+
Aa
-
like
comment

Ẩn ý của Thủ tướng sau câu nói “đã đến lúc nhân dân tự cứu mình…”

Văn Dân - 13/12/2019 18:50

Sau câu nói: “Đã đến lúc nhân dân tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu”, được cắt trích từ cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân tại Cần Thơ, lời ra tiếng vào, người khen kẻ chê cũng không ít. Âu cũng là lẽ thường tình, một lời nói mỗi người có thể hiểu một kiểu. Có thể vì hiểu chưa rõ, thông tin chưa đủ hay sự việc chưa tới. Tuy nhiên, chỉ vịn vào mỗi câu nói đó để rồi quy kết cho rằng: “phát biểu trên phản ánh tinh thần vô trách nhiệm và không quan tâm đến sự khó khăn của người nông dân” thì chỉ có 3 khả năng – 1. không hiểu vấn đề, 2. quá coi khinh tinh thần tự lực, tự cường của người nông dân, 3. mưu đồ chính trị cá nhân.

Đồng ý, tâm lý chung, khi đọc những dòng tít: “Thủ tướng: Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu” -Vietnamnet; “Nông dân phải tự cứu lấy mình trước khi nhà nước cứu” – báo Văn Hóa;… ít nhiều cảm thấy bức xúc. Nhưng, Cánh Cò tin rằng, người đọc sẽ có một cảm nhận khác khi dành ra đôi ba phút thôi để tìm hiểu thì nội dung cuộc đối thoại của Thủ tướng sẽ tròn nghĩa hơn.

Bởi, trước khi nói câu nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 3 giờ đồng hồ xuyên suốt để không chỉ trao đổi những chủ trương, chính sách lớn của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Mà còn, để nghe những phản ánh trực tiếp từ chính những người nông dân. Thủ tướng cũng nói rất rõ ngay từ đầu buổi đối thoại rằng, ông đến đây không chỉ một mình mà còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản. Một chi tiết rất đáng lưu tâm trong buổi đối thoại này đó là, người dân “làm chủ”, là những người trực tiếp đưa ra những khuyến nghị và người lãnh đạo bộ ngành liên quan phải tự mình trả lời thấu đáo cũng như chịu trách nhiệm với những “đơn hàng’ người dân giao đặt. Đúng với tinh thần chính phủ kiến tạo trong nông nghiệp được “thổi hồn” vào Nghị quyết 120.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trà khổ qua, sản phẩm của nông dân Cần Thơ

Về cơ chế, chính sách để tạo lực cho tam nông trong những năm qua có lẽ là không thiếu, nhưng vì sao đến giờ này nền nông nghiệp nước nhà vẫn chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Lý do căn cốt nằm ở tư duy. Dễ thấy, phần lớn các câu hỏi nông dân gửi đến Thủ tướng tập trung vào chuyện muốn Nhà nước “cho” nông dân, rất hiếm có ý kiến nông dân tự đề xuất mình phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh“. Nào phải vô cớ mà nhà nông học nổi tiếng GS.TS Võ Tòng Xuân với tất cả tâm huyết vì sự nghiệp tam nông, lại phải thốt lên lời đề nghị Thủ tướng “yêu cầu” nông dân phải đổi mới tư duy với Đảng và Nhà nước. Bởi như ông chia sẻ, tất cả những cố gắng sẽ như “công dã tràng” nếu không có sự đổi mới từ nông dân.

Chúng ta cứ nói mãi về nền nông nghiệp 4.0, vậy thì bắt buộc phải có những nông dân 4.0. Là những người nông dân tuy có diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn, sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng gì nữa trong quá trình nuôi trồng của mình, và cũng không lo bị thương lái ép giá. Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư lo. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.

Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc NÔNG DÂN PHẢI TỰ CỨU MÌNH TRƯỚC KHI ĐÒI HỎI NHÀ NƯỚC CỨU. Câu nói này không phải để “bỏ mặc nông dân” như ai đó suy diễn mà đề cao khả năng, trí tuệ, tinh thần tự lực tự cường của người nông dân. Người nông dân của chúng ta không “nhỏ bé” như họ và nhiều người vẫn nghĩ, vì chúng ta đã có những người nông dân như anh Ngô Hùng Thắng (Đồng Tháp) đã sáng chế hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại; hay anh Phạm Văn Hát (Hải Dương), dù mới chỉ học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra khoảng 30 loại sản phẩm máy nông nghiệp khiến nhiều người nể phục. Trong đó, robot đặt hạt đã được xuất khẩu đi 14 quốc gia. Vì vậy, điều mà Thủ tướng muốn hướng đến chính như câu nói của Engels “phải để cho nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của mình”. Nhà nước không thể nghĩ hộ, bao cấp, bao bọc… Sản xuất-cung ứng-thị trường phải có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, thực hiện thông qua cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò là “bà đỡ”, tạo môi trường thông thoáng.

Gỉa sử buổi đối thoại hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe và đáp ứng “yêu cầu” của người dân, thậm chí có thể đưa ra những lời hứa có cánh này nọ, có thể báo chí sẽ tung hô, nhiều người sẽ thấy lọt tai. Nhưng cái gốc căn bản là tư tưởng của người dân không thay đổi, thì chính sách có tốt cỡ nào, đường lớn có mở ra sao, thì chắc chắn luôn họ vẫn nghèo trên mảnh đất của mình. Vậy nên, chọn nói những lời có thể khó nghe, để giải quyết căn cơ, gốc rễ vấn đề. Như cái cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chọn con đường gập gềnh, gõ cửa nhiều nơi đã mở đường cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Hơn cả một câu nói, đó chính là hành động đầy trách nhiệm của một nhà lãnh đạo nặng lòng với người nông dân, với nền nông nghiệp nước nhà. Đất nước Việt nam muốn đi lên, muốn “tự chủ” trước nay vẫn phải “tự cứu mình trước” không dựa vào quốc gia nào khác và mỗi người dân cũng nên như vậy. Hãy mơ lớn hơn, nghĩ khác đi và hành động để thay đổi.

Văn Dân

Bài mới
Đọc nhiều