+
Aa
-
like
comment

Câu view bất chấp cần phải được chấm dứt!

Phạm Khoa - 16/11/2022 12:44

Mới đây, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh của một cô gái mặc trang phục phản cảm khi tới chùa, nhưng ngay sau đó, đã có màn bóc phốt, cho thấy đó chỉ là tình huống giả để câu view.

Những hình ảnh chụp vui vẻ sau lip tranh cãi gây phẫn nộ trên mạng xã hội

Vài năm trở lại đây, những thông báo tìm biên kịch online cho các kênh Tik Tok, Youtube… với tiêu chí: “tạo trend, bắt trend”, kèm theo hứa hẹn sẽ thưởng nhuận theo lượt view, lượt tương tác, nở rộ trên các mạng xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, thì tình trạng làm bất cứ cái gì miễn gây chú ý, dù “cái gì” đó kỳ dị, đi ngược lại đạo đức, thuần phong mỹ tục đang càng lúc càng phổ biến!

Lướt một vòng Tik Tok, ta sẽ nhìn thấy không thiếu những video clip vô nghĩa, phản cảm nhưng có lượt view cao ngất ngưởng, kiểu như: “chè bắp lòng gà”, “sinh tố hột vịt lộn”, “kỳ thị người miền Trung”… Đôi khi, dù vẫn nhận ra mặt tiêu cực của các clip trên, nhưng giới trẻ vì hiếu kỳ đã xem và chia sẻ cho người khác xem. Chính hành vi thiếu ý thức này đã gây họa cho xã hội.

Điểm lại các livestream chửi bới “cả xã hội” của bà Nguyễn Phương Hằng, livestream bôi nhọ tòa án và cơ quan chức năng Long An của các “luật sư online”, livestream bán hàng kém chất lượng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, cũng như hàng loạt video phản cảm của giới trẻ hiện nay, chúng ta sẽ thấy thông tin trên mạng xã hội càng lúc càng độc hại, và thiếu kiểm soát.

So với các nước lân cận, tình trạng buông lỏng quản lý nội dung mạng xã hội ở Việt Nam xem ra đã ở mức đáng báo động. Đơn cử như Singapore, mới đây, luật chống nội dung độc hại trên mạng xã hội (Infocomm) đã được thông qua. Theo đó, các công ty truyền thông có thể bị phạt tới 715.000 USD nếu không tuân thủ luật trên. Ngoài tiền, Infocomm còn có thể can thiệp để chặn quyền truy cập của người dùng internet ở Singapore.

Nữ Tiktoker ‘câu view’ bất chấp, tạo clip phản cảm ở sân bay gây phẫn nộ

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng gần đây đã phát biểu, “Môi trường văn hóa là nơi các hệ giá trị, yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy; là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới, nơi tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, “sức mạnh mềm” quốc gia trên trường quốc tế”. Từ phát biểu này, có thể thấy, văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ đang tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội, mà còn làm ảnh hưởng đến sức mạnh nội tại của đất nước mỗi ngày.

Mạng xã hội tuy ảo, nhưng hệ lụy từ mạng xã hội là có thật, và rất nghiêm trọng. Dưới góc nhìn này, quả bóng trách nhiệm đang được đẩy về phía các cơ quan an ninh mạng. Dù dư luận xã hội có lên án mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ là tự phát, chúng ta rất cần đến sự vào cuộc của các cơ quan an ninh mạng, kèm với chế tài nghiêm khắc của luật pháp. Đây là những nhân tố quan trọng hàng đầu giúp cho văn hóa mạng xã hội được đảm bảo.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều