“Chấm điểm” ngành Giáo dục
Gần như trong mọi kỳ chất vấn trên nghị trưởng Quốc hội, vị trí thường xuyên nhận được sự quan tâm chính là “tư lệnh” ngành Giáo dục. Bởi lẽ vấn đề của giáo dục là vấn đề của mọi gia đình.
Trong buổi chất vấn hôm 11/11, một Đại biểu đã nêu ý kiến: “Có 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến”. Khá bất ngờ khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bắt đầu câu trả lời rằng: “Không phải là 1,5 triệu cháu không có trang thiết bị học tập, mà là 1 triệu 867 ngàn học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập”. Bộ trưởng còn cho biết những gia đình, 2-3 anh chị em chỉ có một chiếc điện thoại để học. Cũng theo Bộ trưởng Sơn, khu vực miền núi và trung du phía Bắc – nơi có địa hình hiểm trở, chia cắt bởi rùng núi – khó khăn thuộc hàng bậc nhất thì đang học trực tiếp.
Việc học trực tuyến trong hoàn cảnh dịch COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn là điều tất yếu. Nhưng việc Bộ trưởng nắm chắc đến từng con số học sinh không có công cụ học tập, nắm rõ tình hình mỗi khu vực là điều rất đáng ghi nhận.
Vào thời điểm hiện tại, khi cuộc sống đang dần trở lại quỹ đạo thường nhật, có không ít phụ huynh mong mỏi cho con đi học trực tiếp. Mỗi người có một lý do, phần vì khó khăn trong việc trông giữ trẻ, phần vì lo ngại việc học online không đảm bảo. Nhưng chắc chắn bộ phận đối lập quan điểm cũng chẳng hề ít. Mà lý do được họ đưa ra cũng hoàn toàn chính đáng: “Nhỡ bây giờ có đứa nhiễm Covid-19 thì sao?”. Nỗi lo sợ dịch bệnh lớn hơn nỗi lo mất bài vở, âu cũng là thường tình, bể học là chuyện cả đời. Đứng giữa đôi bên đó, chính là lãnh đạo các địa phương. Nhưng đến nay cũng ít có nơi nào dám tổ chức học trực tiếp, hoặc có thì cũng rất dè chừng.
Không chỉ riêng việc dạy học mùa dịch, các đại biểu còn nhắc đến vấn đề tự chủ trong các trường Đại học, vấn đề dạy thêm học thêm, dự án làng đại học ở Đà Nẵng, tỉ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3 tuổi, phụ cấp cho giáo viên miền núi… Mỗi vấn đề đều được Bộ trưởng trả lời đầy đủ, chi tiết. 30 năm đứng trên giảng đường trước khi ngồi lên “ghế nóng” Bộ trưởng, quả thật những vấn đề trên chẳng có gì xa lạ với Phó Giáo sư Nguyễn Kim Sơn.
Từ tốn và cầu thị những cảm nhận về “bài thi” đầu tiên của “thí sinh” Nguyễn Kim Sơn. Hẳn có ai đó vẫn chưa hài lòng về những câu trả lời của Bộ trưởng. Dù sao, ông cũng chưa làm “tư lệnh ngành” được tròn một năm, có bỡ ngỡ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hãy để ông làm việc, rồi thời gian sẽ mang đến câu trả lời. Nhiệm kỳ Bộ trưởng tận 5 năm, có thể nó không đủ để thấy ngay những điều gì đó lớn lao. Nhưng những giải pháp căn cơ, những thay đổi đầu tiên thì có thể đủ cho việc “sửa sang” nền giáo dục.
Cuối buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội chấm điểm: “Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành Giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ các ý kiến của ĐBQH cũng như ý kiến tranh luận”.
Riêng tôi rất thích một câu nói của Bộ trưởng khi trong lúc giải trình: “Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta”.
Hạnh Văn