+
Aa
-
like
comment

Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin

14/09/2019 08:12

Con đường vào nhà Đinh Văn Cơ, tân sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, quanh co, gập ghềnh như chính cuộc đời của em.

Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 1.
Mái nhà của Cơ chẳng lành lặn dù đã được thầy cô và bạn bè giúp sửa chữa – Ảnh: NG.TÀI

Chỉ có con đường học, ra trường có việc làm ổn định mới là đường đi lâu dài.

ĐINH VĂN CƠ

Ngôi nhà bé xíu ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp dột nát tả tơi. Đó cũng chính là mái ấm duy nhất của Cơ – nơi ấy ba năm qua chỉ một mình bạn tự lo cho bản thân và tìm nguồn vui, hi vọng vào việc học hành.

Những thử thách cho số phận

Cha ruột trong ký ức của Cơ chỉ qua những lời kể chắp vá, chưa một lần đến nhà cha và chỉ dám mơ về tình yêu thương. Mẹ Cơ vì cuộc sống túng thiếu, vừa sinh xong Cơ đã lên TP.HCM bươn chải.

Thuở bé Cơ ở với ngoại và cậu, chật vật đủ bề. Đến năm 7 tuổi, mẹ Cơ đi thêm bước nữa và dẫn bạn theo cùng. Mái ấm ấy tuy nghèo khó nhưng trong ký ức của bạn đó thực sự là một gia đình.

“Mẹ sinh cho cha dượng đứa con trai nhưng cha vẫn thương mình như con ruột của ông. Thời gian đó mình mới hiểu được thế nào là gia đình, được yêu thương là như thế nào” – Cơ chia sẻ.

Số phận như muốn thử thách ba mẹ con Cơ một lần nữa khi cha dượng của Cơ đột ngột qua đời trong cơn đột quỵ, chưa kịp trăng trối. Ngôi nhà nhỏ thiếu vắng trụ cột gia đình, Cơ mất đi người cha mà mình kính yêu.

Tám năm sau đó, mẹ Cơ cố gắng từng ngày để lo kinh tế gia đình, lo cho hai anh em học hành. Ký ức vui của hai anh em là những buổi chiều ngồi ngóng mẹ về, chỉ cần mẹ xuất hiện ở con đường đất nhỏ, hai anh em liền ùa ra reo vang.

Rồi có một ngày Cơ ngóng mãi về con đường đất mà chẳng thấy bóng dáng người mẹ thân yêu. Ở tuổi 16, bạn thấm thía thực sự nỗi bơ vơ, hiu quạnh giữa dòng đời, tự lo cho mình, vượt qua cú sốc mang tên “bị bỏ rơi”.

Nguồn vui của Cơ

Ba tháng hè lớp 10, Cơ xin về nhà cậu mợ tá túc nhưng họ cũng nghèo, lại đông con. Cơ không thể là gánh nặng của cậu mợ, bạn quyết định quay về nhà tự lo cho bản thân.

Ngày còn mẹ ở nhà, Cơ hay phụ mẹ làm những tấm lót nhấc nồi. Dù tiền công khá ít ỏi, chỉ 2.000 đồng một cặp nhưng đó là cách mưu sinh duy nhất với Cơ trong thời gian đầu tự lập. Dẫu sao Cơ cũng có được ít tiền mua gạo để ăn qua ngày.

Cơ cũng đã nghỉ học vì sợ không thể xoay xở chuyện học hành, nhưng thầy cô, bạn bè đã đến động viên và giúp đỡ bạn rất nhiều.

“Tấm che mái nhà là do chính tay thầy cô và các bạn đến giúp mình. Hôm đó rất vui. Thầy cô, bạn bè ai cũng cười nói vui vẻ. Lâu rồi nhà mình mới có dịp đông đúc, nhộn nhịp đến vậy” – Cơ cười tươi nhớ lại kỷ niệm đẹp.

Sau đó, thầy chủ nhiệm ưu tiên cho Cơ nhiều phần học bổng từ các nhà hảo tâm. Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm Cơ năm lớp 11 và 12 Trường THPT Cao Lãnh 2, ấn tượng mạnh về cậu học trò học rất giỏi này.

“Đến tận nhà em, thấy cảnh em phải sống một mình, không cha, không mẹ, không người thân, tôi không cầm lòng được, thấy thương em quá” – thầy Nghĩa chia sẻ.

Hàng xóm láng giềng cũng dành cho bạn nhiều sự bất ngờ. Những hôm bạn đi học về muộn, vừa mệt vừa đói, hàng xóm mang qua cho bạn tô cơm nóng, cá kho làm bạn rưng rưng. Hay các bạn thân cứ thường đến nhà bạn để học bài cùng. Những lúc ốm đau cũng có các bạn bên cạnh, thuốc thang, chăm sóc.

Bà Lê Thị Tuyền, hàng xóm của Cơ, dành nhiều thiện cảm với Cơ lẫn những người bạn của Cơ. “Hồi mẹ nó đi, nó lầm lì, ít nói. May nhờ có đám bạn thân hay lui tới, thấy nó cũng đỡ buồn hơn. Thương lắm. Có hôm tui thấy nó nhờ bạn nấu nồi canh chua cá lóc, nó thèm mà không biết nấu” – bà Tuyền kể.

Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 3.

Có lẽ cuộc đời đã không lấy đi của ai tất cả. Cơ dần vui trở lại, tự đặt ra cho mình nhiều mục tiêu của cuộc đời. Trong đó việc học được bạn ưu tiên hàng đầu. Bạn bảo lúc cha dượng còn sống cũng hay khuyên bảo ráng học, bản thân Cơ cũng nhận thấy chỉ có con đường học, ra trường có việc làm ổn định mới là lâu dài.

12 năm liền Cơ đều là học sinh giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 bạn đạt được 23,6 điểm, đậu ngành khoa học dữ liệu Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM. Từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và số tiền dành dụm của bản thân, Cơ đã đủ đóng tiền học phí học kỳ đầu tiên. Bạn dự định đi làm thêm để lo tiếp mấy năm đại học sắp tới.

Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 4.
Ba năm qua Cơ tá túc trong ngồi nhà của cha dượng và cố gắng vừa mưu sinh vừa đi học – Ảnh: NGỌC TÀI.
Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 5.
Mái nhà đã dột nát, được thầy cô bạn bè đến giúp che tạm bằng tấm mũ, Cơ sửa lại một lần trước khi nhập học ở TP. HCM – Ảnh: NGỌC TÀI.
Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 6.
Mái nhà đã dột nát, được thầy cô bạn bè đến giúp che tạm bằng tấm mũ, Cơ sửa lại một lần trước khi nhập học ở TP. HCM – Ảnh: NGỌC TÀI.
Cậu học trò ba năm qua sống một mình trong ngôi nhà nát đậu đại học Công nghệ thông tin - Ảnh 7.
Nhà dột, cột siêu lại không có người thân bên cạnh, Cơ vẫn nỗ lực mỗi ngày để thi đậu đại học – Ảnh: NGỌC TÀI.

NGỌC TÀI

Bài mới
Đọc nhiều