Câu trả lời cho bài toán “rút vốn FDI khỏi Việt Nam”
Dưới tác động của đại dịch, hoạt động đầu tư với nguồn vốn từ nước ngoài (FDI) tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng vô cùng nặng nề, cũng như phải đối mặt với nhiều thử thách trong công tác đàm phán và hợp tác cùng các quốc gia khác. Một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, các nhà đầu tư buộc phải di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Việt Nam sang quốc gia khác để bảo vệ cho tính sống còn của doanh nghiệp.
Thực tế về việc rút vốn của các doanh nghiệp FDI
Các doanh nghiệp Đức với phần lớn các cơ sở kinh doanh sản xuất nằm tại phía Nam nước ta là một minh chứng rõ ràng cho việc gánh chịu trực tiếp những tổn thất do đại dịch gây ra. Số liệu báo cáo thực tế cho thấy, sự tàn phá của dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung cũng thể hiện rõ rệt mức ảnh hưởng trầm trọng đến các doanh nghiệp đầu tư vốn từ Đức. Chính áp lực này đã khiến họ đặt ra phương án di chuyển nguồn vốn đầu tư sang các quốc gia khác.
Tuy nhiên, điều này là không hoàn toàn chính xác khi nói về tình hình nguồn vốn FDI tại Việt Nam. Trên thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ lên phương án tạm thời di chuyển một số đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, hoặc thay đổi vị trí cơ sở sản xuất từ khu vực ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh sang khu vực chịu ảnh hưởng ít hơn trên lãnh thổ Việt Nam, chứ hoàn toàn không có việc các doanh nghiệp nước ngoài quyết định rút hoạt động đầu tư ra khỏi Việt Nam.
Vì sao các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra phương án di chuyển hoạt động đầu tư tạm thời?
Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch lên toàn bộ lĩnh vực kinh doanh sản xuất là nguyên nhân buộc các nhà dầu tư phải thực hiện trong lúc này để bảo đảm cho hoạt động thu lợi nhuận và duy trì doanh nghiệp của họ. Cụ thể, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tập trung hơn 70% tại các tỉnh phía Nam – nơi sở hữu nguồn lao động dồi dào và tài nguyên sản xuất phong phú. Tuy nhiên, khu vực này cũng là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất từ sự quay trở lại lần thứ 4 của đại dịch. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhu cầu và sức mua suy giảm rõ rệt, nguồn lao động thiếu hụt trầm trọng do không đảm bảo được an sinh và quyết định từ bỏ doanh nghiệp để trở về quê hương, các cơ sở kinh doanh buộc phải tạm dừng sản xuất để tuân thủ chủ trương chống dịch siết chặt. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đình trệ, cùng với mô hình sản xuất mới vận hành vô cùng khó khăn và tiêu ngốn rất nhiều chi phí đã đặt ra áp lực khổng lồ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trái với mục tiêu thu hồi lợi nhuận nhanh, thực tế này buộc họ phải chờ đợi nền kinh tế được phục hồi và mất một khoảng thời gian cần thiết để phát triển trở lại. Vì thế, để an toàn cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sở hữu nguồn vốn FDI cần thiết chọn phương án tạm thời này là điều hiển nhiên.
Tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giữ chân và thu hút nguồn vốn FDI giữa và hậu đại dịch
Tuy vậy, phương án của các doanh nghiệp có vốn từ nước ngoài cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Họ không hề dễ dàng có ý định rút hoạt động đầu tư FDI ra khỏi Việt Nam. Thực tiễn và tiềm năng mạnh mẽ của thị trường tại Việt Nam hoàn toàn chứng minh được điều đó.
Xét về đặc trưng của nguồn vốn FDI, đây là nguồn vốn với mức đầu tư lớn và thời gian đầu tư đòi hỏi diễn ra trong trung và dài hạn. Vì thế, không thể gán những yếu tố tác động có tính ngắn hạn của môi trường xung quanh và các biến động tức thời trên thị trường để đưa ra quyết định có nên rút nguồn vốn đầu tư ra khỏi một quốc gia hay là không. Yếu tố dịch tễ tại Việt Nam là minh chứng cụ thể cho điều đó. Không chỉ riêng tại nước ta, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang tác động vô cùng nặng nề trên toàn diện các lĩnh vực. Bất kể nền kinh tế quốc gia nào cũng buộc phải đối mặt với sự ngưng trệ và suy sụp nghiêm trọng. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong thời kỳ hội nhập cho thấy tính khó khăn và tổn hại là diễn ra toàn bộ. Vì thế, biến động ngắn hạn từ yếu tố dịch tễ này hoàn toàn không phải là một nguyên nhân hợp lí để các doanh nghiệp nước ngoài quyết định rút nguồn vốn ra khỏi Việt Nam.
Dựa vào tiềm năng sẵn có của quốc gia, Việt Nam hoàn toàn sở hữu những lợi thế kiên định và vững chắc để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Là một quốc gia non trẻ với nguồn lao động dồi dào, cùng với các yếu tố nguyên nhiên vật liệu đầu vào phong phú, cơ sở hạ tầng thông tin được công nghệ hóa và hệ thống giao thông vận tải phát triển thuận lợi cho hoạt động sản xuất, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin khẳng định sức mạnh thu hút của mình đối với các doanh nghiệp đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lí, lãnh đạo và công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng thể hiện được phần lớn tính ổn định và đảm bảo an ninh cao về mặt chính trị của nước ta. Các yếu tố này cũng đủ để Việt Nam tự tin khẳng định về tiềm năng to lớn trong việc thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác triển khai tiêm vaccine của Việt Nam là điểm nhấn hiệu quả và gây ấn tượng tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy mức độ phục hồi nhanh chóng và tinh thần sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường mới của nước ta. Trước thời điểm cuối năm 2021, theo chủ trương và kế hoạch của Chính phủ, mỗi công dân Việt Nam đều được hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine và gấp rút đưa cuộc sống đi vào quỹ đạo bình thường. Điều này thể hiện, khi nhân tố con người được đảm bảo, nền kinh tế sẽ nhanh chóng được vực dậy và phát triển mạnh mẽ, nhằm bù đắp cho những tổn thất kéo dài và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc phát triển của Việt Nam từ trước dịch đến nay.
Đặt lên bàn cân so sánh với các quốc gia sở hữu tương tự các yếu tố thu hút đầu tư, Việt Nam đang có những triển vọng và tiềm năng phục hồi mạnh mẽ. Trong số đó, Ấn Độ là quốc gia cạnh tranh tương đồng về nhiều mặt với Việt Nam trong thời điểm chưa có dịch bệnh. Là nước có hoạt động đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ITC) mạnh mẽ, nhưng sức tàn phá của dịch bệnh khiến Ấn Độ lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng khi mọi hoạt động kinh doanh sản xuất bị gián đoạn hoàn toàn trên toàn bộ lãnh thổ. Trong khi đó, Việt Nam đang gấp rút tiến hành bù đắp những tổn hại và phục hồi nhanh chóng để quay lại trạng thái bình thường sớm nhất có thể. Nếu tiếp tục duy trì sự bền vững, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dành trọng sự tin tưởng của mình khi đưa vốn vào Việt Nam.
Không chỉ vậy, việc tiếp nhận lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là không hề thay đổi và công tác triển khai kí kết cũng như hội nhập các liên minh thương mại từ trước mốc mở đầu dịch bệnh, hoàn toàn cho phép Việt Nam kiên định và vững chắc với vị trí là một trong các quốc gia đang phát triển thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới.
Có thể khẳng định rằng, xét về trung và dài hạn, Việt Nam là mảnh đất tiềm năng đối với các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia trên thế giới.Nước ta hoàn toàn có thể tự tin về việc giữ chân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài kể cả trước và sau đại dịch. Vì thế, việc quyết định rút khỏi Việt Nam là không hề dễ dàng và tiềm năng phát triển của nước ta rất khó để khiến các nhà đầu tư suy nghĩ tới điều đó.
La Hoàng