Chấn động lịch sử: giá dầu thế giới về âm
Rạng sáng ngày 21/4 đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô trên Sàn giao dịch dầu mỏ New York lần đầu tiên rơi xuống mức giá âm (dưới 0 USD/thùng).
Giá dầu thô bắt đầu tuột dốc không phanh khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên toàn thế giới. Sáng 20/4, giá dầu đã giảm xuống mức 15 USD/ thùng nhưng đến rạng sáng ngày 21/4 thì giá dầu rơi xuống giá -37,63 USD/thùng.
Khái niệm kinh tế “giá âm” được hiểu là mức giá khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu. Hiện nay, tình trạng này đang xảy ra với thị trường dầu mỏ thế giới, khi cung vượt quá cầu và các kho chứa khắp nơi trên thế giới đã tràn.
Dễ hiểu hơn có thể là khi tất cả chi phí là 5 đồng, nhưng mức giá bán ra chỉ được 3 đồng. Khi đó sẽ hình thành mức giá âm, hay còn được gọi là bán lỗ hay bán đổ bán tháo.
Tình trạng sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu trên phạm vi toàn cầu đã dẫn tới việc làm dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ, khiến các kho chứa dầu bị tràn. Về lý thuyết, điều này buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải chi tiền cho khách hàng để họ mua dầu mỏ của mình, qua đó biến dầu mỏ có giá âm (dưới 0 USD/thùng) đối với nhà sản xuất.
Rạng sáng ngày 21/4, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas) tại sàn giao dịch New York đã sụt giảm 301% và rơi xuống mức giá -37,63 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Sàn giao dịch New York chứng kiến điều này.
Cuộc khủng hoảng dầu hỏa càng nghiêm trọng hơn khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+), không thống nhất được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Cho dù sau đó, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận này, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục “lao dốc” và các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu “vàng đen” giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Bảo Trâm (Lược dịch theo CNBC News, Bloomberg)