+
Aa
-
like
comment

Câu trả lời của Phó Chủ tịch TP.HCM khiến người dân và doanh nghiệp an lòng

09/10/2021 10:32

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 8/10, với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, TP sẽ cố gắng để không xảy ra “đóng cửa” một lần nữa.

Theo chia sẻ của người dân và các doanh nghiệp (DN), đây mới là điều họ thực sự mong muốn…

TP.HCM mở cửa trở lại cả tuần nay nhưng anh Tuấn – chủ một quán hủ tiếu tại khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vẫn chưa thể buôn bán trở lại như bình thường.

“Trước dịch, có khi buổi sáng tôi bán cả trăm tô nhưng bây giờ chỉ bán lác đác 30-40 tô. Người dân vẫn sợ dịch nên chủ yếu nấu ăn sáng ở nhà. Chỉ mong TP sớm khống chế dịch bệnh, trở lại bình thường thì chúng tôi mới làm ăn trở lại được”, anh Tuấn nói.

Đây mới là điều doanh nghiệp, người dân cần

Lo lắng của anh Tuấn cũng là nỗi lo chung của người dân, tiểu thương, DN trước vấn đề “thành phố có đóng cửa trở lại hay không” sau một thời gian được hoạt động trở lại.

Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận: “Thành phố kỳ vọng việc tổ chức sản xuất, mở cửa lưu thông hàng hóa sẽ được giữ nguyên “chứ không phải hôm nay mở ngày mai đóng, khiến DN, tiểu thương, người dân… không thể ứng phó được”.

Không phải vốn, câu trả lời này của Phó Chủ tịch TP.HCM mới khiến người dân - doanh nghiệp an lòng - Ảnh 1.
Chính quyền TP.HCM trao tận tay gói hỗ trợ lần thứ 3 bằng tiền mặt cho người dân – Ảnh chụp màn hình: Quốc Hải

Muốn vậy, theo bà Thắng, người dân phải “tuyệt đối nâng cao ý thức phòng chống dịch”. Song song đó, thành phố tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin và phủ rộng mũi tiêm cho các người lao động tại các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa nhằm không để việc “đóng cửa” tái diễn.

“Nếu không kỹ, không phòng dịch tốt thì “đóng cửa” trở lại có thể xảy ra. Thế nhưng, chúng ta phải đồng lòng, cùng quyết tâm để điều đó không thể nào tái diễn” – bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”

Không những vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP, qua 8 ngày mở cửa hoạt động trở lại vừa qua, lãnh đạo thành phố mong muốn người dân và DN giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng thành phố khôi phục kinh tế như trước đây.

“Từ đây đến ngày 15/10, nếu tình hình dịch ổn định thì TP sẽ tính toán mở cửa một số lĩnh vực, ngành nghề, để không nói “bình thường mới” mà là bình thường” – bà Thắng nói thêm.

Xã Vĩnh Lộc B gửi gạo, rau củ hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Ảnh: Quốc Hải

Bàn thêm về cách khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, bà Thắng thừa nhận, trong thời gian qua thành phố chỉ “đảm bảo đồ thiết yếu nhất”. Vì các tỉnh cũng có dịch bệnh, nông dân không thu hoạch nông sản được, trong khi chợ đầu mối, chợ truyền thống… tại thành phố bị dừng hoạt động nên xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương TP, cùng các ban ngành tập trung tính toán, kết nối Sở Công Thương các tỉnh với nhau, để tổ chức hội chợ, kết nối chuỗi cung ứng…” – bà Thắng thông tin.

Doanh nghiệp được tiếp sứcTại buổi đối thoại, TP.HCM cũng thông tin nhiều chính sách để hỗ trợ các DN, tiểu thương, người dân về nguồn cung ứng vốn, miễn giảm lãi, thuế, kể cả những cách làm mới để phù hợp với tình hình hiện tại.

Chẳng hạn, theo bà Thắng, Chính phủ đang xây dựng Nghị định theo hướng giúp DN khôi phục sản xuất với các đề xuất tối ưu như: Thực hiện giảm thuế TNDN 30% cho các DN có doanh thu không quá 200 tỷ đồng, giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1/10 đến 31/12/2021 ở một số lĩnh vực, miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020-2021 cho DN phát sinh lỗ trong năm 2020.

Đặc biệt, với các hộ cá nhân kinh doanh cũng được miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý 3 và 4.

Lo lắng của người dân là “thành phố có đóng cửa trở lại hay không”, sau thời gian được hoạt động trở lại. Ảnh: Quốc Hải

Hoặc, để tạo dòng tiền sớm cho DN, thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế làm việc với các chi cục thuế quận, huyện làm thủ tục hoàn thuế sớm chứ không phải đến cuối năm mới làm như trước đây.

Một vấn đề quan trọng khác, là theo tính toán của DN, chi phí tăng thêm để duy trì mô hình “3 tại chỗ” là 4-5 triệu đồng/tháng/người, với DN có vài trăm đến cả ngàn công nhân thì chi phí rất lớn khiến DN kiệt sức.

Về vấn đề này, bà Thắng cho hay, thành phố đã có kiến nghị cụ thể với các cấp lãnh đạo theo hướng những chi phí phát sinh trong phòng chống dịch bệnh thì sẽ được hạch toán vào chi phí của DN…

Doanh nghiệp, người dân chưa thực sự hài lòng với câu hỏi về nguồn vốn?

Về vấn đề nguồn vốn, theo chia sẻ của bà Phan Thị Thắng, hiện các ngân hàng đã ban hành các thông tư 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các DN, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho “nhảy” nhóm nợ đối với các DN đang vay vốn. Riêng với nhóm DN nhỏ, hộ kinh doanh khó tiếp cận ngân hàng, có nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn khác như Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn Lao động (quỹ CEP vay tín chấp), hệ thống ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện.

Tuy nhiên, anh Võ Vương – chủ một DN sản xuất điện trở tại Q.12, cho rằng, TP chỉ nguồn vốn ở đâu thì ai cũng biết, nhưng cách để tiếp cận thì chưa nói rõ.

“Phải biết rằng, DN vừa và nhỏ rất khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Chưa kể, DN thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các DN vừa và lớn. Đáng lưu ý là DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn còn phiền hà, phức tạp…”, anh nói.

“Vay vốn ở Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn Lao động hay hệ thống ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện chỉ phù hợp với mô hình kinh doanh hộ gia đình, tiểu thương chứ các DN sẽ không mặn mà vì nguồn vốn giải ngân khá thấp”, anh Võ Vương nhận định.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều