+
Aa
-
like
comment

Chăm lo cho 2.200 trẻ mồ côi do Covid-19: Mọi sự chần chừ đều có lỗi với xã hội

Công Luân - 21/07/2022 14:30

Nỗi đau mà dịch Covid-19 gây ra tới giờ vẫn không thể nào nguôi ngoai. Những phóng sự về ám ảnh Covid của những đứa trẻ bỗng nhiên mất đi tất cả người thân vẫn ám ảnh cả xã hội từng giờ. Tiếng khóc bây giờ đã không còn nữa mà thay vào đó là những nỗi đau câm lặng được chôn giấu chặt trong những đôi mắt vô hồn mà lý ra nó không bao giờ tồn tại ở những đứa trẻ. Chúng sống lầm lũi trong nỗi đau tột cùng mà không biết than trách ai. Không được phép khóc vì phải mạnh mẽ kiên cường sống thay cả phần cha mẹ. Thương vô cùng, thương đến quặn thắt ruột gan.

TPHCM có khoảng hơn 2.200 trẻ mồ côi vì dịch Covid-19

Các em rồi sẽ lớn sẽ phải trưởng thành nhưng chắc chắn đây sẽ là gánh nặng tâm lý phải mang theo suốt cuộc đời. Nhất là đối với những đứa trẻ ngày mình cất tiếng khóc chào đời cũng là tiếng khóc chia tay cha mẹ. Chúng lớn lên mà không có một chút hơi ấm của gia đình, không có một chút kí ức nào về cha mẹ. Đây là bất hạnh quá lớn mà chúng không được quyền chọn lựa.

Còn nhiều và rất nhiều nỗi đau khác mà nếu kể ra thì biết bao nhiêu phóng sự cho đủ. Riêng ở TP. HCM nơi tâm bão của đại dịch đã có tới 2.200 trẻ mồ côi. Đó cũng là 2.200 nỗi đau đến xé lòng. 2.200 em bé bị buộc phải mồ côi rồi sẽ lớn, bằng chính nghị lực của các em và sự chia sẻ của cộng đồng và trên cả là sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố như những nhọc nhằn trăn trở về việc xây dựng chính sách cho trẻ mồ côi do Covid-19 từ chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên: “chúng ta cần tính toán chu toàn, trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo”.

Những nhắc nhở chăm lo ấy đã hơn một lần được nhắc nhớ và hơn 1 năm qua thành phố cũng có nhiều hoạt động, việc làm để chăm lo cho các em. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở về các chính sách chăm lo trên con đường dài lâu cho hành trình khôn lớn của các em. Như câu hỏi mới đây tại nghị trường Quốc hội của Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: “Các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng với các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên khác. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng hoàn cảnh của các cháu và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa”.

Giả sử doanh nghiệp cam kết bảo trợ trẻ học đến khi tốt nghiệp THPT với một khoản kinh phí nhất định hằng tháng nhưng vài năm sau doanh nghiệp không còn hoạt động thì trách nhiệm này ai sẽ thực hiện? Hoặc ai sẽ theo dõi việc các tổ chức, cá nhân hứa hỗ trợ các trẻ mồ côi hoặc điều kiện cụ thể của các cháu ở từng thời điểm để xem sự hỗ trợ có còn phù hợp nữa không?. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có cơ chế chính sách, quy trình, tiêu chuẩn để ứng phó hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Rút ra bài học, kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, từ đó, nghiên cứu chính sách bảo vệ trẻ em mang tính lâu dài hơn.

Lướt qua những thông tin từ báo chí để thấy rằng, vẫn còn hiện trạng trên nóng dưới lạnh quá. Nếu mà cứ lạnh thế này thì những đứa trẻ đang rét run phải làm thế nào? Rồi đây nếu dịch bùng phát một lần nữa chúng sẽ ra sao? Cô đơn ngay chính tại nơi sầm uất nhất đối với những đứa trẻ là bi kịch.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều