn đầu với tổng tài sản lớn hơn 5 người đứng sau cộng lại. Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo của VietJet Air là nữ tỉ phú duy nhất trong top 10. Tổng tài sản của các tỉ phú tăng rất mạnh so với năm ngoái. 

Vị tỉ phú giàu lòng nhân ái của Việt Nam

Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 đã khép lại vào chiều qua, 31.12. Chỉ số Vn-Index đóng cửa tại 1.498,28 điểm (tăng 0,83% so với phiên trước). So với năm ngoái, Vn-Index tăng tới 35,7%, đánh dấu 1 năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường đạt 7,729 triệu tỉ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020.

Ảnh minh họa

Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán giúp tài sản của các tỉ phú gia tăng nhanh chóng. Trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán, có 150 người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỉ đồng trở lên, tăng 60 người so với một năm trước.

Nếu như năm 2017, một người chỉ cần sở hữu 5.000 tỉ đồng đã lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, đến nay chưa đủ để lọt vào top 30. Đáng chú ý, năm nay tổng tài sản của top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, đạt gần 490.000 tỉ đồng, tăng 120.000 tỉ đồng so với năm trước.

#1: Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục dẫn đầu

Năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối tài sản của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), dù không tăng nhiều so với năm ngoái, vẫn đạt hơn 204.000 tỉ đồng, tương đương với tài sản của 5 tỉ phú đứng sau cộng lại.

Chủ tịch Vingroup hiện đang trực tiếp nắm giữ 985,5 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu 1,17 tỉ cổ phiếu VIC thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Theo công bố mới đây của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đã có năm thứ 9 liên tiếp góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới tính đến ngày 23.12. Tạp chí này cũng vinh danh ông Vượng trong danh sách 15 nhà từ thiện hàng đầu châu Á năm 2021 (Asia’s 2021 Heroes Of Philanthropy).

#2: “Vua thép” Trần Đình Long vượt dịch

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nói rằng ông không thích được gọi là “ông trùm thép”, nhưng năm 2021 ông xứng đáng là “vua thép ASEAN”, với tài sản tăng gấp rưỡi lên 53.300 tỉ đồng và là người đứng giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.

Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép top 50 thế giới. Ngoài thép, Hòa Phát còn đang nghiên cứu và phát tiển quỹ đất để sẵn sàng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp.

10 tỉ phú sàn chứng khoán ‘thăng hoa’ trong đại dịch - ảnh 2
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, Trần Đình Long có 1 năm rực rỡ

#3: Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Tre Việt (BAV) theo thống kê về số cổ phiếu đang sở hữu có tổng giá trị gần 48.000 tỉ đồng, gồm: ART, FLC, GAB, ROS, FHH, BAV.

Ông Quyết nổi tiếng là người mát tay khi làm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Đặc biệt các dự án mang thương hiệu FLC luôn gắn liền với sân golf. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, Bamboo Airways là hãng hàng không hiếm hoi của Việt Nam và thế giới vẫn tăng trưởng. Hãng này hiện có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV tại sàn giao dịch UpCOM trong quý 1 năm tới với vốn hóa có thể lên đến 111.000 tỉ đồng.

Tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết đã tăng đáng kể sau một năm qua, nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của các cổ phiếu nắm giữ, đặc biệt là FLC. Ông Quyết hiện nắm giữ hơn 30% cổ phần tại FLC, hơn 51% cổ phần CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB), cùng với một tỷ lệ cổ phần tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Chứng khoán BOS (ART).

Đồng thời, nếu tính thêm khối lượng 951 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 51% sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways, và 218 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 52% sở hữu tại FLCHomes hiện tại trên thị trường OTC, với những thông tin về giao dịch trong năm qua, nếu tính theo mức thấp thì tổng giá trị tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết vẫn có thể được ước tính vào khoảng 47,9 nghìn tỉ đồng.

Ông Quyết là người chịu không ít tai tiếng trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, ông luôn tự tin mình “an nhiên với tin đồn”, để tiếp tục kinh doanh và cống hiến.

10 tỉ phú sàn chứng khoán ‘thăng hoa’ trong đại dịch - ảnh 3
Tài sản vốn hóa của ông Trịnh Văn Quyết tăng đáng kể trong năm 2021 nhờ sự bứt phá của các cổ phiếu nắm giữ

#4: Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank (TCB)

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đang trực tiếp nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu TCB và gián tiếp sở hữu 250,7 triệu cổ phiếu MSN của Masan Group.

