“Chạm ngưỡng, tập trung cho SEA Games”, thầy trò ông Park liệu có khốn đốn vì tấm HCV?
Ở tuổi đáng lý ra sung sức nhất của sự nghiệp, Ánh Viên đành gác lại khát vọng “vươn ra biển lớn” bởi phải làm “máy gặt HCV” ở SEA Games. Đâu chỉ mỗi Ánh Viên…
1. Trước trận lượt đi chung kết AFF Cup khu vực Đông Nam Á giữa Bình Dương và CLB Hà Nội, cây bút thể thao châu Á kỳ cựu Gabriel Tan đưa ra nhận định khiến không ít người phải ngạc nhiên: “Trong khi có rất nhiều sự thổi phồng, cường điệu hóa xung quanh Quang Hải, tôi nghĩ Nguyễn Văn Quyết mới là cầu thủ đang có phong độ vượt trội hơn lứa đàn em”.
Lạ quá, bởi xuyên suốt những kỳ tích của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam, Quang Hải không chỉ là cầu thủ có đóng góp lớn nhất, mà còn là linh hồn trong lối chơi mà nhà cầm quân người Hàn Quốc sử dụng, cả ở ĐTQG lẫn U23 Việt Nam. Trong khi đó, dẫu từng khoác trên tay chiếc băng đội trưởng ĐTQG, song đóng góp của Văn Quyết dưới thời HLV Park hang-seo là khá mờ nhạt, không để lại nhiều dấu ấn.
Dẫu vậy, không quá khó để giải thích khi đặt câu hỏi với một chuyên gia “cái gì cũng biết” – Google: Sáu mươi tư triệu năm trăm nghìn kết quả trong vòng 0,46 giây với từ khóa tìm kiếm “Quang Hải quá tải” hẳn sẽ giúp người hâm mộ bóng đá Việt Nam phần nào đồng cảm với nhận xét của chuyên gia châu Á Gabriel Tan.
Quả tình, Quang Hải đang quá tải thực sự. Dẫu cho là người ghi bàn sân bằng tỷ số 1-1 vào lưới CLB TP.HCM cuối tuần trước, thì tiền vệ người Đông Anh này rõ ràng không còn được sự nguy hiểm như ngày nào, và CLB Hà Nội hiện tại cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào những trụ cột đã luống tuổi như Văn Quyết, Thành Lương, chứ không phải Quang Hải.
Và rồi Quang Hải sẽ tiếp tục quá tải, bởi ở V.League, CLB Hà Nội đang nằm giữa tâm điểm chú ý với cuộc chiến cực kỳ cam go để bảo vệ ngôi vô địch trước sự đe dọa của CLB TP.HCM. Hiện tại, họ vẫn đang là đội xếp thứ nhì. Đội bóng thủ đô cũng còn đó chặng đường ở đấu trường châu lục AFC Cup.
Và quan trọng hơn thế là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, với Thái Lan, UAE, Malaysia và Indonesia trước mặt, dĩ nhiên không thể vắng mặt Quang Hải. Chưa kịp kết thúc, tiền vệ người Đông Anh chắc chắn đã phải bắt tay vào chuẩn bị cho SEA Games 30. Và sau đó là VCK U23 châu Á.
2. Quang Hải quá tải, nhưng có một người thậm chí còn quá tải hơn. HLV Park Hang-seo từng phải thốt lên: “Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 2019 diễn ra quá sát nhau. Tôi ước thân xác này có thể phân làm đôi để cùng lúc nắm hai đội”.
Trở về Hàn Quốc “xả hơi” hồi Tết Nguyên đán, ông thậm chí còn nói “chắc như đinh đóng cột” với báo giới Hàn Quốc rằng mình sẽ chỉ cầm một đội. Nhưng rồi với “quyết tâm sắt đá” của lãnh đạo ngành thể thao, lại thêm một năm nữa nhà cầm quân Hàn Quốc phải “vừa bế em, vừa xay bột”. Và chức vô địch SEA Games trở thành nhiệm vụ lớn nhất được “giao tận tay” cho ông.
Chức vô địch SEA Games có quan trọng không? Liệu nó có quan trọng hơn chiếc vé lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022? Liệu có cần phải bằng mọi giá để đạt được, thay vì để nó đúng nghĩa là giải đấu của các cầu thủ trẻ? Còn tùy người trả lời câu hỏi là ai.
Với người Thái, câu trả lời có thể là không. Nhưng với thầy trò HLV Park Hang-seo, có lẽ họ không có quyền có cùng câu trả lời, bởi ai cũng biết chiếc huy chương vàng SEA Games quan trọng đến thế nào với bóng đá Việt Nam. Trớ trêu thay, nó quan trọng đến dường ấy, là bởi vì chúng ta chưa bao giờ được chạm tay vào nó trong suốt mấy chục năm liền trở lại với bóng đá khu vực.
Dĩ nhiên những Quang Hải, Văn Hậu, hay thậm chí là Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh có quyền khát khao hướng tới thành tích cột mốc ấy của bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên HLV Park Hang-seo có quyền mưu cầu chiếc huy chương vàng sẽ làm thỏa lòng hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Đấy là điều xứng đáng để mơ về. Nhưng đặt lên vai họ gánh nặng phải bằng mọi giá phải giành được nó, liệu có công bằng?
Ở giai đoạn sung sức nhất của sự nghiệp, Ánh Viên phải đánh đổi sự tập trung xuyên suốt ở 1, 2 cự ly sở trường của mình, để vươn tầm thế giới, nhưng cuối cùng phải tuột dốc thảm thương, thậm chí là rơi vào trạng thái trầm cảm bởi sức ép của 8 chiếc HCV SEA Games đè nặng lên vai mình. Áp lực phải “lấy vàng” càng nhiều càng tốt ở SEA Games đã cắt đứt con đường vươn tới đỉnh cao của “cô gái vàng” mà phải vài chục năm, bơi lội Việt Nam mới có được.
“Ánh Viên đã chạm ngưỡng” và “nên tập trung cho SEA Games” là điều những người có trách nhiệm phát ngôn sau thành tích sụt giảm thê thảm của Ánh Viên hiện tại.
Văn Quyết nổ súng, CLB Hà Nội chiếm tiên cơ trước Bình Dương ở chung kết AFC Cup
Sức ép “vàng SEA Games” chắc hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những Quang Hải, Văn Hậu… và hẳn nhiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của HLV Park Hang-seo. Quan trọng hơn, nó đi ngược với điều mà ông mong muốn nhất ở bóng đá Việt Nam, và cho bóng đá Việt Nam – phát triển bóng đá trẻ, tạo cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ, tạo “khoảng trống” để họ có cơ hội phát triển, thể hiện mình.
Chúng ta đâu muốn sau những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng… là một khoảng trống mênh mông, phải không nào? Nhưng cũng đâu muốn tuột khỏi tay chiếc HCV SEA Games sau mấy chục năm đằng đẵng đợi chờ, phải không nào? Có cách này để cân bằng được cả hai ước muốn ấy không?
Hỏi, đôi khi đã tự thân đã là câu trả lời!
(Theo Soha News)