+
Aa
-
like
comment

Chấm dứt tình trạng “dân đã nghèo còn bị vạc xương”

Minh Thanh - 22/09/2022 14:16

Hiện nay, tình trạng người dân đến ngân hàng vay tiền nhưng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo hợp đồng vay đã không còn quá mới lạ. Vì muốn nhanh chóng vay được tiền mà nhiều khách hàng đã “nhắm mắt cho qua”, chấp nhận mua bảo hiểm rồi sau đó bỏ hợp đồng do không thể đóng nổi các khoản phí hàng tháng.

Một cử tri tỉnh Bạc Liêu đã thông tin, vì tài chính khó khăn nên có đến các ngân hàng thương mại tại địa phương để vay. Tuy nhiên, khi được tư vấn về các gói vay, nhân viên ngân hàng sẽ sử dụng thêm các “chiêu trò” để ràng buộc người vay phải mua bảo hiểm kèm theo với giá trị hợp đồng lên đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, lần đầu khách hàng phải đóng 10-15 triệu đồng. Nếu khách hàng từ chối giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ bị nhân viên “làm khó dễ” và không cho vay tiền.

Đây là một điều hết sức phi lý bởi chính vì không có tiền nên người dân mới đi vay, nay lại bắt họ phải gánh thêm một khoản phí khác thì chẳng khác nào lại đang tăng thêm gánh nặng tài chính cho họ. Từ đó dẫn đến việc người đi vay không đủ khả năng để chi trả khoản tiền vay, lãi suất cũng như phí bảo hiểm hàng tháng. Ngân hàng cũng sẽ không thu lại được khoản tiền đã cho vay, thậm chí có nguy cơ mất luôn khoản phí hợp đồng bảo hiểm.

Khách đi vay bắt buộc phải mua thêm hợp đồng bảo hiểm nếu muốn vay được tiền

Trên thực tế, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì việc ký kết hợp đồng bảo hiểm phải dựa trên cơ chế tự nguyện và không bắt ép hay ràng buộc khách hàng phải mua. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh quản lý bảo hiểm cũng đã có quy định nghiêm cấm trường hợp các tổ chức tín dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trong các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không có điều khoản yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Mặc dù quy định là thế, tuy nhiên vẫn có không ít nhân viên ngân hàng tìm cách đưa hợp đồng bảo hiểm vào song song với các hợp đồng vay.

Trước phản ánh của người dân về tình trạng này, dưới sự chủ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên ngân hàng ép buộc khách hàng mua các loại bảo hiểm không cần thiết khi có nhu cầu vay vốn. Các ngân hàng cũng phải đảm bảo phê duyệt hồ sơ và giải ngân cho người đi vay theo đúng quy định của pháp luật.

Rất nhiều khách hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ khi đến ngân hàng

Về phía Bộ Tài chính, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ một số cơ quan báo chí, Bộ trưởng đã ngay lập tức có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải tăng cường rà soát, kiểm tra lại các hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Mục đích là để giúp cho các doanh nghiệp này chủ động tuân thủ đúng theo quy định pháp luật và nhắc nhở đến các đối tác nếu có xảy ra trường hợp như trên. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp cùng với NHNN gửi văn bản đến các tổ chức để nhắc nhở trong việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Trong thời gian tới, hai đơn vị này sẽ tiếp tục ngồi lại cùng nhau để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người đi vay và người có nhu cầu mua bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng. Từ đó, giúp đưa các sản phẩm bảo hiểm đến đúng với những khách hàng thật sự có nhu cầu trải nghiệm.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều