Chăm lo cho gia đình có công với cách mạng vừa là đạo lý, vừa là bổn phận của mỗi người dân
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công (NCC) bằng những chính sách cụ thể, thiết thực. Nhiều thương binh nặng đã vượt lên hoàn cảnh trở thành những tấm gương sáng cho con cháu.
Lan tỏa những tấm gương sáng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Đào Ngọc Dung chia sẻ: Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, nhiều thương binh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng kinh tế cho gia đình, quê hương.
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức gặp mặt, tuyên dương 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước.
“Đây là cuộc gặp mặt đặc biệt nhất từ trước đến nay bởi các thương binh đều mất sức lao động 81% trở lên, nhiều người ví họ như liệt sĩ sống. Nhưng điểm chung nhất là các thương binh nặng này đều có một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, giữ gìn sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Đó là thương binh Đào Đăng Nguyên, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, suy giảm khả năng lao động 95%. Ông Đào Đăng Nguyên nhập ngũ đầu năm 1967, sau 2 tháng huấn luyện, đến tháng 3/1967 ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, tháng 2/1968, ông bị thương và bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong chốn lao tù, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn cùng những đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo của địch nơi địa ngục trần gian; đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng ông Nguyên vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững khí tiết, tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng. Ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, và hiện là tấm gương sáng trong xây dựng cuộc sống mới, đoàn kết nơi dân cư.
Hay thương binh nặng Nguyễn Văn Lộc, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, suy giảm sức khỏe, mất khả năng lao động 91% vẫn nặng lòng đi tìm hài cốt đồng đội. Ông Nguyễn Văn Lộc xúc động nói: “Chiến tranh kết thúc, dù sao chúng tôi cũng được trở về nhưng, nhưng còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại nơi khe suối, bìa rừng. Vì vậy, những người lính trở về như chúng tôi hôm nay phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với những đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe thì hành trình tìm đồng đội của tôi vẫn chưa dừng lại”.
Những chuyến đi tìm đồng đội đã ngã xuống luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm và đầy bất trắc, nhưng dường như chưa bao giờ làm ông Lộc nhụt chí. Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội cung cấp thông tin, tìm kiếm để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về yên nghỉ tại các nghĩa trang.
Còn nữ thương binh Trương Hồng Dân, 71 tuổi, thành phố Cần Thơ lại là một trường hợp đặc biệt. Bà Dân tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi. Năm15 tuổi, bà Dân bị địch bắt vào tù. Ra tù, bà tiếp tục tham gia chiến đấu và bị thương nặng vào năm 1970. Sau khi hòa bình lập lại, bà Dân trở về tham gia công tác ở địa phương, làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ và đã giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo.
Cũng như nhiều đồng đội khác, thương binh Lê Hữu Thế, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, xuất ngũ trở về quê. Không chịu khuất phục trước cái đói, cái nghèo, ông đã mạnh dạn thế chấp nhà vay tiền ngân hàng để lên Tây Nguyên lập nghiệp. Vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả, đến nay cuộc sống của ông và gia đình đã có cơ ngơi khang trang với nhiều diện tích trồng cà phê mang lại thu nhập lớn cho gia đình.
Sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, gia đình và cộng đồng luôn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với các thương binh vượt qua khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật. Nhiều thương binh không chỉ tạo ra việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và cộng đồng, tạo dựng cuộc sống có ích, tươi đẹp hơn, đúng theo lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tập trung nghiên cứu xây dựng Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi NCC với các mạng nhằm mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống NCC. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Lê Tấn Dũng cho biết: Tháng 9/2019 Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11/2019.
Việc sửa Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng lần này nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập và bổ sung những quy định mớí đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NCC với cách mạng và thân nhân của người có công.
Dự thảo Pháp lệnh đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, người có công, các địa phương, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các chuyên gia… Trong số nội dung sửa đổi, đáng chú ý là về điều kiện, tiêu chuẩn, dự thảo Pháp lệnh đã sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh để phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Trong đó tập trung vào một số vấn đề cụ thể như: Bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (cán bộ lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa), việc công nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến và thời bình…
Đồng thời, dự thảo mở rộng phạm vi giải quyết chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù (sau 30/4/1975); bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ và nâng quy định điều chỉnh trợ cấp từ văn bản của Chính phủ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng chế độ trước ngày 1/9/2012 cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Bên cạnh tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, Pháp lệnh cũng cần quy định rõ những chế tài xử nghiêm những gian dối, trục lợi trong thực hiện chính sách NCC, điều đó làm tổn thương NCC, làm giảm sút niềm tin trong xã hội”.
Đánh giá về việc sửa đổi Pháp lênh ưu đãi NCC với cách mạng lần này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: Việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hoà giữa các diện đối tượng người có công, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước; chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu NCC đã được hưởng các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học…
Chỉ tính từ năm 2010, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6.000 Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
(Theo Tin Tức)