+
Aa
-
like
comment

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn của phát triển kinh tế

Diệu Hương - 22/07/2020 17:39

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 33,9%. Việc chậm giải ngân đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Tại Hội nghị về tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình nhiều địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời biểu dương giải ngân đạt tỷ lệ cao. Điều đáng nói là trong các đơn vị giải ngân nhanh không có những đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, cũng không có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Câu hỏi đặt ra là cũng thực hiện Luật Đầu tư công, cùng thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cùng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại sao nửa năm nay, có tỉnh giải ngân đạt 80% vốn kế hoạch như Tiền Giang, nhưng có tỉnh lại giải ngân dưới 20%, thậm chí 07 bộ, ngành giải ngân dưới 5%. Đành rằng còn những vướng mắc về cơ chế, nhưng cần thẳng thắn, nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là do có tình trạng quan liêu, xa dân, không đối thoại với dân, không hài hòa lợi ích giữa dân và nhà nước, dẫn đến không giải phóng được mặt bằng. Đó là sợ sai, sợ trách nhiệm, không hoàn thành trách nhiệm công vụ, nhất là người đứng đầu. Đó là đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 gây khó khăn chung. Thậm chí đó là còn do sắp Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành, bộ, ngành nên có tình trạng sợ làm mất lòng, mất phiếu nên không quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Nghịch lý là trong hầu hết các buổi làm việc của lãnh đạo đất nước với các địa phương, địa phương nào cũng đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng cơ bản. Thế nhưng tiền có lại không tiêu được.

Những điều đó đã biến đầu tư công là nạn nhân, thay vì động lực phát triển. Trong lúc các dòng vốn đầu tư khác như tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thì vốn đầu tư công chính là cứu cánh của nền kinh tế.

Biết bao nhà đầu tư đang chờ đợi cú hích từ đầu tư công để có dự án tạo việc làm. Biết bao cơ hội tăng trưởng của địa phương, đất nước bị bỏ lỡ khi các dự án bị đóng băng. Nói như Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành giải ngân chậm đang nghĩ gì, có sốt ruột không, khi mà có tiền lại không tiêu được.

Chìa khóa ở chỗ có địa phương Hội đồng nhân dân luôn đồng hành cùng Ủy ban nhân dân, thậm chí mỗi tháng họp một lần để gỡ vướng mắc giải ngân vốn như Ninh Bình. Có địa phương Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, xã khi tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo thì đồng thời đối thoại với dân về giải phóng mặt bằng như tỉnh Tiền Giang. Có địa phương công khai trong các cuộc họp về những đơn vị giải ngân chậm gắn với trách nhiệm giải trình như Nghệ An. Và chìa khóa còn là việc đình chỉ công tác đối với cán bộ gây chậm trễ, khó khăn như Bộ Xây dựng.

Các địa phương sẽ không thể chần chừ, ì ạch được nữa khi Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó Thủ tướng và 4 Phó Thủ tướng sẽ đứng đầu một số đoàn kiểm tra. Và trên cơ sở đó từ tháng 8 tới, Thủ tướng sẽ điều chuyển vốn từ các địa phương chậm giải ngân sang địa phương giải ngân tốt hơn. Những địa phương, bộ, ngành chậm giải ngân không những bị phê bình và người đứng đầu cũng sẽ bị xử lý công khai trên báo chí.

Và cùng chung nỗi băn khoăn, chắc chắn dư luận, xã hội sẽ đặt câu hỏi, liệu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả để thúc đẩy phát triển chính địa phương, đơn vị mình có cảm thấy có lỗi với dân hay không.

Giải bài toán giải ngân đầu tư công, trước hết cần lắm sự sâu sát của người đứng đầu, ngăn chặn bệnh quan liêu, để đầu tư công là động lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều