Chấn động: 250 tỷ đồng vụ giao dịch lan đột biến tại Quảng Ninh
Liên tiếp những ngày gần đây lại xuất hiện nhưng vụ trao đổi, mua bán lan đột biến giá lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đây là giá trị thực hay chỉ là chiêu trò của những người trong nghề kinh doanh lan đột biến “thổi” lên sau một thời gian thị trường trầm lắng.
Những vụ giao dịch hoa lan đột biến giá “không thể tin được”Ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến không khỏi kinh ngạc trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan var Ngọc Sơn Cước tại Vườn lan Var Đất Mỏ (Mạo Khê, TP.Đông Triều, Quảng Ninh). Điều đáng giá, giá trị của thương vụ này lên đến 250 tỷ đồng, một con số “không thể tin được”.
Điều đáng nói là, thông tin này lại được chia sẻ, livestream trên Facebook với hàng nghìn người theo dõi. Theo thông tin trên Facebook của người thực hiện 3 cuộc giao dịch lan đột biến có tên Nguyễn Văn Minh thì tổng giá trị của đợt chuyển nhượng, mua bán lan đột biến này lên đến 288 tỷ đồng, trong đó riêng 1 cây Ngọc Sơn Cước đã có giá 250 tỷ đồng; 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng; 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.
Theo như chia sẻ của người dám bỏ ra 250 tỷ để sở hữu một cây lan Ngọc Sơn Cước thì tiềm năng và giá trị của loài lan này rất lớn.
Cũng trong ngày 15/3, Vườn lan Var Đất Mỏ còn chuyển giao thêm 1 kie hồng Chương Chi với giá 15 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/3/2021, một thương vụ chuyển giao lan phi điệp đột biến Bảo Duy 5 cánh trắng tại Hà Nam cũng gây xôn xao dư luận khi giá trị chuyển nhượng lên đến gần 19 tỷ đồng. Mọi hình ảnh về cây lan, số tiền, người chuyển nhượng được chia sẻ trên Facebook như cho thấy tính chân thực của cuộc chuyển nhượng.
Ngày 11/3/2021, sự kiện chuyển nhượng lan Var tại TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cũng khiến nhiều người choáng váng khi giá trị chuyển nhượng lên đến 45 tỷ đồng cho vài cây lan mỏng manh.
Dù tất cả những thông tin về thời gian chuyển nhượng, người tham gia chuyển nhượng đều được công khai trên Facebook, Zalo nhưng tính xác thực của những giao dịch này như thế nào thì không ai kiểm chứng được.
Đừng để nếm “trái đắng” vì lan đột biếnTrên thực tế, thời gian qua, nhiều người đã “sập bẫy” trước những mánh khóe của nhiều đối tượng kinh doanh lan đột biến.
Nhiều người chơi lan cho biết, sở dĩ giá lan Var phi điệp 5 cánh trắng các loại ngày một lên cao là do những người chơi lan tự diễn xuất mua bán giá cao với nhau. Sau khi diễn mua bán xong, quay clip xong, tiền của anh là của anh và cây lan, hoa lan của tôi là của tôi, giá đã chốt xong. Lúc này họ chia sẻ thông tin khắp nơi, khách nào hám lợi trước mắt, cả tin thì rất dễ “ăn” quả lừa. Cũng không loại trừ khả năng đây là một mánh khóe rửa tiền.
Thực tế, theo Cục Thuế tỉnh Hà Nam, 99% thương vụ chuyển giao lan phi điệp đột biến Bảo Duy 5 cánh trắng vừa diễn ra trên địa bàn tỉnh là lừa đảo.
Cho đến bây giờ người ta cũng chưa thể giải mã được độ “hot” của các giao dịch lan phi điệp đột biến, bởi thực tế, trên các nhóm, hội chơi lan rừng, lan đột biến, mỗi ngày đều có hàng chục thông tin đăng mua bán, chuyển nhượng lan đột biến với đủ mức giá, bình dân thì 2 -3 triệu đồng/kie (1 kie (mắt) lan đột biến = 1cm), có những loại chủ nhân rao giá lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/kie.
Nhưng danh sách ngày càng dài những người phải “nếm trái đắng” vì cuốn vào cơn lốc lan đột biến thì có thật.
Cuối tháng 7/2020, ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Phù Ninh về việc ông bị một số đối tượng lừa đảo, mạo danh lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ với số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng.
Ngày 22/11/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) nhận đơn tố giác của anh Nguyễn Quang Diễn, ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn phản ánh việc anh bị lừa đảo mua lan đột biến.
Theo đơn, ngày 9/11, anh Diễn thỏa thuận qua facebook mua của một người tự xưng tên là Dũng ở Mỹ Đức – Hà Nội sử dụng tài khoản facebook “Anh Lanh Vườn Lan” 1 giò lan loại đột biến HO với giá 303 triệu đồng nhưng sau đó anh phát hiện gốc giò lan bị dùng keo dính dán lại, trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại HO, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp.
Biết mình bị lừa, anh Diễn đã đến Công an huyện Tân Sơn trình báo. Trên cơ sở tiếp nhận thông tin do anh Diễn cung cấp, Công an huyện Tân Sơn đã nhanh chóng tổ chức xác minh, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngay trong ngày 26/11, Công an huyện Tân Sơn đã bắt giữ các đối tượng Đinh Văn Đô, Đinh Văn Sự, ở xóm Liên Hợp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và Bùi Văn Điệp, ở xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là các đối tượng đã lừa bán giò lan đột biến HO giả cho anh Diễn.
Tại cơ quan Công an, Đinh Văn Đô khai để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã mua cây hoa lan HO về sau đó dùng thuốc kích thích để thân cây nở hoa, sau đó tách một nhánh thân lan HO thật đang có hoa dùng keo 502 gắn vào gốc lan phi điệp tím thường, “hô biến” thành giò lan đột biến HO để đánh lừa người mua.
Mới đây nhất, ngày 14/1/2021, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân (SN 1992), trú tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an làm rõ, Tạ Thị Suối Vân đã sử dụng mạng xã hội Facebook, tạo tài khoản mang tên “Sakura Moe” thường xuyên đăng tải hình ảnh, phát trực tiếp các video giới thiệu về các loại cây lan đột biến có giá trị.
Sau đó, Vân rao bán trên mạng các loại lan đột biến giá trị cao như 5 cánh trắng HO, Năm cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Yên Thủy, nhưng thực chất chỉ là cây phong lan bình thường.
Với thủ đoạn trên, chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2020, Tạ Thị Suối Vân đã lừa bán cây hoa phong lan giả với tổng số tiền lên đến 4,6 tỷ đồng.
Ngày 12/12/2020, Công an tỉnh Hòa Bình cũng phá thành công một vụ lừa đảo mua bán lan đột biến, bắt giữ đối tượng Đặng Văn Tâm, sinh năm 1993, trú tại Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán hoa phong lan đột biến trên mạng internet.
Tại cơ quan công an, đối tượng Đặng Văn Tâm đã khai nhận khoảng thời gian giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2020, đối tượng đã lừa đảo 3 vụ của các bị hại đến từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Phòng và Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng.
Những vụ việc vừa qua cho thấy, đã đến lúc ngành chức năng cần có giải pháp mạnh chấm dứt cơn sốt “ảo” của lan phi điệp đột biến, trả lại giá trị thực của nó. Người dân cần hết sức cảnh giác, đừng để những con số chục tỷ, trăm tỷ khiến mình “sập bẫy” lúc nào không biết.
Khánh Nguyên