Đà bứt phá mạnh mẽ của hai cổ phiếu này trong năm qua đã giúp tài sản vốn hoá của ông tăng đáng kể, với khối tài sản vốn hoá vào khoảng 44.900 nghìn tỉ đồng và là người giàu thứ 3 sàn chứng khoán.

#5: Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch MASAN

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng là một trong những cá nhân có tài sản vốn hoá gia tăng nhanh nhất năm qua. Chủ tịch HĐQT Masan Group hiện đang nắm giữ 255,7 triệu cổ phiếu MSN bên cạnh 9,4 triệu cổ phiếu TCB và một lượng nhỏ cổ phiếu MCH của Masan Consumer. Khối tài sản vốn hoá của ông hiện vào khoảng 44.300 tỉ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm.

Nhờ sự bứt phá của cổ phiếu MSN, Masan Group đã leo lên vị trí thứ 5 toàn sàn chứng khoán về vốn hóa với giá trị hơn 200.000 tỉ đồng. Các thành viên của Masan Group như Masan MeatLife (MML), Masan Consumer (MCH), Masan High-Tech Materials (MSR) cũng đều có mức vốn hóa lớn.

10 tỉ phú sàn chứng khoán ‘thăng hoa’ trong đại dịch - ảnh 4
So sánh tổng tài sản của các tỉ phú qua các năm

#6: Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sunshine Homes

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group cũng trở thành “tân binh” trong danh sách tỉ phú hàng đầu sàn chứng khoán sau khi Sunshine Homes (SSH), KSFinace (KSF) và SCG lần lượt lên sàn và tạo ra các cơn sốt. Nhờ nắm giữ lượng lớn các cổ phiếu trên mà tài sản vốn hoá của vị tỷ phú này đã tăng nhanh chóng lên hơn 38.000 tỉ đồng.

Dù lên sàn chưa lâu nhưng Sunshine Homes cũng đã nhanh chóng lọt danh sách doanh nghiệp “tỷ USD” với vốn hóa 36.600 tỉ đồng, trong khi vốn hóa của KSFinance cũng tiệm cận mức tỷ USD với 22.800 tỉ đồng.

#7: Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland (NVL)

Một năm qua, danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của những tỉ phú trong lĩnh vực bất động sản. Ông Bùi Thành Nhơn là một trong cái tên nổi bật với khối tài sản vốn hoá xấp xỉ 35.800 tỉ đồng, nhờ sở hữu lượng lớn cổ phiếu NVL trực tiếp và gián tiếp thông qua Novagroup.

#8: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietjet Air (VJC)

Với khối tài sản vốn hoá hiện ước tính lên đến hơn 32.600 tỉ đồng, ngoài vị trí Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Sovico và Phó chủ tịch HĐQT HDBank.

10 tỉ phú sàn chứng khoán ‘thăng hoa’ trong đại dịch - ảnh 5
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo của VietJet Air là tỉ phú nữ duy nhất trong top 10

#9: Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR)

Cổ phiếu PDR đã tăng gấp hơn hai lần trong năm qua, giúp khối tài sản vốn hoá của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt gia tăng đáng kể, ước tính lên mức 28.000 tỉ đồng. Bất chấp dịch bệnh bùng phát kéo dài, Phát Đạt vẫn liên tục bung tiền thực hiện nhiều thương vụ M&A để thâu tóm quỹ đất.

#10: Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Thaiholdings

Cổ phiếu THD liên tục tăng nóng sau khi niêm yết, giúp tài sản vốn hoá của ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings tăng “chóng mặt” từ nửa sau của năm 2020.

Ông Thụy đang sở hữu trực tiếp gần 86 triệu cổ phiếu THD của Thaiholdings và hơn 34 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Giá trị tài sản vốn hoá tính theo thị giá các cổ phiếu này hiện vào khoảng 22.600 tỉ đồng.

Thaiholdings hiện là doanh nghiệp “tỉ đô” duy nhất trên sàn HNX với giá trị vốn hóa xấp xỉ 88.000 tỉ đồng. Tập đoàn này mới đây đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng Vũ trụ du lịch tại Phú Quốc của công ty con là Công ty CP – Tập đoàn Thaigroup.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt không ít nghi vấn khi mà cổ phiếu THD tăng phi mã (227.000 đồng/cổ phiếu), dù kết quả kinh doanh chưa thực sự ấn tượng.

Bách Hợp

Bài mới
Đọc nhiều