Cha mẹ có thể bị truy tố tội hình sự nếu cho con sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi
Hiện nay, việc học sinh sử dụng xe gắn máy có dung tích lớn hơn so với quy định ngày càng tăng. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng giao phương tiện giao thông cho con khi chưa đủ tuổi mà không hề biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định về các độ tuổi được phép điều khiển phương tiện phù hợp. Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…
Tuy nhiên, theo quan sát, trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy nhiều học sinh vẫn sử dụng xe gắn máy có dung tích lớn hơn so với quy định. Thậm chí các bạn học sinh còn vô tư vi phạm luật giao thông khi điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba trên đường.
Chị Nguyễn Hà My (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Hiện nay tôi thấy có rất nhiều em học sinh đi xe gắn máy di chuyển trên đường. Việc phụ huynh cho học sinh sử dụng xe gắn máy vượt quá quy định về phân khối, trước hết gây mất an toàn cho chính các em. Theo tôi, nếu nhắc nhở vẫn không thay đổi thì cứ thực hiện phạt cả những người đưa xe cho học sinh sử dụng”.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lê Quyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tức là chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, là hành vi vi phạm pháp luật và bản thân học sinh đó cũng bị xử phạt tùy theo mức độ.
Ngoài ra, cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho con mình điều khiển xe gắn máy, mô tô khi chưa có đủ điều kiện (về độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe) thì cũng bị xử phạt theo Nghị định 46/2016.
Theo điểm đ Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Ngoài ra, trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, mô tô gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tùy vào mức độ của hậu quả mà người chủ phương tiện có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Thành Nhân