+
Aa
-
like
comment

Chặn dịch – một chiến lược ít tốn kém, hiệu quả cao của chính phủ Việt Nam

Đỗ Mạnh - 14/04/2020 15:25

Chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhà nhà chống dịch, người người chống dịch một chiến lược ít tốn kém mà hiệu quả cao của chính phủ Việt Nam

Từ khi có ca dịch Covid-19 đầu tiên  xuất hiện ở nước ta ngày 23/1/2020, Chính phủ đã xác định đây là dịch bệnh rất nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh. Ngay lập tức Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã được thành lập với người đứng đầu là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Không phải chờ đợi lâu một kế hoạch chi tiết về chống dịch Covid-19 đã được vạch ra, trong đó có tính đến những phương án xấu nhất có thể xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Hình ảnh phong tỏa tại Sơn Lôi

Chống dịch như chống giặc, chiến thuật chiến tranh nhân dân nhanh chóng được Chính phủ sáng tạo vận dụng trong phòng chống dịch covid-19. Đánh địch phải đánh từ xa, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và huy động sức mạnh toàn dân chống dịch. Giống như trong chiến tranh muốn chiến thắng dịch mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tuyến phòng thủ được phân bổ rộng khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Giặc mạnh thì tìm cách chia nhỏ địch ra mà đánh, nhà nhà đánh giặc, người người đánh giặc, trẻ con đánh, người lớn đánh, đàn ông đánh, đàn bà đánh tạo thành sức mạnh toàn dân.Với chiến thuật này đi đến đâu địch cũng gặp sức kháng cự mạnh mẽ khiến địch luôn trong tình trạng hoang mang lo sợ.

Trong lúc dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại Vũ Hán khi hầu hết các nước phương tây còn đang thờ ơ với dịch bệnh, mọi giao thương đường bay, đường thủy vẫn được kết nối với Trung Quốc một cách nhộn nhịp thì Chính Phủ Việt Nam đã quyết định đóng cửa biên giới, tạm ngưng toàn bộ các chuyến bay đi và đến Vũ Hán trừ những chuyến bay đưa đồng bào về nước. Các khu cách ly được thành lập, Bộ quốc phòng được giao nhiệm vụ tổ chức các khu cách ly đón đồng bào từ nước ngoài trở về. Tại các sân bay trong nước các đội kiểm tra y tế được thành lập. Những hành khách từ nước ngoài về bước đầu buộc phải khai y tế. Ở thời điểm dịch bùng phát mạnh toàn bộ những người Việt Nam ở nước ngoài về và khách nước ngoài đến Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Những ổ dịch được phát hiện như Sơn Lôi, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi và một số khu vực khác tại Bình Thuận, TP HCM vv… đều bị phong tỏa để ngăn chặn lây lan. Lực lượng Công an, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thôn, xã được giao nhiệm vụ đến từng ngõ, gõ từng nhà để tìm và phát hiện nguồn bệnh. Với cách làm như vậy sức mạnh toàn dân được phát huy mọi nguy cơ lây bệnh tiềm ẩn trong nhân dân được  phát hiện và giúp chính quyền đưa di cách ly giảm nguy cơ lây lan. Cũng với cách làm như vậy Việt Nam đã thành công chặn nguồn xâm nhập dịch từ bên ngoài vào. Những người nhiễm bệnh bị cách ly ngay từ tất cả các cửa khẩu. Ở trong nước tât cả những ổ dịch đều bị khoanh vùng.

Song song  với những biện pháp nêu trên, cùng thời gian đó trên toàn lãnh thổ Việt Nam toàn dân thực hiện nghiêm chỉ thị 16/CT-TTCP cách ly xã hội. Với phương châm như vậy trên diện rộng mọi nguồn lây bị chia nhỏ và chặn đứng môi trường lây nhiễm. Song song với quá trình dập dịch tại những ổ dịch, những khu cách ly, Bộ Y Tế luôn tuyên truyền kêu gọi nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như chữa bệnh, khuyến cáo nhân dân rửa tay xà phòng, xịt cồn, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt cộng đồng cũng là một bước ngăn chặn dịch một cách hiệu quả. Về mặt chính quyền từ Trung ương đến địa phương trên dưới một lòng tham gia chống dịch. Kịp thời tuyên dương những tấm gương lá lành đùm lá rách, khích lệ những nhà hảo tâm, những doanh nhân, kiều bào ta ở nước ngoài đã chung sức chung lòng cùng Chính phủ dập dịch. Đồng thời thẳng tay nghiêm trị những trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để làm giàu, chống người thi hành công vụ, những người có những hoạt động cản trở công tác phòng chống dịch .

Về mặt đối ngoại Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, ủng hộ các nước trên thế giới phương tiện và thiết bị y tế, kinh nghiệm chống dịch góp phần diệt dịch Covid-19 trên toàn cầu và trong nội khối Asean. Với vai trò là Chủ Tịch Asean và thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc Việt Nam luôn là nước thành viên có trách nhiệm luôn có những hoạt động đóng góp một cách tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới, đặc biệt là tấm gương sáng cho các nước noi theo trên mặt trận chống dịch Covid-19.

Chống dịch như chống giặc, chiến thuật chiến tranh nhân dân được  Chính phủ Việt Nam áp dụng sáng tạo trong chống dịch Covid-19 sẽ là kinh nghiệm quý báu không những giúp cho Việt Nam mà còn là kinh nghiệm vô cùng bổ ích cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều