CEO Mai Kiều Liên hé lộ tham vọng của Vinamilk khi mở chuỗi cà phê
CEO Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk mở chuỗi cà phê để phát triển ngành hàng nước giải khát dựa trên lợi thế sẵn có. Công ty sẽ không đầu tư thuê những địa điểm quá đắt đỏ.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk sáng 26/6, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm với kế hoạch phát triển chuỗi cà phê với thương hiệu “Hi – Cafe” của công ty.
Trong tài liệu đăng tải trước đại hội, Vinamilk dự kiến phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng cà phê ở nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh sau thời gian thử nghiệm một cửa hàng tại trụ sở chính. Một số cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Vinamilk lý do tham gia thị trường khi nhiều chuỗi cà phê đang thua lỗ, phải đóng cửa.
Tận dụng cửa hàng sữa bán cà phê
“Công ty không có tham vọng thuê những địa điểm giá 10.000-20.000 USD/tháng để mở cửa hàng mà tận dụng những lợi thế của mình để đi vào ngành hàng nước giải khát”, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên giải đáp quan ngại của cổ đông.
Theo bà Liên, công ty ra sản phẩm cà phê để phát triển ngành hàng giải khát, kết hợp với lợi thế có sẵn về sản phẩm sữa. Vinamilk đang sở hữu hệ thống 430 cửa hàng chuyên doanh bán sữa của riêng mình. Các cửa hàng sữa này có thể pha chế cà phê đáp ứng nhu cầu uống tại chỗ và mang đi của người tiêu dùng.
Liên quan đến việc mở rộng danh mục sản phẩm, Vinamilk mới đây đã công bố thông tin ký biên bản ghi nhớ việc thành lập liên doanh với Kido Group để phát triển các sản phẩm nước giải khát và kem. Tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51% còn Kido đầu tư 49%.
Chưa tiết lộ nhiều thông tin cụ thể về liên doanh này với cổ đông, CEO Mai Kiều Liên chỉ chia sẻ cả hai bên vẫn duy trì những thương hiệu có thế mạnh và có thể phát triển nhiều dòng sản phẩm mới hơn.
Ngoài ra, Vinamilk cũng tiếp tục đầu tư, phát triển những sản phẩm sữa mới như organic. Bà Liên cho biết sản phẩm sữa organic của Vinamilk chủ yếu đáp ứng phân khúc khách hàng có nhu cầu cao. Công ty đã có chiến lược phát triển sữa organic tại nhiều thị trường khó tính, nơi người tiêu dùng có thu nhập cao với nhận định đây là dòng sản phẩm có tương lai tươi sáng.
“Kết quả từ đầu tư vào Sữa Mộc Châu sẽ có cuối năm”
Cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất việc mua lại GTNFoods, qua đó gián tiếp sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu. Thương vụ thâu tóm này nhận được nhiều câu hỏi tại đại hội cổ đông sáng nay. Các nhà đầu tư thắc mắc về tham vọng của Vinamilk với Sữa Mộc Châu và thương hiệu này sẽ thay da đổi thị ra sao sau khi sáp nhập.
Bà Liên khẳng định Sữa Mộc Châu là thương hiệu tốt, tiềm năng để phát triển song song cùng thương hiệu Vinamilk. Công ty đã có kế hoạch nâng cấp năng lực sản xuất, hệ thống phân phối, tăng vốn cho Sữa Mộc Châu.
Bà Liên nói Vinamilk sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ để xây dựng trang trại hiện đại với số lượng đàn bò 4.000 con, nhà máy tiêu chuẩn cho Sữa Mộc Châu. Công ty đã làm việc với tỉnh Sơn La về vấn đề đất đai xây dựng và nhận được sự đồng thuận về chủ trương của chính quyền địa phương.
“Chúng tôi mới tiếp nhận Sữa Mộc Châu đầu tháng 1 nhưng dịch Covid-19 thì đã hết 4 tháng. Cổ đông sẽ thấy kết quả của sự đầu tư vào Sữa Mộc Châu vào cuối năm”, CEO Vinamilk quả quyết.
Bà Liên cho biết Sữa Mộc Châu dự kiến tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% so với cùng kỳ năm trước sau khi về với Vinamilk. Con người của Sữa Mộc Châu giữ nguyên nhưng áp dụng kinh nghiệm quản trị của Vinamilk nên sẽ tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu. Sản phẩm của Sữa Mộc Châu cũng sẽ đi xa hơn sau khi cấu trúc lại hệ thống phân phối.
“Dứt khoát không để mất thị phần” Với lo lắng của nhà đầu tư về hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ đẩy sản phẩm sữa châu Âu vào thị trường Việt Nam với giá rẻ hơn khi hàng rào thuế sẽ giảm dần, tiến tới bị xóa bỏ, bà Liên đánh giá đây là áp lực những cũng là động lực để Vinamilk cạnh tranh với sản phẩm nhập khâu.
Bà cho biết sau khi giảm thuế, chênh lệch giữa giá sữa của Việt Nam và sữa nhập khẩu vẫn còn cao. Bà Liên đánh giá Vinamilk sẽ chịu thêm cạnh tranh nhưng “không đến nỗi người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm nhập hết”.
Theo nữ CEO, sản phẩm sữa châu Âu có chi phí nguyên liệu và nhân công rất cao so với trong nước. Các đối thủ ngoại còn phải gánh chi phí vận chuyển, phát triển hệ thống phân phối. Thời gian trung bình từ ngày sản xuất đến khi về tới thị trường Việt Nam nhanh nhất khoảng 3-4 tháng.
Trong khi đó, Vinamilk chủ động nguồn nguyên liệu, nhà máy, hệ thống phân phối trong nước. Sản phẩm của công ty từ nhà máy đến thẳng người tiêu dùng trong thời gian bình thường chỉ 2 tuần và cao nhất là một tháng. Câu chuyện cạnh tranh còn bao gồm vấn đề giá cả, chất lượng, thương hiệu.
“Có nguy cơ chứ không phải chúng tôi coi thường. Nhưng từ trước đến nay, sữa ngoại cũng nhiều và công ty có đối sách cụ thể. Chúng ta dứt khoát không để mất thị phần”, bà Liên cam kết với cổ đông.
Dù đã nắm khoảng 60% thị phần ngành sữa trong nước, CEO Vinamilk cho biết vẫn có thể gia tăng miếng bánh trên thị trường. Bà khẳng định công ty đang thực hiện đúng kế hoạch 5 năm gần nhất với mục tiêu mỗi năm có thêm 1% thị phần.
Theo bà Liên, mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu trẻ em ra đời và đây là một thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng trưởng và sữa là sản phẩm tốt cho sức khỏe nên việc tiêu thụ cũng sẽ tiếp tục đi lên. Thêm vào đó, mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam vẫn còn rất thấp so với một số nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.
Đại hội cổ đông của Vinamilk thông qua kế hoạch doanh thu 59.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.690 tỷ đồng. So với năm 2019, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 6% và lợi nhuận tăng thêm 1%.
Bà Liên cập nhật kết quả sơ bộ nửa đầu năm, doanh thu của Vinamilk ước tính tăng 7%, lợi nhuận tăng 3% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 với Vinamilk là không có doanh thu từ chương trình sữa học đường khi trường học đóng cửa. Trong quý II, công ty đã hồi phục khi doanh số thị trường nội địa tăng 12% và xuất khẩu tăng 26% so với quý trước.
Năm nay Vinamilk không có kế hoạch tăng giá bán. Dù vậy, bà Liên nói nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao vượt giới hạn, công ty sẽ phải tăng giá sản phẩm.
Việt Đức/ZN