+
Aa
-
like
comment

Chặn ‘biến tướng’ liên kết bảo hiểm – ngân hàng

Diệu Hương - 05/07/2023 11:00

Khi mảng tín dụng gặp nhiều khó khăn, một số nhà băng đã mở hướng đi mới như kết hợp kinh doanh ngân hàng với bảo hiểm (bancassurance), nhằm tăng doanh thu từ dịch vụ với nguồn ổn định và ít rủi ro. Tuy nhiên, đằng sau con số lợi nhuận hàng trăm, nghìn tỷ đồng từ bán bảo hiểm, vẫn còn đâu đó những bức xúc của khách hàng, nhân viên ngân hàng “đau đầu” chạy chỉ tiêu.

Hàng trăm người tố cáo gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife

Những năm gần đây, các ngân hàng đã trở thành “cánh tay đắc lực” của các công ty bảo hiểm với nhiều lợi thế vô cùng lớn như: đội ngũ nhân viên đông đảo, mạng lưới giao dịch rộng khắp, data khách hàng lớn…

Nguồn lợi thu được từ phân phối bảo hiểm là rất lớn lại không phải đầu tư nhiều chi phí, nhân lực đã thúc đẩy hàng loạt hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm qua ngân hàng kéo dài hàng chục năm được ký kết.

Đa dạng hóa nguồn thu là hướng đi đúng của các ngân hàng. Song thời gian qua, không ít ngân hàng bị khách hàng phản ứng vì bán “bia kèm lạc”, gian dối trong tư vấn bảo hiểm.

Tại không ít ngân hàng, nhân viên tín dụng từng ra điều kiện khách hàng phải mua gói bảo hiểm nhân thọ để được nhanh chóng giải ngân khoản vay, tăng lãi suất/ép khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm. Đáng chú ý, nhiều nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm; chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ để được hưởng lãi suất cao hơn. Để rồi nhiều khách hàng đã đành chấp nhận móc ví mua bảo hiểm cho xong việc, mua mà không bao giờ dùng đến. Điển hình cho sự biến tướng kể trên việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Rõ ràng việc mua bán bảo hiểm từ trước tới giờ mang một ý nghĩa nhân văn nhưng thị trường đã dần đánh mất đi ý nghĩa đó.

Các công ty bảo hiểm thời gian qua đã bị Bộ Tài chính thanh tra liên tục và phát hiện rất nhiều sai phạm

Trước những bức xúc của khách hàng thời gian qua, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Làm mạnh là vậy, nhưng tình hình vẫn chưa thể nói là đã ổn định. Trong tình thế hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia tài chính cho rằng việc cấm ngân hàng bán bảo hiểm là “bất khả thi”. Vì sao lại như vậy?

Trên thực tế, bảo hiểm được xem là “mỏ vàng” cho các ngân hàng, khi việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng giúp bên bảo hiểm khai thác những khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng; trong khi các ngân hàng gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vì thế để hạn chế ở mức cao nhất thì cơ quan quản lý nhà nước phải chặn được việc ngân hàng bắt tay với các công ty bảo hiểm. Nếu không làm được việc này cũng có nghĩa là không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Để làm được điều đó, Ngân hàng nhà nước cần xây dựng các quy định và hướng dẫn về hoạt động bán bảo hiểm nhằm đảm bảo các quy tắc và tiêu chuẩn được tuân thủ. Xây dựng các cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo toàn vẹn và tính minh bạch trong hoạt động bán bảo hiểm.

Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra và giám sát các ngân hàng thương mại và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các công ty bảo hiểm để đảm bảo tuân thủ luật pháp và các quy định liên quan đến bán bảo hiểm.

Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng cần tổ chức đào tạo cho nhân viên về việc nhận diện và phòng ngừa biến tướng bán bảo hiểm; công khai, minh bạch và có tâm trong tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và tài chính của họ.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều