Chậm dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bí thư Hà Nội nhận lỗi với cử tri
Liên quan đến những chậm trễ trong quá trình triển khai Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận lỗi với cử tri vì chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và sự phát triển của đô thị.
Sáng 29.11, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân.
Tại đây, cử tri của nhiều phường trên địa bàn quận Thanh Xuân đã nêu ý kiến, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng như vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, vấn đề cải tạo chung cư cũ, vấn đề cung cấp nước sạch, di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô…
Lắng nghe, trả lời lần lượt các câu hỏi, kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm rõ một số vấn đề cử tri nêu.
Trả lời về vấn đề 3 tuyến đường chậm tiến độ trên địa bàn quận Thanh Xuân bao gồm đường Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài và đường Vương Thừa Vũ kéo dài, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Ban đầu các dự án này được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), nhưng sau đó do vướng mắc về thủ tục, cơ chế của hình thức đầu tư này nên thành phố buộc phải dừng lại, chuyển hướng sang hình thức đầu tư khác.
Ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu xây dựng cơ bản nên các dự án này bị chậm trễ. Hiện nay, thành phố đang khắc phục bằng cách xác định mức độ ưu tiên để đầu tư từ nguồn ngân sách, kết hợp với kêu gọi các nguồn đầu tư xã hội hóa.
Về kế hoạch di dời các doanh nghiệp, dự án, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, Bí thư Hà Nội cho biết, vừa rồi thành phố đã rà soát 117 cơ sở không đáp ứng được quy hoạch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để có kế hoạch di dời.
“117 này nằm trong 12 quận, việc này vô cùng khó khăn khi đưa cơ sở ô nhiễm ra phải giải quyết được nguồn vốn cho họ, ngân sách thành phố phải đáp ứng cho doanh nghiệp khi ra khỏi nội thành như chi phí lo cho công nhân, thiết bị chứ không thể đưa nguyên thiết bị này khi di dời. Nguồn vốn đáp ứng vấn đề này là hết sức khó khăn. Còn nếu cho chuyển đổi là phương án dễ nhất nhưng dễ vi phạm quy hoạch và tăng quy mô dân số. Trong xử lý thành phố sẽ quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới” – Bí thư Hà Nội thông tin.
Về những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận lỗi với cử tri vì chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và sự phát triển của đô thị, đồng thời cho biết, nếu không có tuyến tàu điện ngầm, tuyến đường sắt trên cao thì không có cách nào giải thoát được vấn đề ùn tắc giao thông. Việc các công trình triển khai chậm, thành phố có nhiều vướng mắc trong chế độ chính sách giải phóng mặt bằng, cơ chế, pháp lý để triển khai, đẩy nhanh các dự án này.
(Theo Lao Động)