+
Aa
-
like
comment

CDC Hà Nội trục lợi ngân sách có trở thành “vụ Trần Dụ Châu” thứ hai?

Đặng Trường - 29/04/2020 14:52

Mấy ngày nay, cả nước vui mừng khi Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19, Thủ tướng quyết định nới lỏng cánh ly toàn xã hội, doanh nghiệp đi làm lại bình thường, hàng quán được kinh doanh trở lại từ ngày 23/4. Vậy mà sự việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam vì “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” lại là một vết bẩn trong khung cảnh niềm vui chung đó. Nhưng cũng từ vụ việc này mà người dân thêm tin tưởng vào Chính phủ và Bộ Công an.

Hành vi cấu kết, thông đồng, nâng khống giá thiết bị y tế của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP. Hà Nội là hành vi bất nhân bất nghĩa.

Như Cánh Cò đã đưa tin, một cái máy xét nghiệm trị giá 2,3 tỷ đồng thôi nhưng một nhóm người do ông Nguyễn Nhật Cảm đứng đầu đã hô biến lên tới 7 tỷ đồng, thổi phồng gấp 3 lần giá trị. Nói giá 2,3 tỷ đồng có khi còn hơi cao bởi CDC tỉnh Quảng Trị mua 1 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá chỉ 1,45 tỉ đồng và 1 máy tách chiết mẫu tự động với giá 650 triệu đồng. Vậy là số tiền gian lận, nâng khống giá thiết bị bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của nhân dân nghiễm nhiên đã lọt vào túi người đứng đầu CDC và đồng nghiệp của ông ta.

Mặc dù đang trong thời điểm tập trung chống dịch nhưng sau quá trình thu thập chứng cứ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) vẫn nhanh chóng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bị can, thực hiện các lệnh khám xét, bắt tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015. Chắc chắn 7 con người nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm pháp luật này.

Nhưng nhục nhã hơn, hành vi cấu kết, thông đồng, nâng giá thiết bị y tế còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm ngành Y. Càng phẫn nộ thay khi bị can Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm khác chính là 7 trong số nhiều con người đang ở tuyến đầu chống dịch, đang gánh vác trọng trách bảo vệ mạng sống cho người dân mà thế này đây. Ông bà ta có câu: “Lương y như từ mẫu” nhưng xem lại hành vi của họ thì có còn xứng đáng với với chức danh “lương y” nữa hay không? Những “con sâu làm rầu cả nồi canh”, một nhóm người làm xấu mặt cả ngành Y, làm bẩn đi những bức tranh cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân thâu đêm suốt sáng của các y bác sỹ mấy tháng trời.

Chân dung các đối tượng trực lợi ngân sách.

Cả nước đang căng mình chống dịch, dồn mọi sức lực, nguồn lực cho công tác này thì hành vi của những người cán bộ trên là “lợi dụng dịch bệnh để ăn trên nỗi đau của toàn xã hội. Buồn thay, nhân dân đang đặt tất thảy niềm tin vào công tác chống dịch của lãnh đạo và Bộ Y tế thì hành vi bẩn thỉu này chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt. Mà nói ra đâu chỉ có niềm tin, chính nhân dân cũng đã góp sức chung tay ủng hộ tiền bạc vật chất để đất nước chống dịch. Bỗng dưng nhớ lại những hình ảnh tiêu đề các bài báo cụ bà ủng hộ 1 cây vàng, cụ bà 87 tuổi góp đôi bông tai vàng, cụ khác ủng hộ 2 tấn gạo,… cho Chính phủ chống dịch mà cảm thấy xót xa quá. Rồi còn giới doanh nhân, nghệ sỹ, nhân dân cả nước quyên góp cả ngàn tỷ chống dịch. Đất nước chống dịch khó khăn, họ tình nguyện gom góp những đồng tiền còm cõi mong đất nước vượt qua dịch bệnh. Vậy mà có những kẻ không biết liêm sỉ lại trục lợi ăn chia.

Tham nhũng dù trong hoàn cảnh nào cũng là sâu mọt nhưng những kẻ tham nhũng trong bối cảnh đất nước đang gian khó, nhân dân điêu đứng, thì đó là táng tận lương tâm. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã phải dùng từ “bất nhân, bất nghĩa” để nói về hành vi của ông Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm: “Một người làm nghề y, đứng đầu cơ quan y tế dự phòng mà lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, vơ vét cho bản thân, đó là một điều bất nhân, bất nghĩa”. Đáng nói là, trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, tăng giá, làm giả khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và đặc biệt là trục lợi, tham ô tham nhũng. Vậy mà người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP. Hà Nội vẫn cố tình làm thì còn trông chờ hy vọng sự khoan hồng nào nữa?

Vụ nâng khống giá trị, ăn chặn tiền mua thiết bị y tế  của CDC Hà Nội như một sự thu nhỏ vụ án Trần Dụ Châu đúng 70 năm trước, Cục trưởng Cục Quân nhu của Bộ Quốc phòng, có nhiều công lao với quân đội nhưng vì lòng tham mà trở thành một trong những người bị Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối đơn xin miễn án tử hình. Với vụ việc lần này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã khẳng định: “Các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong hoàn cảnh dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương”. Hy vọng vụ án sẽ nhanh chóng được đưa ra xét xử và kết quả như vụ “Trần Dụ Châu”.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều