+
Aa
-
like
comment

Minh chứng hùng hồn cho thấy những kẻ phá hoại không quan tâm đến tình hình đất nước

Bảo An - 23/08/2021 14:48

Theo kế hoạch, từ ngày 24 đến ngày 26/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến công du tới Việt Nam. Chuyến công du của bà Kamala Harris diễn ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ một thời gian ngắn cho thấy chính quyền Mỹ và Việt Nam đang có những mối quan hệ ngày càng tích cực.

Nhiều tổ chức núp bóng “nhân quyền” chống phá Việt Nam trước chuyến công du của bà Kamala Harris

Trước chuyến công du của bà Kamala Harris, nhiều cá nhân, tổ chức chống phá, cùng một số tổ chức có cái nhìn thiếu khách quan với Việt Nam như Việt Tân, các phân nhánh của ACAT, Ủy Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam Cosunam, Phóng Viên Không Biên Giới RSF, Đài Á châu tự do RFA đã nhanh chóng “bám càng”, “tát nước theo mưa”, đưa ra các “thư ngỏ” gửi tới Phó Tổng thống Mỹ để kêu gọi bà Kamala Harris can thiệp vào một số công việc của Việt Nam.

Núp dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, các tổ chức chống phá, “dân chủ giả hiệu” đã đưa ra nhiều yêu sách, “kêu gọi bà hãy nêu quan ngại về tình hình nhân quyền cấp bách tại Việt Nam trong những cuộc gặp với quan chức Việt Nam”.

Trước hết, các tổ chức trên sử dụng chiêu trò “tù nhân lương tâm” để đánh lận bản chất vấn đề, đòi hỏi Phó Tổng thống Mỹ “đặt vấn đề tình hình nhân quyền với chính phủ Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm”… Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẳng định rõ tại Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, tất cả các trường hợp bị kết án tại Việt Nam đều là các trường hợp vi phạm pháp luật hình sự. Việc kết án trải qua đầy đủ trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Nguyên tắc bất di bất dịch là không ai bị kết án nếu không thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Thực tế, những trường hợp được các tổ chức nêu trên liệt kê trong nhóm “tù nhân lương tâm cần quan tâm” đều là các đối tượng chống phá cộm cán, có nhiều hoạt động phá hoại Nhà nước Việt Nam. Trong đó, nhiều đối tượng là tay sai, cơ sở nội địa, thành viên của các tổ chức chống phá, đặc biệt là Việt Tân.

Bên cạnh đó, những luận điệu công kích, chống phá, xuyên tạc về vấn đề an ninh mạng của Việt Nam tiếp tục được đưa ra. Với các luận điệu mơ hồ, căn cứ phi thực tế, thông qua “thư ngỏ”, các tổ chức còn tung ra luận điệu cho rằng Việt Nam phải “chấm dứt vũ khí hóa công cụ mạng xã hội và phạt những người thực thi quyền biểu đạt của họ”, “yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do sử dụng Internet và chấm dứt việc bắt giữ tùy tiện những công dân bày tỏ quan điểm phê bình trên mạng xã hội”. Thực chất, những yêu sách này không phải là nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền mà mục đích chính là để các cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị cũng như các tổ chức thù địch đối với Việt Nam ở trong và ngoài nước có cơ hội, điều kiện hoạt động.

Trong nhiều năm qua, các thế lực chống phá đã triệt để sử dụng truyền thông, đặc biệt là không gian mạng để lan truyền, rêu rao các thông tin, luận điệu, nhận định, đánh giá sai trái, thù địch nhằm thực hiện “chiến tranh tâm lý”, tạo ra sự suy thoái từ bên trong. Cần nói thẳng, Việt Nam luôn tôn trọng tự do ngôn luận và quyền dân chủ của người dân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Việt Nam thỏa hiệp cho các hành vi lợi dụng mạng xã hội để công kích, chống phá đất nước. Nên nhớ, theo báo cáo Digital 2020 của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân; số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao; số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Vậy nhưng những người kêu gào bị “chèn ép”, “xâm phạm tự do ngôn luận” vì “tự do biểu đạt” trên internet chỉ lác đác một vài trường hợp và tất cả những trường hợp này đều là những trường hợp sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm hại lợi ích quốc gia, gây bất ổn an ninh trật tự là điều không được phép tiến hành, vi phạm các quy định về an ninh mạng và các quy định trong luật hình sư Việt Nam.

Về đòi hỏi “tạo điều kiện cho sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự độc lập”, đây là một mưu mô vô cùng tinh vi của các tổ chức “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm chống phá Việt Nam. Tại Việt Nam, mọi người có quyền tự do lập hội nhưng phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thay vì chấp hành pháp luật, các tổ chức chống phá lại tích cực kêu gọi hình thành cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự độc lập”, cho rằng “các tổ chức xã hội dân sự chỉ cần hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của chính mình mà không cần chấp hành các quy định của pháp luật”. Thực chất, đằng sau luận điệu đòi thành lập các tổ chức “xã hội dân sự” không phải là để thúc đẩy tự do, dân chủ mà mục đích chính là nhằm tạo điều kiện hình thành các tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam; trở thành nơi tập hợp, huấn luyện, bồi dưỡng các mầm mống, phần tử chống phá đất nước.

Mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới đều dựa trên sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng từ cả hai phía. Lãnh đạo các quốc gia đủ thông minh để thấy nên làm gì, cần làm gì và phải làm gì trong các mối quan hệ quốc tế. Việc “tát nước theo mưa” như những gì các tổ chức Việt Tân, các phân nhánh ACAT, RFA… đang thể hiện ở trên chỉ là những màn hài kịch vô cùng hài hước, ra vẻ ta đây.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều